Tiền hỗ trợ lạc vào... nhà cán bộ

Những chiếc xe công nông vẫn lưu hành trên đường tại huyện Tân Phú
Những chiếc xe công nông vẫn lưu hành trên đường tại huyện Tân Phú
TP - Xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Đồng Nai) có 39 chủ xe công nông, xe ba gác, xe thô sơ trong diện bị cấm lưu hành (theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ) được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, có quá nhiều trường hợp gian dối bị phát hiện.
Những chiếc xe công nông vẫn lưu hành trên đường tại huyện Tân Phú
Những chiếc xe công nông vẫn lưu hành trên đường tại huyện Tân Phú.

Vào tháng 12 - 2007, công an xã Phú Điền được giao nhiệm vụ thống kê các chủ phương tiện tại địa phương thuộc diện bị cấm lưu hành. Công an xã đã thống kê có 23 trường hợp và yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết không lắp ráp, sử dụng các loại phương tiện bị cấm lưu hành. Nhiều hộ dân đã chấp hành và kiến nghị nhà nước xem xét hỗ trợ trong việc phải ngừng sử dụng các phương tiện này.

Thế nhưng, trong danh sách các chủ phương tiện xin hỗ trợ thay thế phương tiện bị cấm lưu hành do UBND xã Phú Điền lập ngày 27-7-2009 đề nghị huyện Tân Phú xét duyệt thì lại lên tới 39 chủ phương tiện.

Mới đây, danh sách này đã được huyện Tân Phú chi trả tiền hỗ trợ. Trong danh sách người nhận tiền hỗ trợ ở xã Phú Điền có quá nửa trường hợp không thuộc diện được hỗ trợ. Cụ thể như của cán bộ xã, cán bộ huyện…

Tại xã Phú Điền, nhiều người dân đều biết ông Đinh Công Khánh, chủ cửa hàng VLXD (ông Khánh cũng là đại biểu HĐND xã Phú Điền) có 1 xe công nông và 1 xe ba gác máy chuyên dùng chở vật liệu. Thế nhưng trong danh sách nhận tiền, ngoài ông Khánh đứng tên chủ phương tiện xe công nông được nhận 9 triệu đồng (hỗ trợ mua xe tải) thì vợ ông Khánh là bà Nguyễn Thị Phượng cũng đứng tên một xe công nông và cũng được nhận 9 triệu đồng.

Ngoài ra, những người có tên: Nguyễn Văn Phú, Trần Anh Minh, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Long là những người làm công và lái xe cho cửa hàng VLXD của ông Khánh chưa bao giờ có xe ba gác, nhưng vẫn có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ mỗi người 5 triệu đồng.

Gia đình ông năm Luông, cán bộ phụ trách thủy nông tại xã Phú Điền có 1 xe công nông (không có trong danh sách thống kê và cam kết cuả công an xã Phú Điền), nhưng trong danh sách nhận tiền có 3 người trong gia đình ông năm Luông là con gái, con rể và con trai mỗi người có 1 phương tiện xe công nông và được nhận 5 triệu đồng/người.

Ông Phạm Văn Vũ, cán bộ Thủy nông khu vực Tân Phú (nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Điền) cũng kê khai có 1 xe công nông và được nhận 5 triệu đồng dù ông Vũ chưa bao giờ làm nghề liên quan xe công nông.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Phú cũng được nhận 5 triệu đồng cho việc chuyển đổi nghề từ phương tiện xe công nông. Chồng cũ của bà Hương là ông Nguyễn Văn Trích trước đây có một xe cải tiến, nhưng đã bán từ trước khi có nghị quyết 32, nhưng ông Trích vẫn được nhận 5 triệu đồng hỗ trợ. Một số chủ phương tiện sau khi đã nhận tiền hỗ trợ, vẫn tiếp tục lưu hành xe công nông, xe ba gác.

Theo Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông (theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007), những chủ phương tiện chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng và những chủ phương tiện mua phương tiện thay thế sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng. 

Biết được sự việc, 19 hộ có chủ phương tiện bị đình chỉ lưu thông không có tên trong danh sách đã khiếu nại. Ông Văn Viết Đức, ngụ tại ấp 3, xã Phú Điền làm nghề kinh doanh nước đá là chủ của 2 xe công nông và một xe lôi. Năm 2007, ông Đức cam kết không lưu hành phương tiện, nhưng đến nay ông Đức không có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ.

Biết được sự việc, ông Đức đến UBND xã Phú Điền khiếu nại thì cán bộ xã từ chối giải quyết với lý do đã hết hạn nhận hồ sơ. Trước đây UBND xã đã triển khai thông báo qua loa phát thanh. Ông Trần Cao Thắng, chủ một xe công nông ở xã Phú Điền cũng phản ánh, sau khi khiếu nại thì mới đây UBND xã Phú Điền mới mời lên kê khai bổ sung.

Ông Lê Vinh Quang cán bộ phụ trách giao thông- thuỷ lợi xã Phú Điền - người lập danh sách 39 trường hợp được nhận hỗ trợ nói: “Tôi chỉ phát biểu mẫu cho người có phương tiện tự kê khai, còn xác minh có đúng đối tượng hay không thì công an làm”. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phú Điền thì cho biết, ông chưa nghe người dân phản ánh tình trạng trên.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết: “Tại một cuộc họp Ban chỉ đạo An toàn giao thông của huyện vào tháng 10-2010, Công an huyện có phản ánh các tình hình trên. Tôi đã chỉ đạo Công an huyện nhanh chóng xác minh lại toàn bộ 489 trường hợp đã được xét duyệt trong toàn huyện...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG