Đùm thuốc lá cuộn thường mua chỗ quán bà Sinh của anh Đăng Trung luôn hào phóng ngỏ ra mỗi khi tôi bất chợt ghé. Cũng hơi ngài ngại. Ngó vóc hơi vậm vạp, chất giọng hơi đanh nhưng tính anh lành. Lại là chỗ đồng hương xứ Thanh. Anh quê ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân. Anh thạo nhiều địa danh sự tích xứ Thanh. Từng qua quân ngũ, sau này học Tổng hợp văn. Thoạt đầu anh Đăng Trung làm nghiên cứu ở Viện Văn học. Năm 1968 mới về Tiền Phong.
Biết tôi đang tá túc ở Khu tập thể cơ quan 128 Hàng Trống, bằng chất giọng ngậm ngùi anh kể lại một kỷ niệm buồn. Thời ấy, anh chị lấy nhau đã mấy năm nhưng hai người đều ở tập thể. Thứ bảy chủ nhật là thời gian riêng tư nhưng cả hai vợ chồng đều phải lang thang. Anh đánh liều mua mấy miếng cót quây tạm chỗ góc khu tập thể Hàng Trống một cái chòi con con. Thế là anh bị kiểm điểm lên xuống và phải tháo dỡ cái chòi hạnh phúc ấy. Nhắc lại chuyện cũ, anh dặn thêm ở tập thể chật chội bí bách càng phải cẩn thận để khỏi ảnh hưởng đến mọi người! Nhớ anh còn cẩn thận nói trước với ông trưởng ban Lê Văn Ba phụ trách tôi thi thoảng cho tôi về Thanh Hóa để đi thực tế viết lách này khác cho quen việc.
Cái buồng Ban Văn con con luôn ngỏ. Thuở ấy diễn đàn viết lách đâu có nhiều nhặn? Chỉ mấy tờ Nhân Dân, Quân Đội, Độc Lập, Đại đoàn kết, Tiền Phong… là có đất cho mảng văn hóa văn nghệ thơ phú, truyện ngắn. Vậy nên nhảo qua thấy lúc nào anh Đăng Trung và Phan Cung Việt cũng có khách. Khách văn. Có bữa nhoáng thấy tôi, anh ới lấy hộ phích nước chỗ chị Yến tạp vụ. Tôi vui vẻ lẫn hăng hái thực thi bởi nghĩ lại một dịp may để được ngó lẫn hầu chuyện với khách văn của anh. Cỡ Tô Hoài, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Minh Châu, Đào Vũ, Hoàng Cát, Ngô Văn Phú, nhạc sĩ Hoàng Vân… tôi lần đầu được diện kiến là ở cái buồng văn nghệ con con này.
Nhớ có 2 lần, anh không tiếp khách ở buồng con mà hối tôi gặp chánh văn phòng để mở cửa phòng họp cơ quan tiếp cho trọng thể. Nói đúng hơn là 2 cuộc làm việc với CTV báo Tiền Phong là Xuân Hồng tức tướng Trần Độ, và người nữa là ông nhạc sĩ Trần Hoàn. Tất nhiên chắc phải nhiều các CTV, khách văn, thơ cỡ gộc khác vì anh Đăng Trung có quan hệ khá rộng. Nhưng tôi chỉ biết mấy ca như thế! Và mấy lần cái dáng lòng khòng nhưng sang trọng của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Giời nực mà nhạc sĩ thắt cà vạt nom sang và oách.
Thì ra đây là cái người từng tôn vinh lời thơ của Đăng Trung trong ca khúc nổi tiếng vẫn được các phát thanh viên trang trọng giới thiệu trên đài và ti vi Tiếng hát từ thành phố mang tên người… Bao nhiêu là những cộng tác viên của Ban Văn, anh đều mang lại hòa khí với phương châm Yên tâm. Hay, tốt thì dùng, sẽ dùng. Chưa hay lượng thông tin nhẹ thênh thì xin vui lòng thông cảm… Những chân dung văn nghệ sĩ qua cung cách thể hiện của Đăng Trung hình như nhạc sĩ Hoàng Vân đã khái quát không phải đánh bóng mạ kền mà là sáng sủa sạch sẽ như nó vốn có, như cuộc đời thực của họ. Xúc động và chân thành (chữ của nhà báo Lê Trân, nguyên TBT Báo Thiều niên Tiền Phong trong bài viết Nhà báo Đăng Trung như tôi biết).
Thời ấy cũng vui. Giờ tôi còn giữ được tấm ảnh đen trắng chụp tôi với anh trong một vở kịch ngắn mà anh Đăng Trung là tác giả (anh trong vai giám đốc, tôi là thư ký) trong Hội diễn văn nghệ cơ quan TƯ Đoàn, được hẳn một giải nhì.
Một dạo tôi thấy anh đóng cửa buồng con con ấy dễ hơn tháng. Lại thưa hẳn khách. Hình như anh đang viết gì đó dài hơi? Nhiều hôm nhọ mặt người vẫn chưa thấy anh rời cơ quan. Mãi đến khi cuốn sách viết về nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn tày tặn do NXB Thanh Niên in ra, tác giả là Đăng Trung tôi mới biết anh vừa trải qua những ngày lao động nhọc nhằn. Chừng như sự kiện nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn tài năng, người được Chopin chọn thời điểm năm 1980 không làm anh thỏa mãn qua mấy kỳ báo ở Tiền Phong và nhiều tờ báo khác nữa trong đó phần nhiều anh là tác giả? Cuốn sách viết về nghệ sĩ Piano Đặng Thái Sơn (được phong tặng NSND ở tuổi 26 với cú hích quyết định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đã cung cấp và hé mở cho bạn đọc bao điều thú vị, kể cả những thứ như gợi mở để các cây viết sau này có điều kiện để tận bờ sát góc hơn? Những ngày Đặng Thái Sơn ở nơi sơ tán Hà Bắc phải tập đàn trong điều kiện gian nan bom Mỹ. Và vô vàn những thiếu thốn thời bao cấp ở căn nhà phố Kỳ Đồng. Và một cây viết Đăng Trung (tuy mới sơ lược?) nhưng có thể nói dũng cảm (thời điểm được coi là nhạy cảm ấy) đã đề cập phần nào đến hoàn cảnh gia đình phức tạp của Đặng Thái Sơn.
Có lẽ cuốn sách đã mang lại nhiều phức cảm lẫn ấn tượng? Chẳng hạn như chuyện nhạc sĩ nhà thơ Đặng Đình Hưng cha đẻ Đặng Thái Sơn từng bị hiểu lầm vu oan trong cơn lốc nhân văn giai phẩm và người con Đặng Thái Sơn phải vượt thoát qua sự ám ảnh đồn thổi ấy như thế nào? Cả những nhiêu khê oái oăm trong hoàn cảnh khi cha mẹ Đặng Thái Sơn ly dị…
Còn nhớ sau chuyến đi dài vô Quảng Ngãi lần ấy, anh say sưa kể tôi nghe về ấn tượng chuyến đi đã leo núi Ấn Quang viếng mộ nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng như thế nào. Rồi anh hỏi độp này, Hà Nội hay trong Sài Gòn có đường phố nào mang tên Huỳnh Thúc Kháng không? Chúng tôi ngơ ngác vì không biết! Nhưng anh đã hỏi người khác, nhiều người khác nữa. Hỏi cả 108. Sau mới biết hỏi để thực hiện một bài viết trên báo Tiền Phong Rất mong Hà Nội có đường phố mang tên Cụ Huỳnh. Nhiều người đọc trong đó có nhiều thành viên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đọc bài báo này. Sau đó trong một phiên họp, Hội đồng NDTP Hà Nội đã lấy tên nhà chí sĩ để đặt tên cho con phố như bây giờ ta thấy! Đó cũng là kỷ niệm thời điểm 30 năm Đăng Trung về báo Tiền Phong.
Nhói lòng thêm khi nghe người con trai thuật lại, sáng 12/11/2019, nhà báo Đăng Trung sắc phục chỉnh tề từ nhà gọi taxi đến Trụ sở báo Tiền Phong dự cuộc gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp 66 năm thành lập báo Tiền Phong theo thông lệ nhiều năm nay, nhưng chưa kịp lên xe thì cơn nhồi máu đột ngột ập đến! Gần 2 tháng trước, cụ nhà cũng bị một cơn như thế may mà qua được. Nhưng lần này thì không!
Bó hoa chúc thọ dịp tuổi 80 nhà báo Đăng Trung (một trong tám nhà báo đầu tiên được Bộ Văn hóa tặng phần thưởng cao quý Huy chương Chiến sĩ Văn hóa) của Ban biên tập báo Tiền Phong vẫn chưa kịp trao…