Tiếp bài 4.000 tỷ đồng chi cho dịch vụ công ích: Thiếu giám sát

Việc kiểm soát hiệu quả đầu tư cho thoát nước vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Như Ý
Việc kiểm soát hiệu quả đầu tư cho thoát nước vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Như Ý
TP - Hằng năm có tới 4.000 tỷ đồng ngân sách được Hà Nội chi cho dịch vụ công ích. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát đang gặp nhiều khó khăn: thiếu nhân sự, thiếu quy định pháp lý…

Kết quả giám sát mới đây của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, mặc dù mỗi năm thành phố đầu tư tới 4.000 tỷ đồng cho các dịch vụ công ích như vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nước thải, thoát nước, nhưng các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng dịch vụ vẫn còn bị buông lỏng tại nhiều nơi.

 

Đoàn giám sát của HĐND thành phố phát hiện, việc đặt hàng, ký hợp đồng, kiểm soát, nghiệm thu, thanh toán theo quy trình định mức đơn giá của thành phố thực chất mới chỉ kiểm soát được khối lượng, chất lượng sản phẩm trung gian, chưa quan tâm đến khối lượng, chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Ví dụ, quét, rửa đường thì chỉ kiểm soát được số lượt quét, rửa theo nhân công ca máy mà chưa quan tâm đến việc quét, rửa có đảm bảo sạch không; nạo vét bùn cống thoát nước mới kiểm soát được khối lượng bùn rác được nạo vét, mà chưa quan tâm đến hiệu quả nạo vét cống.

Theo cơ chế hiện nay, vẫn chưa gắn được trách nhiệm doanh nghiệp cung ứng với chất lượng sản phẩm cuối cùng. Điển hình như việc thu gom rác theo quy trình, song người dân lại xả rác ra đường; vừa nạo vét cống xong lại bị bùn đất trôi xuống gây tắc cống… 

Theo kết luận của HĐND thành phố, việc giám sát, nghiệm thu của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện quy trình, định mức của thành phố vừa thiếu khả thi, vừa thiếu chặt chẽ, do khối lượng công việc quá lớn, rất dễ phát sinh tiêu cực. Ví dụ, Sở Xây dựng phân công 1 cán bộ thực hiện giám sát, nghiệm thu công việc của 600 công nhân quét, rửa đường và thu gom rác trên địa bàn 1 quận. 

“Khối lượng công việc phải giám sát kiểm tra rất lớn, nhưng số lượng cán bộ rất thiếu, thường xuyên di chuyển trên phạm vi rộng nên gặp nhiều khó khăn”, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nói. 

Giám sát hiệu quả cuối cùng

Để dịch vụ đạt chất lượng cao, theo ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, giám sát là khâu hết sức quan trọng. Bên cạnh lực lượng chức năng, quận Long Biên đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, mặt trận như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… tại từng tổ dân phố, cụm dân cư đối với việc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp, để thông tin ngay cho cơ quan quản lý. 

“Quận đang xây dựng quy chế dân chủ trong quản lý đô thị. Phải công khai các nội dung về dịch vụ công ích để người dân biết và tham gia giám sát”, ông Quân nói.

Trong buổi làm việc mới đây với Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ rõ những hạn chế trong cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ công ích. Hằng năm, thành phố phải đầu tư số tiền rất lớn để duy trì hệ thống thoát nước, nếu cứ lặp lại điệp khúc mưa là ngập thì không thể chấp nhận được. 

Theo nhiều chuyên gia về cung cấp dịch vụ công ích, yêu cầu quan trọng nhất là phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng. 

“Tại sao bao nhiêu năm chúng ta cứ kiểm soát quy trình thủ tục mà lại thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng? Thay vì yêu cầu doanh nghiệp với đoạn cống này phải nạo vét một tháng mấy lần, chúng ta phải yêu cầu đảm bảo thông suốt của hệ thống cống, không gây ngập tuyến đường. Không gây ngập đường mới là sản phẩm cuối cùng mà người dân cần còn vét bùn mấy lần là công việc mà doanh nghiệp phải làm để đạt hiệu quả cuối cùng mà thôi”, giám đốc một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích nói. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.