Tiếng gọi cù lao miền sông nước: Lối thoát cho Cù Lao Dung

Những bó mía trĩu nặng nhưng giá bán chẳng được là bao. Ảnh: X.L.
Những bó mía trĩu nặng nhưng giá bán chẳng được là bao. Ảnh: X.L.
TP - Cù Lao Dung là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng nằm ở giữa hai sông lớn Ðịnh An và Trần Ðề, kinh tế chủ yếu là từ cây mía. Tuy nhiên, những năm gần đây, nông dân luôn gặp điệp khúc được mùa mất giá khiến đời sống ngày càng bấp bênh.

Mía đắng

 Bà Trang Thị Bạch (ở ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2) vừa thu hoạch xong gần 1 ha mía nhưng không đủ tiền trả nợ. “Bán một công (1.000 m2) có 6 triệu đồng, còn đầu tư chi phí hơn năm trời (13 tháng) nhiều hơn cả tiền bán được, trong khi năm rồi bán với giá gấp đôi. Giờ không biết lấy tiền đâu trả nợ cho đại lý phân bón, kể cả lãi nữa”, bà Bạch buồn bã nói. Dứt lời, bà chỉ tay ra phía ruộng: “Bây giờ hết mặn mà với cây mía, muốn chuyển đổi sang nuôi tôm nhưng tiền đâu mà thuê máy đào ao, chưa kể vốn đầu tư”.   

Ông Trần Văn Sông (cùng xã) có 0,4 ha mía, cùng vợ tranh thủ lúc rảnh rỗi đi chặt mía thuê cho thương lái. Ông Sông cho biết, trồng một năm mới bán một lần nhưng chi phí đầu tư ngày càng tăng, chưa kể phải trả thêm lãi suất mua phân bón trong khi năng suất thấp, bán không ai mua. “Trồng không có ăn nên năm nay bỏ đất để cỏ cho bò ăn. Dân ở đây sống bám vào cây mía mấy chục năm, gắn bó riết rồi quen nhưng giá rẻ như thế này thì chịu không nổi”, ông Sông than thở. 

Tương tự, ông Lâm Hoàng Nhi (56 tuổi) có 0,5 ha mía, gắn bó với cây mía trên 40 năm nhưng giờ không còn mặn mà. Ông Nhi nói: “Ðất nhà còn đỡ, chứ thuê sẽ lỗ nặng vì giá mía hiện nay có 400 - 500 đồng/kg mà không có người mua. Chưa kể, ở những nơi đường xa, ngoằn ngoèo, không có người mua nên nhiều người dân còn gặp vô vàn khó khăn”.

 Anh Hưng, một thương lái mua mía có thâm niên trong nghề 20 năm ở xứ này cũng lắc đầu nói: “Chưa năm nào giá rẻ như năm nay. Từ trước tết đến giờ hầu như tôi mua chỗ nào người dân cũng than lỗ, còn bản thân tôi thì cũng chẳng sung sướng gì vì nếu giá cao thì bán sẽ mau hơn”.

Theo anh Hưng, năm nay giá mía thấp, nhà máy còn tồn đọng đường nhiều. “Ghe này nằm chờ ở nhà máy hết 10 ngày mới lên hàng được. Tính ra mỗi tháng chỉ chở được 3 chuyến là cùng, khi đó cũng gần hết mùa rồi”, anh Hưng nói thêm.

Kỳ vọng tiềm năng điện gió

Theo ông Lê Minh Ðương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, Cù Lao Dung là quê hương của cây mía, được gọi là cù lao mía bởi đi đâu cũng thấy mía. “Mía là cây kinh tế chủ lực đã nuôi sống và làm giàu cho hàng chục ngàn hộ nông dân bao đời nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây mía khá thất thường nên nhiều hộ đã chuyển hướng phát triển thủy sản, trồng cây ăn trái có giá trị cao”, ông Ðương cho biết.

Ông Lê Minh Ðương cho biết thêm, hiện dự án Nhà máy điện gió số 10 ở xã An Thạnh Nam và dự án Nhà máy điện gió số 11 ở xã An Thạnh Nam và xã An Thạnh 3 nằm trong số danh mục các dự án ưu tiên thu hút kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017 - 2020, đã được lãnh đạo UBND tỉnh quyết định phê duyệt. Theo đó, dự án Nhà máy điện gió số 10 có mục tiêu phát triển năng lượng điện gió, với quy mô đầu tư 3.800ha. Dự án Nhà máy điện gió số 11 với quy mô đầu tư 2.600ha. “Nếu các dự án nhà máy điện gió nêu trên được đầu tư, cùng với sự quyết tâm và sự hỗ trợ sát sao của tỉnh, chắc chắn Cù Lao Dung sẽ gặt hái được những thành công trên con đường đổi mới. Ðồng thời, mạnh mẽ vươn lên trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng”, ông Ðương quả quyết.

Tiếng gọi cù lao miền sông nước: Lối thoát cho Cù Lao Dung ảnh 1

Bà Trang Thị Bạch. Ảnh: Hoa Hội.

Cũng theo ông Lê Minh Ðương, Cù Lao Dung là chiếc nôi của cách mạng. Ðây không chỉ là một trong những địa phương thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên của tỉnh, mà còn là vùng đất sản sinh ra những người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Vì thế, tên tuổi của những người con anh dũng kiên cường nay đã thành tên đất, tên làng như: Ðặng Trung Tiến, Nguyễn Công Minh, Phạm Thành Hơn, Bình Du, Phước Hòa… Thêm vào đó, Cù Lao Dung còn có những điểm du lịch truyền thống, về nguồn, những di tích lịch sử văn hóa như Ðền thờ Bác Hồ, Bia tưởng niệm chiến thắng Rạch Già ở thị trấn Cù Lao Dung.        

(còn nữa)

Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Võ Thanh Quang giới thiệu, huyện có diện tích tự nhiên 26.441ha, trong đó đất sản xuất là 14.447ha, đã được Chính phủ công nhận là xã đảo, bốn bề được bao bọc bởi sông nước nên có thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, du lịch, năng lượng tái tạo.
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.