Tiếp lửa cho đam mê khoa học

Tiếp lửa cho đam mê khoa học
Những năm qua, nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học có đất dụng võ, các ý tưởng sáng tạo đã thành hình từ chính những sân chơi khoa học trẻ tại TPHCM.

Tiếp lửa cho đam mê khoa học

> Cơ chế đang chặn sáng tạo trong khoa học

Những năm qua, nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học có đất dụng võ, các ý tưởng sáng tạo đã thành hình từ chính những sân chơi khoa học trẻ tại TPHCM.

Những sân chơi ấy đã phần nào thỏa mãn đam mê khám phá, tìm kiếm những ý tưởng mới trong một không gian khoa học của thanh niên TP.

Thí sinh cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi thuyết minh về mô hình, sản phẩm dự thi trước hội đồng giám khảo. Ảnh: Q.Linh
Thí sinh cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi thuyết minh về mô hình, sản phẩm dự thi trước hội đồng giám khảo. Ảnh: Q.Linh.

Nuôi dưỡng đam mê

Thạc sĩ Lê Khắc Anh Kỳ, nghiên cứu viên phòng thí nghiệm cấu trúc vật liệu (ĐH Bách khoa TPHCM), là một trong số hiếm hoi bạn trẻ được giải đặc biệt sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka.

Anh Kỳ chọn con đường nghiên cứu, tìm ra vật liệu mới ngay từ năm 3 đại học. Khi công trình nghiên cứu sau nhiều năm ấy được đăng trên tạp chí quốc tế cũng là lúc Anh Kỳ nhận tin được trao giải đặc biệt Euréka.

“Tôi cho rằng sân chơi Euréka có tác động rất lớn đến quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, tạo động lực cho nhiều sinh viên tự tin hơn với giấc mơ làm khoa học. Với cá nhân, giải thưởng kích thích tôi lao vào nghiên cứu những cái mới khác và truyền cảm hứng cho đàn em” - Anh Kỳ nói.

Vốn là gương mặt quen thuộc với các cuộc thi sáng tạo, Huỳnh Khải Dũng - sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - sáng chế nhiều sản phẩm gắn với sinh hoạt đời thường. Từ chiếc mũ bảo hiểm thông minh đến những thiết bị điện dân dụng gia đình, và hầu như lúc nào trong đầu Dũng cũng có sẵn ý tưởng.

Hay anh Nguyễn Văn Thành - tân cử nhân ĐH Kiến trúc TP.HCM - lại luôn phát triển các ý tưởng của mình gắn liền với rác thải. Sau năm lần tham gia nghiên cứu khoa học Euréka và cuộc thi ý tưởng sáng tạo, anh Thành có trong tay kha khá giải thưởng cho các công trình, ý tưởng nghiên cứu.

“Đó là nơi khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên, giúp chúng tôi hoàn thiện ý tưởng thành mô hình thực tế” - anh Thành nhận định về các sân chơi khoa học ấy.

Điểm đáng ghi nhận là những sân chơi khoa học kể trên đã góp phần phát hiện nhiều gương mặt còn rất trẻ nhưng sớm bộc lộ đam mê làm khoa học. Phải kể đến Nguyễn Vương Thanh Duy (học sinh THCS quận Gò Vấp) từng dự thi về giải pháp chống ngập cục bộ và một số sản phẩm khác hoàn toàn có thể ứng dụng trong đời sống.

Hay cậu học trò tiểu học Nguyễn Minh Châu (Q.12) dù mới dừng lại những ý tưởng khoa học sơ khai nhưng là “người nhà” của cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi mà mỗi năm đều có ít nhất hai, ba sản phẩm dự thi.

Môi trường làm khoa học trẻ

Dù không phải sản phẩm, công trình nghiên cứu nào ra đời từ các sân chơi khoa học này cũng có thể ứng dụng vào thực tiễn, nhưng không thể phủ nhận vai trò cầu nối để các ý tưởng khoa học đến gần hơn với cuộc sống.

Bước ra từ cuộc thi Euréka, sản phẩm định vị xe và chống trộm xe máy đã được hoàn thiện, hiện được bán rộng rãi trên thị trường; hay bộ kit thử hàn the cũng đã được đưa vào sản xuất...

Khá nhiều sản phẩm khác có ứng dụng cao như: xe lăn cho người khuyết tật cả tay và chân, robot thám hiểm địa hình trong lòng cống, xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời... đều có xuất phát từ những sân chơi khoa học trẻ.

Thạc sĩ Đoàn Kim Thành, giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), cho biết các sân chơi này nhằm tạo môi trường kích thích sự sáng tạo, khơi dậy đam mê làm khoa học của đông đảo đối tượng trẻ, phát hiện và nuôi dưỡng những nhân tố đam mê nghiên cứu, sáng tạo...

Thạc sĩ Lê Khắc Anh Kỳ nhìn nhận thường các nghiên cứu khoa học sinh viên không cần nhiều thời gian, kết quả mới là bước đầu và cần được hoàn thiện rất nhiều.

“Nhưng không thể phủ nhận chính các sân chơi này đã tạo môi trường để sinh viên khám phá, mạnh dạn thể hiện ý tưởng nghiên cứu của mình” - Anh Kỳ bày tỏ.

Cũng từ kết quả ban đầu có được qua những sân chơi này mà Huỳnh Khải Dũng đã tự tin hơn trên con đường nghiên cứu, với suy nghĩ sẽ tạo ra những sản phẩm điện tử dân dụng mang thương hiệu Việt, cạnh tranh với các thiết bị Trung Quốc.

Vừa học, vừa miệt mài trong phòng thí nghiệm của trường, hiện Dũng còn phụ trách bộ phận thiết kế sản phẩm, kỹ thuật tại một công ty chuyên về các sản phẩm điện tử dân dụng.

Sau cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”, Nguyễn Văn Thành khoe ý tưởng tái chế rác thải phủ xanh công trình hiện đã nhận được đặt hàng của một công ty và đang trong quá trình triển khai, ứng dụng vào thực tế.

Cuộc vận động tuổi trẻ sáng tạo

Từ “đề bài” lớn này của Thành đoàn, nhiều sân chơi sáng tạo trẻ, phong trào nghiên cứu khoa học của nhiều đối tượng trẻ đã hình thành, phát triển trong nhiệm kỳ 2007-2012.

Số lượng đề tài, số trường có sinh viên đăng ký dự thi Euréka mỗi năm đều tăng, khôi phục cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi sau một vài năm tạm dừng.

Ngoài ra đã xuất hiện những sân chơi khoa học mới: cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo” dành cho mọi lứa tuổi, giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi dành cho những sáng kiến của công nhân, chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” đóng góp chuyên môn vào phục vụ cuộc sống cộng đồng.

Ba năm qua, Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo duy trì đều đặn để giới thiệu kết quả khoa học của tuổi trẻ TP với xã hội.

Theo Quốc Linh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG