Liên tục bị làm phiền
Hiện nay, việc thu thập thông tin cá nhân có nhiều hình thức tinh vi. Đơn cử, những ngày qua, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội chia sẻ link khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh có con học tiếng Anh tích hợp với các yêu cầu cung cấp thông tin, như: Con bạn đang học trường nào? Trường con bạn đang học ở quận nào?... Nhiều phụ huynh vì cả tin đã cung cấp thông tin cá nhân theo chỉ dẫn.
Thông tin của học sinh đang bị lộ lọt khiến nguy cơ gia tăng lừa đảo học đường. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng |
Ông Lê Ngọc Khái, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (TPHCM) cho biết, vào đầu tháng 8, nhà trường nhận được thông tin phản ánh có số điện thoại lạ nhắn tin yêu cầu học sinh kiểm tra trình độ tiếng Anh, Tin học. Bị mạo danh, nhà trường phải lập tức cảnh báo đến các phụ huynh. Phía Sở GD&ĐT TPHCM cũng khẳng định không tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh như thông tin lan truyền trên mạng.
Thông tin cá nhân bị lộ, lọt đang bị rao bán tràn lan trên mạng. Chỉ cần nhập từ khóa “data phụ huynh học sinh” vào các ứng dụng tìm kiếm, người dùng dễ dàng tìm được rất nhiều trang web, nhóm rao bán công khai danh sách phụ huynh, học sinh với giá vài trăm nghìn đồng. Nhiều nhóm còn nhận lọc dữ liệu theo yêu cầu, như độ tuổi, giới tính, lớp, ngành, trường, tên tuổi, địa chỉ…
Tự bảo vệ mình
Theo ông Lê Ngọc Khái, để giảm thiểu rủi ro bị lừa từ những tin nhắn, cuộc gọi lạ, trường THPT Thủ Đức thường xuyên tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về Luật An ninh mạng, văn hoá ứng xử, các phương thức liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh.
“Trường sẽ nhắn tin trực tiếp bằng số điện thoại phụ huynh đăng ký, không gửi những thông tin trích ngang như ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại. Phụ huynh khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi lạ phải liên hệ với giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu để kiểm tra”, ông Khái khuyến cáo và thừa nhận, nhà trường không thể kiểm soát được thông tin từ bên ngoài.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cảnh báo việc lộ, lọt thông tin học sinh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Kẻ xấu có thông tin cá nhân sẽ gọi điện quảng cáo, chào bán khoá học hoặc nghiêm trọng hơn là bán thông tin cho đơn vị thứ 3. Ông khuyến cáo phụ huynh cẩn trọng khi cung cấp thông tin, tham khảo ý kiến chuyên gia, những người có am hiểu về công nghệ và nên tham gia các khoá học về an ninh mạng cơ bản để tránh bị lừa.
Theo ông Thắng, nhà trường là đầu mối quan trọng nhất để bảo vệ thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh. Các trường phải sử dụng phương pháp mã hóa khi lưu trữ thông tin và trong trường hợp buộc phải đăng tải danh sách học sinh lên trang web với mục đích thông báo thì cần chọn lọc những thông tin quan trọng nhất.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trước tình trạng lộ lọt thông tin của học sinh và phụ huynh cùng nhiều hình thức lừa đảo xâm nhập vào trường học thời gian qua, sở này đã yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm các quy định về bảo mật thông tin như không công bố dữ liệu cá nhân của người học, người lao động tại đơn vị dưới dạng danh sách file (word, excel, ảnh chụp, PDF…) khi chưa có sự đồng ý của cá nhân đó trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử…Các đơn vị phải rà soát, gỡ bỏ các file thông tin dữ liệu cá nhân đã công bố trước đó.
Đầu tháng 3/2023, tại TPHCM xuất hiện tình trạng mạo danh nhân viên bệnh viện, giáo viên và những người liên quan gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn đang cấp cứu và yêu cầu phụ huynh chuyển khoản gấp để đóng viện phí rồi chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới cả trăm triệu đồng. Nạn lừa đảo này sau đó lan rộng đến nhiều tỉnh thành khác khiến Bộ Công an phải vào cuộc.