“Tiền, vàng trong dân rất nhiều, sao chúng ta không huy động được”?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao đổi với các đại biểu
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao đổi với các đại biểu
TPO - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu nghịch lý là, nguồn lực tiền, vàng trong dân rất nhiều nhưng không huy động được để làm đường, làm trường, trong khi huy động để xây chùa, đúc chuông lại rất nhanh.

"Đến 135 còn biến thành 351”

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước hiện nay – Vấn đề và giải pháp” do Hội đồng Lý luận T.Ư và Tạp chí Cộng sản tổ chức, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thẳng thắn chỉ ra nhiều bất hợp lý trong việc tạo động lực phát huy các nguồn lực của đất nước.

“Tại sao Bác Hồ huy động được nhiều vàng trong dân và có người hiến tặng đến 5.000 lạng vàng cho đất nước. Thế mà sau này không thấy có trường hợp nào như thế nữa. Tại sao Bác tạo được nhiều động lực và huy động được nguồn lực như vậy? Đây là vấn đề chúng ta phải nghiên cứu”, bà Doan đặt vấn đề.

Đề cập đến các nguồn lực trong dân, bà Doan cho rằng vô cùng dồi dào, tiền, vàng rất nhiều nhưng lại không huy động được. Đặc biệt bà chỉ ra một nghịch lý là “huy động nguồn lực để làm đường, làm trường rất khó nhưng để xây chùa, đúc chuông lại rất nhanh?”

Phân tích kỹ hơn về vấn đề trên, bà Doan cho rằng, dù cơ chế chính sách nhà nước rất cởi mở nhưng vẫn thiếu sự công bằng. Bên cạnh đó, còn có những nhân tố sâu xa về nguyên nhân con người. “Mỗi dự án trích 10 – 20% cho người kéo được dự án về vậy dự án bao nhiêu nghìn tỉ thì biết bao nhiêu tiền. Đến 135 còn 351 nữa là”, bà Doan nêu vấn đề và cho rằng, cần phải tạo môi trường dân chủ cho toàn dân tốt hơn.

“Nhiều người giàu chuyển tiền ra nước ngoài hết rồi”?

Một vấn đề khác cũng được Nguyên Phó Chủ tịch nước chỉ ra là môi trường làm việc còn nhiều vấn đề, chưa tạo ra động lực để “cống hiến”. “Một môi trường mà thủ trưởng cơ quan yêu người này ghét người kia. Còn tuyển dụng thì người xứng đáng không được đề bạt đi đề bạt những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn. Chính điều này kìm hãm động lực phát triển”, Nguyên Phó Chủ tịch nước chỉ rõ.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung, Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư cũng cho rằng, số đông các sinh viên thi đoạt giải cao quốc tế, trong nước, thủ khoa các trường Đại học có chất lượng đều chọn con đường ra nước ngoài làm việc.

Các cơ quan quản lý cũng chưa có chính sách khuyến khích tốt để người dân tham gia vào các lĩnh vực cho đầu tư phát triển như xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, phát minh sáng chế. Điều này dẫn đến tình trạng, vốn của doanh nhân, của người dân vẫn đổ vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán, gửi tiết kiệm.

Một bộ phận người dân giàu có đã chuyển ngoại tệ ra đầu tư ở nước ngoài hoặc gửi vào các nhà băng quốc tế.

Từ đó, ông Trung cho rằng, phát huy quyền lực trong dân, mở rộng dân chủ trực tiếp cho người dân. Trước hết để người dân khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, tham gia tiến cử cán bộ mới hạn chế thấp nhất tiêu cực. Đồng thời, nhân dân cũng trực tiếp tham gia giám sát cán bộ, hoạch định chính sách, tham gia quản lý các nguồn lực mới tạo ra hiệu quả, ngăn chặn kịp thời các tiêu cực.

MỚI - NÓNG