Mấy dòng lưu bút mờ nhòe gợi nhớ lại rằng tôi đã mua tập thơ ấy vào sáng Chủ nhật ngày 2/10/1986 bên dòng Hương giang mưa bay, khi sách vừa được Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành trước đó vài tháng. Cũng là thời điểm tôi vừa xa nhà bước chân vào năm thứ nhất Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế.
Nhà thơ Ngô Văn Phú |
Bây giờ nhìn lại, phải thấy một điều, rằng thời ấy, cái thời ấy, những vần thơ trong trẻo giản dị đã dìu đỡ biết bao tâm hồn tưởng chừng kiệt quệ bởi bom đạn, bởi muôn nỗi thiếu khó, bất an. Bên cạnh những giọng thơ đầy trăn trở nhiều lúc bạo liệt trước thời cuộc như Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, thơ cách tân của Trúc Thông, thì vẫn có không ít những Thái Thăng Long với nỗi xao xác nồng nàn thương về Hà Nội “Có một Hà Nội ngây ngất nắng/Có một Hà Nội run run heo may” sau này đi vào nhạc Phú Quang. Với Nguyễn Phan Hách lãng đãng “Sông Cầu làm bao xanh/Ngang lưng làng quan họ” vào nhạc Nguyễn Trọng Tạo. Với hương vị mát lành trong thơ Xuân Quỳnh, Hoàng Nhuận Cầm, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn,...
Để muốn nói rằng không chỉ với thơ lý trí, cách tân, mà dòng thơ tinh khiết dân gian như mây, như bông của Ngô Văn Phú đã neo giữ tâm hồn bao thế hệ như tôi, từ thuở mới chập chững cầm bút. Để lại vệt loang trong trẻo ngẩn ngơ với một đứa trẻ mới lớn, mà nay dù nhiều năm tháng đã qua vẫn chưa thể nguôi ngoai. Như bản năng níu giữ ký ức tiền sử loài người dù thời gian một kiếp nhân sinh chỉ là cái chớp mắt...
Suốt cuộc đời “lực điền chữ nghĩa” với ngót 230 đầu sách các loại - một kỷ lục dường như chưa mấy cây bút nào vượt qua, trong đó hơn 20 tập thơ cả thế sự lẫn tình yêu - nhưng tôi vẫn cho rằng so với các nhà thơ cùng thế hệ, Ngô Văn Phú là một trong những nhà thơ thành công nhất về đề tài làng quê miền Bắc. Đó là miền trung du cố hương với những làng đồi, nhà đồi, hương đồi, mưa lá cọ, cơm trám, những Vĩnh Yên, Phúc Yên, Việt Trì, non Tản, sông Lô,... lại chính là nỗi ám ảnh thân thương nhất trong thơ ông.
Thơ Ngô Văn Phú được các thế hệ học trò chép tay từ ngót 40 năm trước |
Những câu thơ bồi hồi gợi nhớ hình ảnh phố thị đơn sơ hoang vắng một thời nay đã vĩnh viễn không còn nữa. “Một ánh đèn ghi ngã ba thị xã/Dãy phố nghèo dăm mái lá con con” (Ga quê hương). “Tôi ở lại đây/Với thành phố gầy/Thành phố trống/Thành phố không cửa ô/Thành phố không có thành và chưa có phố” (Thành phố trung du).
Còn đây là làng. “Tháng mưa rào đỏ mái ngói nhà ta/Tiếng ếch kêu bồi hồi ruộng nước/Bầy cá rô vượt bờ ao rạch nước/Bồn chồn tiếng cuốc gọi hè sang” (Tháng Tư).
Từng có biết bao thi sĩ làng quê để lại dấu ấn đậm đà, nhưng với Ngô Văn Phú, tôi nhận ra chất thơ “quê mùa” của ông nó cứ trong vắt, tinh khôi đến kỳ lạ. Gần như chạm đến “độ Không của lối viết” (tên một tác phẩm của Roland Barthes). Chính điều này gần như vô thức đã đưa thơ ông trở thành một dạng thức ca dao.
“Hội xuân mở trước sân đình/Gió đưa cánh pháo dập dình đầm sen/Có con ếch nấp bờ bên/Tưởng hoa nhảy xuống vồ lên giấy điều” (Hội xuân). Đến bài này thì cảm giác như cảnh ấy tình ấy đã được ngân nga thanh lọc qua ngàn đời sau những lũy tre xanh “Trên trời mây trắng như bông/Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây/Những cô má đỏ hây hây/Đội bông như thể đội mây về làng” (Mây và bông).
Từ sự trong trẻo, tinh khôi mà giản dị, thơ Ngô Văn Phú nhiều bài, nhất là thơ thiếu nhi đã dễ dàng đạt đến sự hồn nhiên pha chút tinh nghịch mà không sự dụng công nào có thể đạt đến. Nên nhiều bài thơ của ông đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn, Tiếng Việt nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ biết bao nhiêu thế hệ. Xa nhất là bài “Mây và bông” in sách giáo khoa lớp 1 ở miền Bắc từ năm 1963, nay sắp tròn một hoa giáp đời người. Và đây “Gió ở rất xa, rất rất xa/Gió thích chơi thân với mọi nhà/Gió cù khe khẽ anh mèo mướp/Rủ đàn ong mật đến thăm hoa...” (Gió - sách Tiếng Việt lớp 1).“...Những chú nghé lông tơ mũm mĩm/Mũi phập phồng dính cánh hoa mua/Cổng trại mở, trâu vào chen chúc/Chiều rộn ràng trong tiếng nghé ơ” (Trâu đồi - sách Tiếng Việt lớp 4),... Không chỉ thơ, mà nhiều tản văn của ông từ lâu cũng được đưa vào nhà trường, như “Quả cà chua” (Ngữ Văn lớp 4), “Lũy làng” (Ngữ văn lớp 6)...
Suốt đời thi ca gắn bó với mùa màng đồng bãi quê nhà, đến nỗi tai nạn văn chương lớn nhất đời ông cũng đến từ đất quê. Số là đầu năm 1973, vừa sau 12 ngày đêm B52 Mỹ ném bom Hà Nội, Tạp chí Thanh Niên có in bài thơ “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú (gần cùng thời điểm với bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật). Bài thơ có 4 khổ, đoạn mở đầu “Cái hố bom nằm trên vạt ruộng/Dẫu san bằng vẫn cứ nhận ra/Đến mùa bừa chân bước nhấp nhô/Lúa cấy kín, vệt tròn còn đấy/Tưởng trên da thịt mình mới sẹo/Ai ngờ đất cũng sẹo như người”. Còn đây là khổ cuối “Đất có màu xanh/Tôi có cuộc đời/Những vết sẹo mãi còn nhắc nhở/Những điều cần nói với ngày mai...”. Thế rồi tác giả bị quy “có vấn đề” trong nhận thức về cuộc chiến đấu lúc này còn đang trong giai đoạn quyết liệt, khiến ông bị hạ chức từ Bí thư xuống Phó bí thư chi bộ báo Văn nghệ.
Người “Bao năm ở phố vẫn nhà quê” giờ đã thanh thản về làng. Về với chợ đầu đê “In bánh khúc ở trong quầng chõ nóng/Của bà dì họ, tóc như bông”...
Nhà thơ Ngô Văn Phú sinh năm 1937, quê Phúc Yên, Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, từng khoác áo lính, có thời gian dài làm biên tập viên các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, rồi làm lãnh đạo các NXB Tác phẩm mới, NXB Hội Nhà văn,... Ông đã được trao nhiều giải thưởng về văn học, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Sáng qua, 26/10, nhà thơ Ngô Văn Phú đã về an nghỉ nơi đất mẹ quê nhà, dưới cánh đồng “bông trắng như mây”...