Tiến sĩ công nghệ Nano trẻ nhất Việt Nam

Tiến sĩ công nghệ Nano trẻ nhất Việt Nam
TP - Là tiến sĩ chuyên ngành vật liệu tiên tiến trẻ nhất Việt Nam tốt nghiệp Đại học Grenoble (Pháp), chàng trai xứ Quảng Võ Văn Chi, 27 tuổi từ chối những lời mời làm việc tại các trung tâm công nghệ lớn ở nước ngoài về “dụng võ” tại Đà Nẵng, xây dựng ngành công nghệ mới.

Những ‘bản sắc Việt’ khắp năm châu
> Áp dụng công nghệ cao trong chế biến thuốc cổ truyền

Giấc mơ của học trò nghèo

Sinh ra ở xã Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam), cuộc sống chật vật nên cả gia đình chuyển ra Đà Nẵng lập nghiệp mưu sinh khi Chi mới tròn 5 tuổi. Ba xin được một chân bảo vệ tại Cảng Đà Nẵng, mẹ chạy vạy buôn bán nuôi 4 anh em ăn học.

Phần vì mặc cảm với đám bạn cùng lứa áo quần tươm tất, cuộc sống no đủ, cậu bé nhà nghèo chỉ có sở thích đọc sách, nên những giờ ra chơi, ngày nghỉ ngoài đỡ đần ba mẹ, cậu lại chúi đầu vào sách. Khoản tiền ăn sáng, tiền thưởng học sinh giỏi ít ỏi, Chi dồn hết vào những cuốn sách cũ.

Những bài toán khó, câu hỏi hóc búa hay tri thức mới mẻ luôn có sức hấp dẫn lớn lao với cậu bé nghèo. “Có những cuốn sách mình đọc từ khi bé, khi ấy vẫn chưa hiểu gì mãi cho tới khi lớn lên, vào đại học gặp lại mới thật sự hiểu thấu đáo. Cảm giác đó thú vị lắm”, Chi tâm sự.

Say mê nghiên cứu, ngay từ nhỏ, bạn bè hay gọi Chi là “ông cụ non” hay “ông tiến sĩ”. Ngày đó, Chi rất khoái chí bởi vô tình đám bạn nói trúng phóc ước mơ “cao siêu” trở thành nhà khoa học thực thụ. Giấc mơ đó được định hình rõ nét từ khi Chi vào lớp 9.

Một lần Chi được xem bộ phim khoa học nói về ngành công nghệ cao phát trên truyền hình. Đó là ngành có vai trò quyết định đột phá trong tương lai.

Chi bị cuốn vào trong những câu hỏi: Vì sao một ngành công nghệ hoàn toàn mới lạ lại có thể chi phối sự hình thành của hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ, có khả năng hiện đại hóa, công nghiệp hóa các ngành sản xuất và dịch vụ hiện có? quyết định tới sự phát triển chung của nhân loại trong tương lai?

Những vấn đề tưởng chừng quá lớn với một học sinh nhưng lại khiến Chi vô cùng thích thú. Cậu học trò nghèo bắt đầu cuộc hành trình lý giải về ngành công nghệ cao.

Hết ba cấp học, ngoài lo học các môn trên lớp, Chi bắt đầu tập trung vào đọc sách, nghiên cứu về ngành công nghệ mới. Với hai giải quốc gia về hóa học (giải 3 hóa học lớp 11 và nhì hóa học 12), Chi được tuyển thẳng vào đại học. Chi quyết định đăng ký vào ngành vật liệu tiên tiến (ĐH Bách khoa TPHCM) để thỏa chí đam mê.

Từ chối “sân ngoại”, về đá “sân nội”

TS Võ văn Chi
TS Võ văn Chi.
 

 “Sự tự tin cho tôi 50% chiến thắng. Tự tin không có nghĩa tự mãn mà luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực và có thể. Mọi việc dù khó khăn hay thuận lợi đều có ý nghĩa tích cực, nếu mình muốn”  

TS Võ Văn Chi

Hết 4 năm đại học, Võ Văn Chi trở thành thủ khoa tốt nghiệp của ngành khi dẫn đầu với số điểm tổng kết 8,5. Niềm vui lớn hơn, quyết định tương lai của Chi khi được nhận học bổng của Viện Néel thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp để thực hiện luận án tiến sĩ chuyên ngành vật liệu tiên tiến mà chưa hề qua chương trình đào tạo thạc sĩ.

Chi băn khoăn vì để thực hiện luận án tiến sĩ, không những phải thành thạo ngoại ngữ mà còn phải có lượng kiến thức nền của chương trình đào tạo thạc sĩ.

Nhưng rồi Chi chấp nhận mạo hiểm, đương đầu với thử thách. Anh lao vào học tiếng Anh, tiếng Pháp. Hơn ba năm ở Pháp làm nghiên cứu sinh không một phút ngơi nghỉ, hết học nhóm rồi tự học; hết đọc sách nghiên cứu, làm việc cho Viện Néel, Chi xin được làm việc cho Cơ quan ứng dụng bức xạ Synchrotron châu Âu (ESRF) để có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại. Chi cũng tham gia vào Hội nghị INTERMAG 2012, một trong hai hội nghị lớn nhất thế giới về nghiên cứu từ học của Viện Kỹ nghệ Điện và Điện tử quốc tế với hai tham luận “Từ tính của hạt Nano Cobalt phủ trên Graphene trên Iridium” và “Màng Cobalt cực mỏng tiếp xúc với Graphene”.

Tháng 3/2013, Võ Văn Chi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia bách khoa Grenoble (Pháp) với đề tài “Tính chất từ của các cấu trúc Nano trên Graphene trên kim loại”, trở thành tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam chuyên ngành công nghệ Nano.

Từ chối lời mời ở lại làm việc của Trung tâm phát xạ ứng dụng bức xạ Synchrotron châu Âu (ESRF), Chi trở về Đà Nẵng với mong muốn là những người đầu tiên chung tay phát triển ngành công nghệ cao - một ngành mới đầy hứa hẹn.

Với vai trò là một chuyên viên công nghệ cao, đồng thời nằm trong Ban kế hoạch của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Chi đảm nhận việc xây dựng kế hoạch và thu hút các nhà đầu tư.

Hơn ai hết, tiến sĩ trẻ tuổi nhận thức rõ vai trò của ngành được xác định là trọng tâm, mũi nhọn trong tương lai. Hiện, Đà Nẵng đang đầu tư các ngành thuộc ngành công nghệ cao như vật liệu mới; Công nghệ sinh học; Năng lượng sạch; CNTT…

Để trở thành trung tâm phát triển công nghệ cao khu vực miền Trung, trong tương lai sẽ mở rộng thêm nhiều ngành mới trong đó có ngành công nghệ Nano, Chi biết cần nỗ lực, cống hiến hết mình, đầu tư chuyên sâu cho chuyên môn mà anh dày công nghiên cứu.

Vừa nhận công tác một tuần tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Chi nói: “Mọi việc mới bắt đầu, còn ngổn ngang lắm. Nhưng tất cả sẽ sớm phải vào nề nếp thôi. Chúng ta cần xây dựng một nền công nghệ cao, xứng tầm khu vực và quốc tế”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.