70 năm Thanh niên xung phong Việt Nam

Tiếp nối truyền thống

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần thăm đội TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: NVCC
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần thăm đội TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: NVCC
TP - Tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh đi trước, thế hệ trẻ hôm nay đã xung phong, tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần xây dựng, phát triển kinh tế -  xã hội, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xã nông thôn mới nơi thâm sơn cùng cốc

Cách đây 17 năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) Tây Sơn (thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, sát biên giới Việt - Lào) nhằm khai thác tiềm năng khu vực miền núi để phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biên giới quốc gia. Tổng đội do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh trực tiếp quản lý, tuyển chọn những gia đình trẻ lên định cư lập nghiệp với tiêu chí là tự nguyện và nhiệt huyết.

Nhớ lại những ngày đầu lên vùng đất mới, anh Nguyễn Thiện Trình (SN 1982), Phó Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn cho biết, tốt nghiệp Cao đẳng, anh viết đơn tình nguyện làm TNXP về vùng khó với khát vọng hỗ trợ bà con trong phát triển kinh tế, xã hội. Ngày lên đường về Tây Sơn mang theo bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ nhưng thực tế khi đặt chân lên vùng đất mới anh bị… “sốc”. Nơi đây vốn dĩ là vùng rừng thiêng nước độc.

“Sơn Tây lúc đó chưa có đường sá, chỉ là một vùng rừng núi hoang vu, cây dại mọc um tùm che chắn hết đường đi, lối lại. Gần 100 thanh niên ở dưới xuôi lên ở tạm bợ trong dãy nhà tập thể của Xí nghiệp chè Tây Sơn. Chưa có điện thắp sáng, nước sạch và công trình vệ sinh. Muỗi, vắt nhiều vô kể”, anh Trình nhớ lại.

Nhưng rồi với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, anh Trình cũng như các gia đình trẻ đã kiên trì bám trụ, bằng bàn tay, khối óc nỗ lực khai hoang, phục hóa, phát triển cây trồng, vật nuôi hồi sinh vùng đất khó. Anh Trình và những người đứng đầu Tổng đội TNXP Xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn định hướng, hỗ trợ người dân cây trồng, vật nuôi, phát triển đồi chè nguyên liệu. Bên cạnh đó, Tổng đội phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đội viên được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất...

Nhờ sự nỗ lực đó, đến nay vùng đất giáp biên giới Việt - Lào ở phía Tây Hà Tĩnh đã “thay da, đổi thịt”, trở thành vùng đất phát triển trù phú, được bao phủ bằng màu xanh của những đồi chè, vườn cây ăn quả, nhà cửa san sát.

Tiếp nối truyền thống ảnh 1 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong (thứ 2, từ phải sang) thăm Tổng đội TNXP Xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn.  Ảnh: Quang Lộc 

Anh Trình cho biết, hiện Tổng đội có 160 ha chè nguyên liệu, được đầu tư nhà máy chế biến chè công suất 15 tấn chè búp tươi/ngày. Tổng đội đứng ra thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân, đảm bảo sản xuất bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu. Trung bình mỗi năm, Tổng đội tổ chức thu mua 1.200 tấn chè búp tươi, chế biến 280 tấn chè xanh cho các hộ gia đình, đạt doanh thu bình quân 12 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Tổng đội phát triển 7 mô hình chăn nuôi tập trung doanh thu bình quân 10 tỷ đồng/năm; trồng mới 1.300 ha rừng nguyên liệu, bảo vệ tốt 1.370 ha rừng tự nhiên.

“Đến thời điểm này, 228 hộ gia đình đang sinh sống ở đây, từ bàn tay trắng lên lập nghiệp giờ đã có nhà cao cửa rộng, cuộc sống khá giả, sung túc, sở hữu đầy đủ phương tiện thiết yếu của cuộc sống, nhiều gia đình có ô tô riêng”, anh Trình cho biết. Đặc biệt, hai thôn Phố Tây (thuộc xã Sơn Tây) và thôn Thanh Dũng (thuộc xã Sơn Kim 2) của Tổng đội TNXP đã về đích Nông thôn mới và trở thành làng kiểu mẫu.

Vui mừng với những kết quả đạt được, Phó Tổng đội trưởng Nguyễn Thiện Trình cho biết thêm, hiện Tổng đội đang phát triển vùng chè nguyên liệu theo hướng VietGap với mục tiêu mang chè của đội viên TNXP Hà Tĩnh ra thị trường thế giới.

Phát triển du lịch Bạch Long Vĩ

Sinh năm 1987, anh Phạm Văn Phòng hiện đang là Liên đội phó Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ, Tổng đội TNXP Hải Phòng. Năm 2005, khi vừa tốt nghiệp cấp 3, anh Phòng viết đơn tình nguyện ra đảo Bạch Long Vĩ làm TNXP. Dù với tiêu chuẩn mỗi năm được 2 đợt nghỉ phép (mỗi đợt 20 ngày) nhưng suốt 3 năm đầu, anh Phòng ở miết từ đầu năm đến tết mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần về quê được chục ngày anh lại nôn nóng hóng tàu để về lại đảo. Lãnh đạo, anh em đồng đội trên đảo thường trêu đùa anh: “Phòng yêu đảo hơn nhà”.

“Từ một cậu học sinh quyết định xa nhà ra đảo trong điều kiện thiếu thốn đủ bề là điều không hề dễ dàng. Nhưng sau thời gian ở đảo, được sống, làm việc với những con người hồn hậu, chất phác tôi thấy mình thực sự gắn bó, yêu quý, muốn được cống hiến sức trẻ cho biển đảo quê hương”, anh Phòng bộc bạch.

Anh cùng các đội viên đội TNXP đảm trách xây dựng các nhà công vụ, khu dân cư, chăm sóc 9 công viên cây xanh, thu gom, vệ sinh đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Gần 20 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Ban Chỉ huy Lực lượng TNXP T.Ư đã triển khai thực hiện 31 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp và Khu kinh tế TNXP; 9 dự án phát triển thủy sản ở các xã nghèo ven biển; 6 dự án Đảo Thanh niên… 

Giơ hai bàn tay đầy vết chai, anh Phòng tếu táo, đó là “dấu tích” của những tháng ngày bốc vác hàng hóa, xi măng, vật liệu xây dựng từ tàu thuyền vào đảo. Mọi chuyến tàu chở hàng từ đất liền ra đảo đều tự tay anh em TNXP làm cả. Anh Phòng kể, thời gian đầu do trên đảo còn phải xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình nên mỗi chuyến chở nguyên vật liệu có khi đội phải bốc hàng tháng mới xong. Vất vả nhất là bốc cát, đá, xi măng. Có chuyến tàu chở cả nghìn tấn xi măng, anh em bốc ngày, bốc đêm, trầy trượt cả vai để kịp tiến độ.

Cách đây hơn 2 năm, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng Nguyễn Công Diễn đưa ra ý tưởng xây dựng Tour du lịch đảo Bạch Long Vĩ với mục tiêu giới thiệu, quảng bá để nhiều người dân biết đến hòn đảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Tổ quốc ở Vịnh Bắc bộ. Tổng đội TNXP đưa chim trĩ, hươu, khỉ, đà điểu, chim công, ngựa bạch, chồn, sóc… ra đảo thả nuôi tạo nên sự đa dạng sinh học, kích cầu du lịch trên đảo.

Riêng năm 2019, Đội TNXP đã đưa được 1.500 người từ khắp mọi miền Tổ quốc du lịch ra đảo. Liên đội phó Phạm Văn Phòng đóng vai trò là hướng dẫn viên du lịch, dẫn khách đi tham quan tìm hiểu, khám phá Bạch Long Vĩ. Bên cạnh đó, anh cùng Đội TNXP làm các video, clip giới thiệu về đảo Bạch Long Vĩ đăng lên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Thiện Trình và Phạm Văn Phòng là 2 trong số 10 điển hình tiêu biểu TNXP tham gia phát triển kinh tế - xã hội được T.Ư Đoàn tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2020). 

MỚI - NÓNG