Tiếp sức doanh nhân

Tiếp sức doanh nhân
TP - Chiều qua, dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ hai được trình ra Quốc hội xem xét thảo luận và nhận được nhiều sự đồng thuận.

Chính sách nổi bật nhất là việc dự thảo mới nhất quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp.

Nếu quy định này được thông qua, sẽ có hơn 49% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động làm ăn có lãi được hưởng lợi từ chính sách này, tương đương khoảng 301.000 doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa là nói đến khu vực kinh tế tư nhân. Ông Dũng kiến nghị cần xem doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn gì, cần gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời cũng cần trả lời cho câu hỏi, vì sao doanh nghiệp tư nhân của chúng ta không lớn được? Vì sao các hộ kinh doanh cá thể không muốn lập doanh nghiệp? Những quy định trong dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này khá cụ thể về tín dụng, đất đai, hỗ trợ về phát triển thị trường, đào tạo… sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa.

Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều đại biểu đặt ra đó là làm gì để dự luật này thực sự đi vào đời sống, có ý nghĩa với từng doanh nghiệp và doanh nhân? Ví dụ như việc đề ra chính sách hỗ trợ nhưng không nói rõ mức thuế được giảm, thời gian thực hiện hay là chuyện để giảm thuế thì phải sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm nay vẫn chưa thấy đâu!

Thực tế, còn nhiều những lo ngại khác mà dự luật này và nhiều dự luật khác chưa thể bao quát được và đang là rào cản rất lớn nằm trong năng lực thực thi, trong ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức. Trong buổi tiếp xúc của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với doanh nghiệp ngày 19/5 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp Nội Bài đã phải “kêu trời” khi tần suất thanh tra còn dày đặc, thủ tục hành chính đầy rẫy nhiêu khê. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khi tiếp xúc với PV Tiền Phong cho hay, sự giám sát với hoạt động công vụ của cán bộ công chức còn rất lỏng lẻo và một cán bộ công chức thừa hành cũng có thể hành doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng” với đủ loại mánh khoé vì lợi ích riêng.

Còn nhớ khi phát biểu về tình trạng này, cách đây chưa lâu nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phải nhận xét: “Doanh nghiệp nói họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì trơn còn Hà Nội bôi cũng không trơn”.

Trong bối cảnh ấy hy vọng dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ sớm được Quốc hội thông qua, tạo thêm sức mạnh vật chất và tinh thần, tiếp sức hiệu quả cho sản xuất và mỗi doanh nhân trên thương trường đầy rẫy chông gai.

MỚI - NÓNG