Ngày xuân, đọc Thơ Tứ Tuyệt Phan Cung Việt

Tiếng chim chiều được nửa lòng ta thôi

Tiếng chim chiều được nửa lòng ta thôi
TPO - Tôi nhớ lại những ngày đèn sách ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp đầy ắp kỷ niệm bạn bè và văn chương ấy, người bạn làm thơ quê hương Nguyễn Du của chúng tôi đã có những bài nổi tiếng với bút pháp quen thuộc.

Từ đó bạn tôi tiếp tục hành trình văn học của mình và có những thành công ở các thể loại. Gần đây, chúng tôi bất ngờ được đọc nhiều bài thơ tứ tuyệt đặc sắc của anh.

Thật mừng vì bạn tôi đã làm đúng như người xưa, là càng về sau thì càng tìm đến sự tinh lọc, bao nhiêu chiêm nghiệm, tình ý, lẽ đời chỉ gói lại trong câu tứ tuyệt ngắn ngủi.

Tức là tuổi càng cao thì viết càng ngắn lại. Nhớ lại những ngày đầu, rõ ràng việc làm thơ tứ tuyệt với anh là một sự hệ trọng. Những ngày đầu ấy bạn tôi tìm đọc thơ Đường, thơ chữ Hán của Nguyễn Du và các bậc nhà thơ khác, loại thơ ngắn Hai Ku của Nhật… Đọc nhiều, học nhiều, nhưng anh chưa dám làm thơ tứ tuyệt.

Thật mừng khi mấy năm gần đây nhà thơ Phan Cung Việt cho xuất hiện trên sách báo nhiều câu thơ tứ tuyệt say lòng. Qua mỗi bài của anh, tôi ngẫm ra đó là của một quãng đời dài với bao nhiêu chiêm nghiệm cuộc sống.

Kết thúc một thời trai trẻ, anh có bài thơ tứ tuyệt Màu tím được nhiều người truyền tụng. Tứ thơ thật giản dị, thật thâm thúy. Kể về hai loài hoa cùng nở vào mùa hạ, đó là màu đỏ của hoa phượng và màu tím của bằng lăng. Giữa hai màu hoa ấy giấu điều gì lạ lùng của tình yêu, của sự sống?

Tôi biết, hoa phượng vĩ

Nở cùng hoa bằng lăng

Nhưng bằng lăng rụng trước

Màu tím thường khó khăn

                         (Màu tím)

Thật là sự tinh tế của thơ tứ tuyệt.

Rõ ràng câu thơ tứ tuyệt này có sức lay động rộng rãi. Người già và người trẻ đều đồng cảm. Nó có cả sự sâu sắc và sự trẻ trung. Đậm chất truyền thống và cả sự đột biến. Rõ ràng lòng thủy chung của con người, tức cái màu tím ấy, giữa cuộc đời này bao giờ cũng là điều khó khăn.

Phan Cung Việt có nhiều bài thơ nổi tiếng về Mẹ. Nhưng đến bài tứ tuyệt Trăng khuya thì mới thật rõ sự kết lắng của tâm hồn thi sỹ. Như đã nói, mỗi bài tứ tuyệt là dấu ấn cả quãng đời tác giả. Anh viết bài Trăng khuya khi anh không còn mẹ nữa. Bài thơ chỉ có bốn câu nhưng sự bao chứa rất rộng lớn. Câu thơ sâu thẳm mà bao la:

Có em, để có nơi đến

Có Mẹ, để có nơi về

Nhưng về thì không còn Mẹ

Đến thì chỉ có trăng khuya

                        (Trăng khuya)

Rõ ràng bài thơ lay động lòng ta khác thường.

Thơ tứ tuyệt Phan Cung Việt nổi rõ nhất là sự chiêm nghiệm sống. Năm tháng sống diễn ra dằng dặc với bao chìm nổi. Vậy mà những câu thơ tứ tuyệt loại này của anh lại thật cô đúc, giản dị. Làm sao con người ta không nguôi ngẫm ngợi và xúc động trước những câu thơ tứ tuyệt đầy chiêm nghiệm:

Ta mong, chim không hót

Chim hót, ta không mong

Sống đi, sẽ hiểu ra rằng:

Tiếng chim chiều được nửa lòng ta thôi

                                    (Tiếng chim)

Bài thơ vừa xuất hiện trên trang thơ chọn lọc báo Văn Nghệ Tết Đinh Hợi khiến nhiều bạn đọc đồng cảm. Từ xưa đã vậy, thời nay càng vậy. Mọi sự chỉ như chiều ta được nửa lòng.

Anh đưa ra con số “phân nửa” đó thật độc đáo. Câu thơ mang vẻ đẹp hiện đại lấp lánh. Hiện đại ở sự giản dị và sức bùng nổ của nó.

Hay như bài Chia sẻ:

Chia sẻ niềm vui không dễ

Chia sẻ nỗi đau khó hơn

Còn chia sẻ những gì dang dở

Mới là điều khó nhất phải không em?

Tứ tuyệt tinh lọc, nhưng nó lại hướng đến sự lớn lao, vĩnh hằng của sự sống. Thảy các thể thơ đều như vậy nhưng tứ tuyệt phải đạt phẩm chất đó cao nhất.

Ngắn ngủi bấy nhiêu, và khi bước vào hiện đại, phải tốc độ bấy nhiêu, tứ tuyệt tự bóc đi bao nhiêu lớp tế bào để chỉ còn là cái cốt, cái lõi của điều mà nhà thơ muốn nói về nhân tình thế thái.

Tôi nhớ bài Nhan sắc của nhà thơ:

Anh sống bằng tâm hồn và nhan sắc của em

Đến lúc chết, anh trả em nhan sắc

Rồi anh sẽ vừa đi vừa khóc

Hỏi cuộc đời: Nhan sắc của em đâu?!

Anh viết về Nước mắt:

Anh không tìm về em nữa

Nước mắt như thế nhiều rồi!

Bởi cuộc đời này cuối cùng em ạ

Chẳng thiếu gì chỉ thiếu nước mắt thôi!

 Và bài Tỷ trọng như một đúc kết quý giá:

Cuối đời, ta bèn thử khóc

Xem giọt nước mắt lăn ra…

Mới hay, dù chỉ một giọt

Nặng ngang kiếp người phôi pha!

Thật là sự xúc cảm minh triết của thơ tứ tuyệt !

Đó là những bài thơ không giấu lòng của thi nhân về cái góc sâu thẳm của cuộc sống, của kiếp người ta. Nếu nói thơ bộc lộ rõ nhất như là một đặc trưng, một thế mạnh của thi ca, thì rõ ràng những bài tứ tuyệt trên đây của nhà thơ Phan Cung Việt đã góp thêm một định nghĩa thuyết phục và mới mẻ về phẩm chất thi ca và thi nhân. Đây là điều bộc lộ rõ nhất phẩm chất kỳ diệu của thơ tứ tuyệt.

Tứ tuyệt Phan Cung Việt đúc kết những bài học đắt giá về sự sống, về chính những năm tháng sống đầy biến động của chúng ta. Có thể liên hệ đến những pho văn xuôi đồ sộ, những trường ca và những tuyển tập thơ dày, nhưng ở đây chỉ bốn câu thơ nhỏ nhoi mà nó gánh vác cả những khái quát lớn:

Tôi muốn chọn con đường không có bụi

Tức là con đường chỉ của riêng tôi

Mà không biết những dấu chân trong mộng

Cũng đủ tung lên bụi bặm rồi!

                                (Tự xác định)

Hay bài Nghiêm khắc của hoa, báo hiệu một phẩm chất hiện đại mới của thơ tứ tuyệt:

Đất nói với tôi rằng có thể đến ngày đất thu hồi các loài hoa

Bởi hoa tặng người dùng không thỏa đáng

Nhiều cái xấu nhận hoa không biết thẹn

Nhiều cái tốt xao lòng bị xa cách trước hoa.

Thật là sự nghiêm khắc của thơ tứ tuyệt !

Trước những câu thơ như thế, lòng ta chỉ còn muốn thốt lên lời biết ơn câu thơ tứ tuyệt và Nhà thơ.

Xuân 2007

Nguyễn Sỹ Thành
PGS. Tiến sỹ Ngữ Văn

MỚI - NÓNG