Tiếng hát nào cất lên từ nhà hát?

TP - Các công trình văn hóa luôn là bộ mặt của một quốc gia và vì thế luôn hết sức cần thiết. Về lý thuyết, quốc gia có càng nhiều công trình văn hóa nói chung và nhà hát nói riêng, càng thể hiện sự giàu có về văn hóa tinh thần của người dân ở quốc gia ấy.

Có thể, vì lý thuyết ấy nên rất nhiều nhà hát đã và đang tiếp tục được mọc lên. Từ các địa phương đến bộ ngành, thậm chí đơn vị cũng xây dựng nhà hát.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà hát xây xong đã không đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng, quy mô hoặc vị trí không phù hợp nên gần như không phát huy tác dụng bởi rất ít hoạt động. Có nơi nhà hát phải đóng cửa để cho cỏ mọc nên nhanh chóng xuống cấp.

TPHCM có khá nhiều nhà hát, kể cả của địa phương lẫn bộ ngành, nhưng phần lớn đều nằm trong tình trạng tương tự, không nhà hát nào đạt được yêu cầu biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao. Để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, thậm chí tạo thu nhập, nhiều nhà hát được cho thuê sử dụng vào những việc vốn xa lạ với chức năng của nó, như sinh hoạt cộng đồng, hội họp, đám tiệc tưng bừng...

Trong khi đó, có những nhà hát được xây dựng với quy mô hoành tráng và chi phí đắt đỏ nhưng chủ yếu mang tính phô trương hơn là sự cần thiết, phù hợp của loại hình biểu diễn. Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh là một ví dụ.

Tạm gác chuyện chi phí đầu tư, diện tích mặt bằng khủng và sự phô trương nội thất, chỉ nhìn vào tên nhà hát đã thấy có gì đó chưa ổn.

Đúng như tên gọi, quan họ Bắc Ninh là thể loại dân ca, được diễn xướng ở không gian mở quen thuộc với đời sống người dân lao động như đình làng, bến nước... và chủ yếu trong các dịp lễ hội truyền thống.

Đó là nơi các liền anh liền chị giao duyên, nơi mọi người dân cùng giao lưu quan họ. Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại một phần cũng vì lý do đó, tựa như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nếu bị tách khỏi không gian của mình, chúng sẽ lập tức mất đi phần “hồn”, chỉ còn lại phần “xác”. Vì vậy, việc đầu tư một nhà hát bề thế để biểu diễn dân ca quan họ là điều có gì đó trái khoáy, sai sai.

Mới đây ý tưởng xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, kể cả giới chuyên môn và người dân. Thoạt đầu là những lo ngại về vị trí, dự kiến đặt cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội, không phù hợp, vì sẽ nhồi thêm áp lực vào khu trung tâm vốn đã quá tải, phá vỡ không gian đô thị khu vực.

Đầu tư nhà hát hay công trình không đúng với nhu cầu, chức năng, không phát huy tác dụng... đều gây lãng phí lớn về nguồn lực tài chính lẫn đất đai và cả cơ hội.

Tiếng hát nào sẽ cất lên từ các nhà hát đó, của người nghệ sĩ chân chính hay “tiếng hát” của các nhóm lợi ích cùng với tiếng lốp cốp cụng bia trong những bữa tiệc linh đình?