Tiếng gọi từ quê hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù đang ở bất cứ nơi đâu, nhưng khi hay tin “Sài Gòn ốm rồi!”, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài liền chung tay góp sức hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự yêu thương, đoàn kết từ những con người chung dòng máu Lạc Hồng tỏa sáng hơn lúc nào hết.
Tiếng gọi từ quê hương ảnh 1

“Chương trình chia sẻ yêu thương trong đại dịch COVID-19” của ông Đinh Vĩnh Cường giúp người dân ấm lòng mùa dịch

Gửi “yêu thương”

Hơn 2 tháng qua, trong bộ đồ bảo hộ, ông Nguyễn Ngọc Luận - Richard Nguyen (kiều bào Úc) - Nhà sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More vẫn miệt mài đem từng bao gạo, bó rau, chai nước mắm… đến những “điểm nóng” trong bão dịch, trao gửi từng gói quà tới tận tay những người nghèo, những người khuyết tật, khu cách ly và cả những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.

“Tôi và đội ngũ Meet More bắt đầu công việc này từ tháng 5/2021, khi quận Gò Vấp bắt đầu bùng dịch. Do công ty đang sản xuất nhu yếu phẩm như cà phê lon, tôi đã đem sản phẩm đó đến tặng các chiến sĩ trực chốt để tăng cường sức khỏe. Đi nhiều nơi, tôi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, nên quyết định hỗ trợ người dân ở các vùng xa “bữa cơm có cá, bó rau yêu thương”. Nhiều bạn bè trong và ngoài nước khi biết việc làm của tôi, họ đã cùng chung tay góp sức, gửi thêm nhu yếu phẩm” - ông Luận tâm sự.

Tiếng gọi từ quê hương ảnh 2

TS.BS Võ Toàn Trung thường xuyên tư vấn các giải pháp hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19

Đến nay, ông Luận đã trao đến tay hàng ngàn bà con cả trăm tấn rau củ quả các loại, cá, gạo và các nhu yếu phẩm khác như bột nêm, dầu ăn, mì gói. Chưa hết, qua lời kêu gọi, ông nhận được hơn 1.000 chai sữa tắm từ một người bạn, 1.500 USD từ người bạn ở Úc, một bạn khác ở Mỹ cũng gửi tặng hơn 20 triệu đồng...

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Luận và Tập đoàn Ovan đưa hàng trăm sản phẩm gồm cà phê lon, dầu gội, sữa tắm… tặng hội viên phụ nữ thành phố, các y bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Theo ông, rất nhiều kiều bào đang chung tay hỗ trợ bà con. Đây là tinh thần dân tộc, khi thấy đồng bào gặp khó khăn liền chung tay giúp đỡ. “Chúng tôi không nói nhiều về tình hình thực tại, chúng tôi chỉ quan tâm đến đời sống và tinh thần của mọi người. Trong thời gian tới, tôi và những người bạn của mình sẽ tiếp tục công việc, chỉ mong người dân bớt phần nào khó khăn, cảm thấy mình không bị bỏ lại. Và tôi tin, Sài Gòn cách ly nhưng không cách lòng, chúng ta cùng nhau vượt qua mùa dịch” - ông Luận chia sẻ.

Tiếng gọi từ quê hương ảnh 3

TS.BS Võ Toàn Trung thường xuyên tư vấn các giải pháp hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19

Về TPHCM công tác đúng lúc nơi đây trở thành tâm dịch, bà Ngô Phẩm Trân (kiều bào Đài Loan, Trung Quốc) quyết định phải làm gì đó giúp đồng bào đang gặp khó khăn.

Và, với những tấn gạo được bà Ngô Phẩm Trân thông qua Hội LHPN TP gửi đến người dân từ các tỉnh lên TPHCM mưu sinh gặp khó; góp sức tổ chức chương trình “Chia sẻ yêu thương trong đại dịch”; Các thành viên Hội nữ doanh nhân Việt Nam tại Đài Loan đã gửi những phần quà đến bà con nơi phong tỏa, những y bác sỹ tuyến đầu nơi chống dịch; tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, ủng hộ Quỹ mua vắc-xin…

Tiếng gọi từ quê hương ảnh 4

Bà Ngô Phẩm Trân (thứ 2 từ trái qua) hỗ trợ người dân trong mùa dịch

“Là một người con đất Việt, dù đi đến đâu và thành đạt thế nào Việt Nam vẫn là quê hương. Hiệp hội phát triển kinh tế văn hoá giáo dục của chúng tôi cũng có rất nhiều chuyên gia y khoa ở các bệnh viện hàng đầu của Đài Loan, tôi đã nhờ các chuyên gia hỗ trợ giải pháp và chia sẻ sự thành công trong công tác chống dịch mà họ đã trải qua. Khi nào chính quyền TPHCM cần, chúng tôi sẽ có mặt. Mặc dù còn đang lo lắng và theo dõi hằng ngày con số các ca bị nhiễm, nhưng với sự đồng lòng và đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân, tôi tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng” - bà Ngô Phẩm Trân kỳ vọng.

Ngay khi biết tin Chính phủ kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19, tôi đã ủng hộ ngay. Số tiền tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của chúng tôi với quê hương. Chúng tôi mong quê hương, Tổ quốc sớm vượt qua đại dịch, để bình yên trở lại”.

Chị Thoa Hoàng - Việt kiều tại Úc

Phiên chợ tình người

Được mua sắm miễn phí từ gạo, rau, mì, trứng… tại “Phiên chợ 0 đồng” tổ chức ở quận Tân Bình (TPHCM), chị Vân Thủy (bán vé số) nghẹn ngào: “Từ khi vé số ngừng bán, tôi cũng không có thu nhập để chi trả tiền đi chợ, tiền nhà, chi phí sinh hoạt… Hôm nay được tặng nhiều thực phẩm giúp tôi yên tâm hơn trong những ngày sắp tới”.

“Siêu thị 0 đồng” và “Bữa cơm 0 đồng” do ông Đinh Vĩnh Cường (kiều bào Nhật Bản) khởi xướng. Hai gian hàng mở ra nhằm giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Ông Đinh Vĩnh Cường chia sẻ: “Mặc dù thời gian qua chúng tôi cũng rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch nhưng so với người lao động thì chưa bằng và chúng tôi nhận thấy trách nhiệm phải chia sẻ với cộng đồng. Bởi ngoài kia còn nhiều lao động mất việc làm, không có thu nhập, họ khó khăn vạn lần. Và chúng tôi tâm niệm, cho đi là còn mãi”.

Tiếng gọi từ quê hương ảnh 5

“Chương trình chia sẻ yêu thương trong đại dịch COVID-19” của ông Đinh Vĩnh Cường giúp người dân ấm lòng mùa dịch

Quỹ Quý Nhân do anh Danny Vo (kiều bào Singapore) và những người bạn với chương trình “Dù đói hay no, cũng lo một gói” đã trao cả ngàn phần quà gồm gạo, trứng, rau xanh, ngũ cốc… và hơn 50 triệu đồng tiền (dùng để mua thêm thực phẩm) cho người dân khó khăn tại các địa điểm: phường Tân Định (Q.1), phường Phú Hữu (Q.9), phường 6 (Q.Gò Vấp) và quận 4.

Theo anh Danny, đây là một con số vượt ngoài kỳ vọng của cả nhóm, vì ban đầu mọi người đều nghĩ rằng “sức người có hạn”, cố gắng mỗi ngày gửi tặng người dân khoảng 200 phần quà. Tuy nhiên, sau khi phát động, anh Danny lại nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình hơn mong đợi từ các “quý nhân”. Bên cạnh đó, anh và nhóm bạn luôn nâng niu, chăm chút từng món quà gửi đi, bởi đơn giản: đó là tấm lòng của tất cả mọi người.

Tiếng gọi từ quê hương ảnh 6
Tiếng gọi từ quê hương ảnh 7
Tiếng gọi từ quê hương ảnh 8

Ông Richard Nguyen tặng quà cho người dân gặp khó khăn ở vùng phong tỏa

Quỹ thiện nguyện Steve Bùi và Những người bạn (do ông Steve Bùi, kiều bào Nhật sáng lập) đã trao tặng 30.000 khẩu trang y tế N95 cho các đơn vị trên địa bàn TPHCM nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh. “Đây không chỉ là những hiện vật mà còn là tấm lòng của những cá nhân là kiều bào, doanh nhân trí thức, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được tập hợp thông qua Quỹ thiện nguyện Steve Bùi và Những người bạn gửi đến TPHCM, với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh, cuộc sống được bình yên” - ông Steve Bùi cho biết.

Hiến kế từ “trái tim”

30 năm sống xa quê, nhưng TS.BS Võ Toàn Trung (kiều bào Pháp) - Trưởng khoa Phục hồi chức năng vận động thần kinh của Bệnh viện Bullion (Pháp) vẫn luôn quan tâm, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Với những kinh nghiệm của mình, TS.BS Võ Toàn Trung đã đưa ra nhiều tư vấn các giải pháp với Chính phủ để phòng dịch hiệu quả. Tại hội thảo “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TPHCM chống dịch” mới đây, ông đề xuất quản lý người đã xét nghiệm COVID-19 âm tính bằng mã QR. Việc ứng dụng mã QR để quản lý người đã tiêm vắc-xin sẽ tiện dụng về lâu dài cho việc quản lý cũng như hội nhập quốc tế. Rất nhiều nước châu Âu và đặc biệt là Pháp đã sử dụng QR code như là một giấy thông hành giúp cho người có chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc-xin có thể quay lại các hoạt động cộng đồng mà không gặp trở ngại gì.

TS Trung cũng cho rằng TPHCM nên thành lập trung tâm điều hành chung cho bệnh viện và trung tâm điều trị COVID-19… Ngoài ra, ông khuyến nghị thành phố nên xây dựng một bộ giao thức (protocol) chung, huấn luyện, và phổ biến cho đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân thể vừa và nhẹ, để họ có thể chủ động hơn.

“Khi Việt Nam chưa đạt miễn dịch cộng đồng thì chúng ta cần tìm F0 trên diện rộng, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao để loại bỏ F0. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam không chỉ bằng việc tư vấn, mà còn hỗ trợ kết nối, những vấn đề mới trong việc điều trị COVID-19; vận động hoặc chuyển giao công nghệ vắc-xin, công nghệ test thử là những điều Việt Nam đang rất cần” - TS Trung chia sẻ.

Trong cuộc chiến chống COVID-19 này, nhiều kiều bào còn giúp đất nước bằng trí tuệ và chất xám với các phát minh và sáng kiến quan trọng cho công tác phòng chống dịch.

Như TS Hồ Nhân (kiều bào Mỹ) - Tổng Giám đốc Công ty Nanogen đang phối hợp với Bộ Y tế, Học viện Quân y Bộ Quốc phòng triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba dự án vaccine Covid-19 là NANO COVAX do Công ty Nanogen nghiên cứu và sản xuất. Hay nhà phát minh Trần Ngọc Phúc (kiều bào Nhật Bản) - Chủ tịch Tập đoàn Metran đã chuyển giao công nghệ sản xuất 2.000 máy thở cho quê hương và đang chế tạo khẩu trang với màng lọc diệt virus, kết nối với thiết bị lọc khí, thuận tiện cho quá trình trao đổi khí trong phổi.

Mới đây, TS Peter Nguyễn (kiều bào Mỹ) đã công bố sáng kiến về một dạng cảm biến sinh học giúp xét nghiệm COVID-19 có thể lắp vào khẩu trang và GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ (kiều bào Nga) chế tạo thành công hệ thống khử khuẩn công nghệ plasma. Hiện ông đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế giới thiệu và xem xét khả năng ứng dụng hệ thống này trên diện rộng.

Nối dài sự sẻ chia

Gần 2 năm qua, bà con người Việt tại nhiều nơi trên thế giới phải đối diện với muôn vàn khó khăn do dịch bệnh. Từ gia đình, hộ kinh doanh hay các công ty của người Việt cũng phải giảm sút. Thế nhưng, bất cứ khi nào đất nước cần sự đồng lòng, góp sức, bà con lại san sẻ tấm lòng với quê hương đất nước.

Chị Thoa Hoàng, người Việt Nam tại Úc bộc bạch: “Ở Úc, chúng tôi phải đối diện với dịch bệnh trong suốt thời gian dài. Ngay chính tôi và gia đình cũng đã từng mắc COVID-19 nên rất hiểu những khó khăn và thách thức của quê hương Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ người Việt làm được gì cho đất nước thì sẽ làm cho đất nước. Ngay khi biết tin Chính phủ kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19, tôi đã ủng hộ ngay. Số tiền tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của chúng tôi với quê hương. Chúng tôi mong quê hương, Tổ quốc sớm vượt qua đại dịch, để bình yên trở lại”.

Mới đây, tại Battersea, thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh đã diễn ra Lễ phát động chiến dịch “Chung tay cùng Việt Nam vượt qua COVID-19”. Chiến dịch nhằm kêu gọi cộng đồng người Việt Nam trên khắp nước Anh cùng chung tay hướng về Tổ quốc với những hành động thiết thực như hỗ trợ bằng vật chất và tinh thần nhằm góp phần cùng quê hương đẩy lùi dịch bệnh, chia sẻ với những khó khăn của đất nước và người dân Việt Nam trong đại dịch. Đặc biệt nhiều thiếu niên gốc Việt tại Anh cùng gia đình đã đem tới chương trình những số tiền tiết kiệm của chính mình. Anna Hoàng, cô bé 13 tuổi hiện đang theo học trung học tại London đã tự nguyện dạy học online và đi làm thêm trong thời gian nghỉ hè. Số tiền lương thu về dành gửi hết cho chiến dịch với một tình yêu Việt Nam - nơi nguồn cội của mình.

“Sau Thư kêu gọi kiều bào chung tay cùng TPHCM chống dịch COVID-19, rất nhiều tổ chức, cá nhân, bà con kiều bào ở nước ngoài đã hướng về quê hương. Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp quý báu của kiều bào và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những đóng góp về vật chất rất kịp thời, chúng tôi đã chuyển đúng nơi, đúng thời gian và sử dụng đúng mục đích. Dù ít, dù nhiều đều chất chứa trong đó lòng yêu nước, muốn chia sẻ những khó khăn, tổn thất do dịch bệnh gây ra” -

Ông Phùng Công Dũng

Hội người Việt Nam tại thành phố Voronezh của Nga quyên góp và trao 50 triệu đồng cho UB MTTQ Việt Nam TPHCM, ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố và trao hơn 27 triệu đồng ủng hộ bếp ăn tình thương của Hội Phụ nữ phường Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân).

Vừa qua, Luật sư Võ Đức Duy (kiều bào Mỹ) - đại diện cho Tổ hợp Luật sư Sama Legal đã có thư mong muốn gửi tặng 50.000 lọ vắc-xin Moderna cho TPHCM. Thư do Luật sư Võ Đức Duy hiện đang hành nghề và sinh sống ở Mỹ cho biết: “Sau nhiều lần bàn thảo với các hãng dược của Mỹ, Tổ hợp Luật sư chúng tôi được nhận một lô vắc-xin Moderna với số lượng 50.000 lọ để biếu tặng trực tiếp cho người dân ở TPHCM, góp phần nhỏ bé trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19”.

Tại Mỹ, những người Việt sống tại Thung lũng Silicon cũng phát động quyên góp với mục tiêu 200.000 USD để có thể mua 25.000 phần quà cho bà con nghèo tại TPHCM. Trong khi đó, TS Vũ Duy Thức đang cùng những người bạn thực hiện dự án Stay Strong Sài Gòn để hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các bệnh viện dã chiến.

Ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt ở nước ngoài TPHCM cho rằng, dịch bệnh gần 2 năm qua đã khiến cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bà con vẫn vừa lao động, sáng tạo, chống dịch tại nước sở tại vừa hướng về quê hương đất nước bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa để cùng chính quyền và Nhân dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đẩy lùi dịch bệnh.

Theo ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại Việt Nam, bà con kiều bào ở nhiều nơi đã tích cực quyên góp tiền và nhiều hàng hóa, vật phẩm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở một số địa phương trong nước. Đây là sự ủng hộ thiết thực, quý báu và kịp thời, thể hiện nghĩa cử cao đẹp và tinh thần “tương thân tương ái” của đồng bào ở nước ngoài đối với quê hương đất nước.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.