Tiếp cận thị trường ngoại, nông sản lên sàn

0:00 / 0:00
0:00
Trong tuần khuyến mại đầu tiên ở Singapore, vải thiều được bán với giá 105.000 đồng/kg
Trong tuần khuyến mại đầu tiên ở Singapore, vải thiều được bán với giá 105.000 đồng/kg
TP - Việc gạo, nước mắm, thủy sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và tăng được lượng xuất khẩu sang các nước Ðông Nam Á, châu Âu cho thấy, việc đầu tư để khai phá các thị trường ngách đã tạo diện mạo mới cho hàng Việt, giúp cạnh tranh với nước ngoài tốt hơn.

Cơ hội lớn từ các FTA, sàn thương mại

Vừa qua, Công ty Cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đầu tiên đi Cộng hoà Séc, quốc gia nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU. Lô hàng này được xuất theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Dự kiến, trong tuần tới, lô vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang cũng lên đường chinh phục cộng đồng 27 quốc gia thuộc EU với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe. Sau quả vải, mít, thanh long, gạo cũng sẽ được xúc tiến xuất khẩu sang EU.

Cùng với vải, xoài, mít, nước mắm, gạo Việt cũng đang thành công trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do FTA và xuất thông qua thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, sau hơn 2 năm trái xoài của Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này ngày càng tăng. Xoài Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ được tiêu thụ quanh năm. Một số giống xoài như: tượng da xanh, cát Hòa Lộc đang tiêu thụ tốt tại thị trường này. Việt Nam hiện là thị trường cung cấp xoài các loại lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ.

Tiếp cận thị trường ngoại, nông sản lên sàn ảnh 1

Trong tuần khuyến mại đầu tiên ở Singapore, vải thiều được bán với giá 105.000 đồng/kg

Theo ông Tùng, việc xuất khẩu xoài chủ yếu được thực hiện bằng đường hàng không. Hiện tại, nhu cầu thị trường Hoa Kỳ rất lớn, với lợi thế riêng và cách tiếp cận tốt về thương mại đi cùng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, tương lai xuất khẩu xoài rất rộng mở.

Tuy nhiên, để có thành quả tốt, doanh nghiệp phải có cách làm để chiếm lĩnh thị trường. Việc cạnh tranh chụp giật, ăn xổi, tự buộc chân nhau, sẽ khiến trái cây Việt Nam mất uy tín tại thị trường xuất khẩu. Việt Nam kỳ vọng có thể xuất khẩu khoảng 3.000 tấn xoài tươi sang Hoa Kỳ - thị trường vốn đang nhập tới 400.000 tấn xoài/năm.

Với gạo, theo Bộ Công Thương, dù khối lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bù lại giá xuất khẩu gạo lại tăng tới 11,9% (đạt bình quân 543 USD/tấn). Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị cao hơn.

Cùng với đó, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ thông qua các thị trường ngách và dịch chuyển xuất khẩu qua cả các nền tảng thương mại điện tử.

Nói về việc rau quả xuất khẩu sang EU với số lượng lớn thời gian gần đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của các mặt hàng rau, quả Việt Nam. Hàng Việt được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của EVFTA đã giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có các FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Để vào được thị trường EU, các lô vải thiều của Việt Nam xuất khẩu đều phải đạt chuẩn Global GAP, Vietgap và một loạt yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm của EU. Để xuất được hàng sang thị trường khó tính này, doanh nghiệp phải mất tới gần 3 năm tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải.

Nông sản xuất khẩu qua sàn thương mại

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, trong vụ vải 2021, công ty thu mua gần 2.000 tấn vải thiều Thanh Hà. Trong đó có khoảng 500 tấn xuất sang Nhật Bản; 500 tấn tiêu thụ ở các nước Singapore, Úc, Lào...; 500 tấn sẽ tiêu thụ tại Trung Quốc; 200 tấn tiêu thụ trong thị trường nội địa…

Theo bà Hồng, năm nay, doanh nghiệp kết hợp tiêu thụ thêm vải thiều qua hình thức bán hàng online, khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, đòi hỏi một bên phải am hiểu về lĩnh vực này như cách bán hàng, tiếp thị sản phẩm… đồng thời đòi hỏi đầu tư về công nghệ và quy trình bảo quản; việc vận chuyển phải nhanh chóng.

Bắc Giang, Hải Dương xuất khẩu hơn 38.000 tấn vải

Ðến hết ngày 8/6,Hải Dương và Bắc Giang đã xuất được hơn 43.000 tấn vải thiều. Cụ thể, lượng vải xuất khẩu của Bắc Giang đạt 19.021 tấn. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn; Nhật Bản đạt 45 tấn; Hoa Kỳ 5 tấn.

Vải thiều của Hải Dương đã được xuất khẩu tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia…

Thục Quyên

Ngoài ra, theo bà Hồng, để xây dựng được uy tín trên kênh thương mại điện tử, DN phải kết hợp xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, đóng gói bao bì đẹp. Quan trọng nhất là chất lượng vải phải đồng đều theo đúng cam kết, tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bà Hồng cho rằng, trong tương lai thương mại điện tử sẽ là một kênh bán nông sản chủ lực. “Chúng tôi đang tính, bên cạnh hình thức xuất khẩu truyền thống, đơn vị sẽ phát triển kênh thương mại điện tử tiếp cận với các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…”, bà Hồng cho hay.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho hay, việc chuyển đổi số, đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong giai đoạn 2020 - 2021, ảnh hưởng của COVID-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.