Tiến sỹ ảo thuật đầu tiên của VN kiêm nhạc sỹ Bolero nổi tiếng là ai?

TPO - Nghệ sỹ Bảo Thu - Ảo thuật gia từng được coi là “Thần đồng ảo thuật” Việt Nam và cũng là nhạc sỹ có những ca khúc Bolero để đời. 
Tiến sỹ ảo thuật đầu tiên của VN kiêm nhạc sỹ Bolero nổi tiếng là ai? ảnh 1

Bảo Thu ngày xưa

“Thần đồng ảo thuật”

Ở Việt Nam, người nổi tiếng cả 2 lĩnh vực như ông thuộc dạng hiếm.

Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Ông học nhạc từ nhỏ nhưng cũng không có bộc lộ năng khiếu gì. Cho đến một lần, như là nhân duyên, Bảo Thu đi học về, ngang qua một đám Sơn Đông mãi võ Bảo Thu đã tò mò đứng xem. Thấy ông thầy bán thuốc đặt một con rối gỗ xuống thảm cỏ rồi ra lệnh cho nó nhảy múa và con rối đã nhảy múa theo đúng ý ông thầy. Không hiểu chuyện gì, Bảo Thu đã về hỏi ông nội. Thương cháu, ông nội đã cố công tìm hiểu nguyên lý “Vì sao con rối lại có thể nhảy được?” Vì ngày đó bộ môn ảo thuật còn ít có ở Việt Nam nên ông nội phải tìm đến những cuốn sách bằng tiếng Pháp mơi có thể lý giải được cho cháu nguyên tắc làm cho rối nhảy được.

Tuy nhiên, chưa thoả trí tò mò, Bảo Thu đã tự mày mò học theo sách và tự luyện những tiết mục ảo thuật đơn giản. Đam mê ảo thuật đến quên ăn quên ngủ, bảo Thu đã có những thành công đầu tiên khi những tiết mục ảo thuật tự học đã được bạn bè trong lớp khen ngợi, thậm chí các thầy cô còn mời Bảo Thu lên trình diễn trong những dịp kỷ niệm hay bế giảng năm học. Rồi tiếng lành đồn xa, năm 1959, một ông bầu chuyên tổ chức tạp kỹ đã xem Bảo Thu biểu diễn ảo thuật đã mời đi diễn ở Đại nhạc hội, khi Bảo Thu chỉ mới 15 tuổi.

Bảo Thu kể “Lúc đó tôi mới trình diễn được vài tiết mục đơn giản thôi, nhưng vì Sài Gòn ngày đó ảo thuật còn rất mới mẻ nên người ta rất thích xem tôi diễn, thậm chí còn gọi tôi là Thần đồng ảo thuật. Các ông bầu thay nhau mời tôi, tên tôi luôn xuất hiện trên các pano quảng cáo khắp nơi. Nhưng tôi nghĩ nếu muốn nhà ảo thuật giỏi cần phải học thêm nhiều "chiêu" nữa. May mắn cho tôi là cùng thời điểm đó, có một ảo thuật gia từ Pháp về mở lớp trường dạy ảo thuật và thôi miên. Tôi đã đăng ký theo học và mới chính thức bước chân vào con đường ảo thuật chuyên nghiệp.”

Nhờ được học hành bài bản, Bảo Thu đã được chính thức được gia nhập Hội ảo thuật Pháp (A.F.A.P) vào năm 1962. Năm 1963, Bảo Thu lại trúng tuyển kỳ thi bằng Giáo sư Ảo thuật của trường Ảo thuật QTAT- Một trường ảo thuật danh giá ở Pháp. Từ đó, ông đã được học và sáng tao ra nhiều tiết mục ảo thuật độc đáo như màn trình diễn kỳ ảo với bồ câu, những màn xoè bài đầy bất ngờ và còn được gọi thêm với cái tên Ông hoàng Bồ câu hay Phù thủy của những cây bài. Năm 1964, ông được bầu làm đại biểu chính thức cho Hội Ảo thuật Việt và trở thành Ảo thuật gia đàu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận, được mời đi diễn ở nhiều nơi trên thế giới. 

Tiến sỹ ảo thuật đầu tiên của VN kiêm nhạc sỹ Bolero nổi tiếng là ai? ảnh 2Bảo Thu bây giờ

Duyên làm nhạc sỹ  

Bảo Thu nói con đường trở thành ảo thuật là định mệnh với ông, từ ngày đến với ảo thuật ông đã coi ảo thuật là cuộc sống, là sự đam mê. Nhưng trên con đường của sự đam mê đó, đã xuất hiện một con đường khác, kéo ông đi vào như một cái duyên: Đó là trở thành nhạc sỹ.

Vào những năm 1964-1965, Bảo Thu tham gia trong ban nhạc lính với công việc chính là diễn ảo thuật. Rảnh rỗi, nhờ có học nhạc từ nhỏ nên ông đã mầy mò tự sáng tác. Tác phẩm đầu tay của ông là ca khúc “Ước vọng tương phùng” kể về câu chuyện nhớ nhung người bạn gái đã có thơ viết tặng trong cuốn lưu bút.

Vì là lần đầu sáng tác nên Bảo Thu không dám cho bạn bè xem, chỉ lặng lẽ gửi dự thi ở đài phát thanh. Nào ngờ ca khúc đạt giải Khuyến khích và được thu âm, phát trên đài. Nhờ thế, ông đã tự tin mạnh dạn hơn trong sáng tác để ra đời những ca khúc như: Đừng hỏi vì sao tôi buồn, Tôi yêu tiếng hát học trò, Vọng con tim.. những ca khúc tuổi học trò nhẹ nhàng, thấm đẫm sự ngây thơ hồn nhiên. Nhưng phải đến ca khúc Giọng ca dỹ vãng thì Bảo Thu mới đựoc nhiều người biết tới với vai trò nhạc sỹ.

Bảo Thu kể ca khúc nói về một câu chuyện có thật khi một cô bé 16 tuổi nhờ ông tập hát một ca khúc. Nam nhạc sĩ nhớ lại:“Cô ấy ngây thơ, hồn nhiên lắm. Khi đã chớm yêu, cô ấy lại bảo là gia đình đã hứa hôn với một sỹ quan. Rồi cô ấy đi, tôi chỉ biết ngơ ngẩn, ôm đàn”. Giọng ca dỹ vãng đã trở thành hiện tượng qua giọng hát Giao Linh với hơn 500 ngàn đĩa được tiêu thụ. Nhiều ca sỹ khác như Thanh Tuyền, Thái Châu cũng chọn ca khúc này để thể hiện. Còn riêng với Bảo Thu, ông đã được hãng đĩa Sơn Ca ký độc quyền, đặt hàng viết nhiều ca khúc khác.

 Nghe Giọng ca dĩ vãng qua tiếng hát của ca sỹ Như Quỳnh 

Năm 1968, ca khúc Nếu xuân này vắng Anh do Bảo Thu viết qua giọng ca Trúc Ly thể hiện đã được trao giải Ca khúc hay nhất về mùa xuân với lượng đĩa tiêu thụ lên tới trên 1 triệu bản, lập kỷ lục vào thời điểm đó. Bảo Thu kể về ca khúc này rằng Nếu Xuân này vắng Anh được ông viết dành tặng một người con gái có tên Phương Anh. “Xuân đã về Anh có hay- Hoa bướm vui mùa xum vầy- Nơi phương trời Anh có nhớ- Một người luôn nhắc tên Anh- Và mơ duyên lứa đôi- Nếu xuân về vắng Anh- Ong bướm thôi dệt duyên lành- Dây tơ trùng cung lỡ phím - Cho khúc hát ái ân…..” Đây là tâm tình của một chàng trai khi người yêu trong mộng đã đi xa, chữ Anh luôn được viết hoa nhưng khi hát, nhiều ca sỹ đã hiểu sai Anh đây là người con trai, và thậm chí một nam ca sỹ nổi tiếng còn đổi thành Nếu xuân này vắng em khi hát. “Tôi đã giải thích mấy lần nhưng chả ai thay đổi. Thôi thì đành kệ”- Bảo Thu thở dài. 

 ca khúc Nếu xuân này vắng Anh qua tiếng hát Hương Lan 

Kể từ đó, người ta bắt đầu biết tới Bảo Thu nhạc sỹ chứ không còn là Bảo Thu ảo thuật nữa. Bảo Thu chuyển nghề, làm phụ trách chuyên mục âm nhạc ở đài phát thanh, tổ chức các chương trình âm nhạc. Vẫn tưởng rằng mình sẽ theo nghề sáng tác âm nhạc thì năm 1973, Bảo Thu lập gia đình với ca sỹ Thanh Tâm. Cuộc sống hạnh phúc viên mãn đã làm thay đổi Bảo Thu, ông vẫn viết nhạc nhưng “Có lẽ cái duyên của tôi với âm nhạc đã hết. Đành phải chấp nhận thôi chứ níu kéo hoài cũng chả được gì” nên Bảo Thu bỏ nghề sáng tác. Mặc dù vậy, "gia sản" mấy chục ca khúc cũng đã đủ cho Bảo Thu trở thành một nhạc sỹ lớn, được giới phê bình âm nhạc và khán giả đánh giá cao.

Nhà ảo thuật của… trẻ em

Sau ngày đất nước thống nhất, với danh hiệu nghệ sỹ ảo thuật quốc tế, ra nước ngoài Bảo Thu sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng nhưng Bảo Thu chọn ở lại quê nhà. Ông cho rằng không hợp với nhưng show diễn lớn, những màn ảo thuật hoàng tráng.

Ở trong nước, ông tham gia đoàn tạp kỹ, làm giám khảo cho các liên hoan ảo thuật nhưng ông vẫn tự học, tự luyện tay nghề để lấy bằng thạc sỹ rồi thậm chí cả bằng Tiến sỹ ảo thuật do Hiệp hội Ảo thuật thế giới ATGQT (Inter National Magicians Societ) cấp.

Tiến sỹ ảo thuật đầu tiên của VN kiêm nhạc sỹ Bolero nổi tiếng là ai? ảnh 3Ảo thuật gia kiêm nhạc sỹ Bảo Thu 

Thế nhưng một thời gian, công việc chính của Bảo Thu lại là chế biến những đạo cụ ảo thuật đơn giản và đi bán cho trẻ em. Ông mở công ty, tự mình chế tạo những món đồ ảo thuật và vừa bán vừa biểu. Cứ túc tắc trên chiếc xe máy, nhà ảo thuật lừng danh một thời lọ mọ đi bán từng món ảo thuật đơn giản có khi chỉ vài chục ngàn một chiếc. Hỏi thì ông bảo: “Những đứa trẻ đó sẽ là những ảo thuật gia tương lại nên tôi muốn truyền lại sự đam mê cho chúng”. Bảo Thu đam mê với nghề mới, thậm chí ông còn viết sách để hướng dẫn làm đạo cụ ảo thuật. Chính vì thế Bảo Thu còn được trao tặng danh hiệu Kỷ lục gia chế tao nhiều đạo cụ ảo thuật nhất Việt Nam.

Mấy năm nay sự khỏe yếu dần, Bảo Thu mở phòng thu riêng, chủ yếu để làm nơi cho bạn bè sinh hoạt ca nhạc hay trình diễn ảo thuật. Nhưng có vẻ ông chưa muốn dừng lại bởi ông vẫn mày mò sản xuất đạo cụ. Biết đâu có ngày Tiến sỹ Ảo thuật Bảo Thu sẽ lại trình diễn những tiết mục mới.  

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.