Không để “trắng” tổ chức Đoàn
Theo trung tá Đào Anh Văn (Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 3), với tinh thần chủ động đổi mới phương thức hoạt động, T.Ư Đoàn đã đề xuất với Chính phủ nhiều chương trình, dự án có sự tham gia trực tiếp của tổ chức Đoàn và ĐVTN, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Qua đó, hoạt động Đoàn đã bước đầu mở rộng quy mô, đa dạng hóa hình thức, thiết thực hóa nội dung hoạt động, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, còn không ít hạn chế như tỷ lệ tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn chưa cao, mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên chưa thực sự bền vững. Nội dung, phương thức hoạt động của không ít tổ chức Đoàn có lúc còn xơ cứng, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và trình độ nhận thức của thanh niên, còn biểu hiện quan liêu, hành chính hóa…
Trước thực trạng này, trung tá Văn cho rằng, để thực sự đổi mới phương thức sinh hoạt và hoạt động Đoàn, các cấp ủy Đảng phải quan tâm đến giáo dục rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn vững mạnh. Đồng thời, đổi mới tổ chức, chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn, xóa tình trạng “trắng” tổ chức Đoàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo, trong các doanh nghiệp tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài...
“Tôi cho rằng, Đoàn cần năng động trong mọi hoạt động, tự đổi mới để đại diện được tiếng nói, quyền và lợi ích chính đáng của thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy, Đoàn chỉ có thể bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của ĐVTN khi thực hiện tốt chức năng phản biện, giám sát”, trung tá Đào Anh Văn nói.
Đồng hành cùng sinh viên nghiên cứu khoa học
Là một trong những gương mặt trẻ nổi bật ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, thượng sĩ Hà Thị Thu Trang (SN 1995, Ủy viên BCH Đoàn cơ sở, học viên Tiểu đoàn 3; nữ sinh viên tiêu biểu toàn quốc trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2016), nói: “Thực tế, sự hiểu biết của sinh viên về phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) trong trường đại học vẫn chưa đủ cả về chất và lượng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là thiếu môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất nghèo nàn, phòng thí nghiệm lạc hậu, các công trình NCKH của sinh viên vẫn còn có khoảng cách xa với thực tiễn”.
Theo Thu Trang, để tăng cường sáng tạo NCKH trong ĐVTN, nhất là sinh viên, cần làm cho giới trẻ thấy được tầm quan trọng của NCKH đối với nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển. Đồng thời thường xuyên tổ chức hội thảo, diễn đàn, trao đổi với chủ đề “Đồng hành cùng sinh viên trong NCKH”. Qua đó sẽ đánh giá hoạt động NCKH trong từng giai đoạn, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp, đồng thời hướng dẫn sinh viên tham gia NCKH theo quy trình quy định; đề xuất các chế độ động viên kịp thời đối với sinh viên tham gia NCKH đạt thành tích cao như tổ chức khen thưởng, cộng điểm…
“Các nhóm sinh viên khi tham gia NCKH thường tốn nhiều thời gian, công sức, đồng thời kinh phí nghiên cứu tốn kém, tuy được hỗ trợ nhưng cũng không nhiều, nên ngại NCKH. Do đó, hoạt động này cần nhận được sự tin tưởng từ phía nhà trường để tạo động lực, điều kiện cho sinh viên say mê NCKH. Mặt khác, các đề tài nghiên cứu của sinh viên cũng phải đáp ứng các tiêu chí thiết thực, hiệu quả thực sự để tránh lãng phí khi được đầu tư kinh phí”, Thu Trang đề xuất.
Đấu tranh trên mạng xã hội
Theo đại úy Trần Văn Toán (Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Bộ Tham mưu Quân khu 4), thời gian qua, lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng của quân đội với sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ Đoàn, sĩ quan trẻ đã góp phần tuyên truyền những hình ảnh đẹp, tích cực, những hành động thiết thực, ý nghĩa của tuổi trẻ cả nước và bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cụ thể giúp dân xây dựng nông thôn mới, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội…
Từ vai trò to lớn của Internet và mạng xã hội trong đời sống hiện nay cùng những kinh nghiệm, phương pháp, cách làm của thanh niên quân đội thời gian qua, cần phát huy vai trò của thanh niên trong đấu tranh trên mạng xã hội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng. Qua đó góp thêm nhiều tiếng nói làm hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị trên không gian mạng.
Đại úy Toán cho rằng, tổ chức Đoàn các cấp phải thấy rõ vai trò của Internet và mạng xã hội. Từ đó, đóng vai trò chủ thể, vừa định hướng, vừa phát huy vai trò của các blogger trong đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các trang mạng. Có thể thành lập một số website, các fanpage với tư cách là cổng thông tin, trang diễn đàn thanh niên để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Thành lập các tổ, nhóm bao gồm những cán bộ, ĐVTN có kiến thức toàn diện, trình độ sử dụng công nghệ thông tin tốt, nhạy bén, sắc sảo về chính trị, bản lĩnh chính trị vững vàng, được trang bị phương tiện hiện đại, làm nòng cốt tham gia đấu tranh trên mạng xã hội.
“Chúng ta có điều kiện trực tuyến tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Mặt khác, đối với Đoàn thanh niên, qua các kênh đối thoại trực tiếp này, cơ quan quản lý có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN và cả những ý kiến hữu ích trong đấu tranh với các quan điểm sai trái trên mạng xã hội”, đại uý Trần Văn Toán nói.
Tại Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ IX vừa diễn ra tại Hà Nội, đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn của BCH T.Ư Đoàn khóa X trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022. Nổi bật là các ý kiến về đổi mới phương thức sinh hoạt, hoạt động của Đoàn; nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ nhiệm kỳ 2017-2022; công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; tổ chức cho thanh niên tham gia đấu tranh trên mạng xã hội hiện nay; mục tiêu, khẩu hiệu hành động, chỉ tiêu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017-2022…