Nhiều hộ nghèo ở TP Long Khánh vay vốn chính sách đầu tư nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao |
“Điểm tựa” của hộ nghèo ở Đồng Nai
Gia đình ông Đỗ Viết Hiệu ở xã Bảo Quang, TP Long Khánh là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách. Ông Hiệu từng là hộ nghèo, phải ở nhà tình thương nhưng đã nỗ lực làm ăn để vươn lên và trở thành hộ có kinh tế khá giả. Đến nay, gia đình ông đã xây sửa nhà cửa rộng rãi, khang trang; mua sắm nhiều tiện nghi, đồ dùng có giá trị trong nhà (xe máy, tivi, tủ lạnh…) và lo cho con ăn học đầy đủ.
Trước đây, vợ chồng ông không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy và được xếp vào diện hộ nghèo. Năm 2012, gia đình được tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Ông dùng số vốn đầu tư làm chuồng và mua 1 cặp dê giống về nuôi để sinh sản nhân đàn. Bên cạnh đó, ông còn mua, bán dê giống và thu mua dê thịt để kiếm thêm thu nhập. Nhờ làm ăn hiệu quả đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ngày càng ổn định và nhanh chóng vươn lên thoát nghèo vào năm 2014.
“Nhờ được tiếp sức từ vốn vay chính sách, cuộc sống của gia đình tôi đã vươn lên tốt đẹp. Tôi thực lòng cảm ơn chính quyền đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình vượt lên khó khăn để có cuộc sống như hôm nay”, ông Hiệu chia sẻ.
Kể từ sau khi thoát nghèo đến nay, ông Hiệu tiếp tục được NHCSXH cho vay 2 lần với tổng số vốn 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng trang trại với mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, gia đình ông Hiệu lúc nào cũng duy trì đàn dê trên 70 con trong chuồng. Nguồn thu nhập của gia đình từ nuôi dê giống và mua bán dê thịt đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Cũng như ông Đỗ Viết Hiệu, ông Trịnh Văn Xuân ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất cũng đang vay vốn chính sách theo chương trình hộ nghèo. Theo ông Xuân, quá trình thực hiện thủ tục vay vốn, ông được NHCSXH huyện, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ hoàn thiện thủ tục. Sau khi nhận vốn, gia đình còn được chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chọn mua con giống, thức ăn chăn nuôi, cách làm chuồng trại… “Nguồn vốn vay 50 triệu đồng đầu tư vào chăn nuôi là cơ hội để gia đình tích góp dần với mong muốn sẽ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”, ông Xuân chia sẻ.
Luôn đồng hành cùng hộ nghèo
Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác. Nhờ đó, chi nhánh đã triển khai thực hiện Nghị định 78 đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Đặc biệt, hoạt động tín dụng chính sách thực sự mang tính đột phá kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai và các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng được hệ thống mạng lưới 2.406 Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các Tổ tiết kiệm vay vốn là cầu nối giữa NHCSXH với người vay, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao với dư nợ 112 tỷ đồng, đến nay, chi nhánh đã triển khai cho vay 17 chương trình với tổng dư nợ 4.793 tỷ đồng, tăng 4.682 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 42 lần) và có 110.620 khách hàng vay vốn. Trong 20 năm qua, toàn tỉnh 612 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn chính sách. Qua đó, gần 86 nghìn lượt hộ nghèo thoát ngưỡng nghèo; gần 122 nghìn lao động được duy trì và tạo việc làm; hơn 336 nghìn công trình nước sạch, nhà vệ sinh được xây dựng; 88 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.