Tại cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn:

Tiền giả, hàng lậu: VÀO, xăng dầu: RA

Tiền giả, hàng lậu: VÀO, xăng dầu: RA
Xăng dầu được tích trữ, bán sang TQ với số lượng lớn. CA nhận định có sự tiếp tay của một số cửa hàng xăng dầu.Việc mua bán tiền giả bên kia biên giới diễn ra công khai.

Sôi động hàng lậu, tiền giả

Đặt chân đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), chúng tôi được Ban chỉ đạo CBL 127 ở đây thông báo: Lực lượng buôn lậu năm nay nghỉ Tết, “trú đông” ngắn, nên giữa tháng 2, hoạt động buôn lậu quen thuộc ở vùng biên này đã khởi động trở lại với những diễn biến khá sôi động.

Để làm dẫn chứng cụ thể, Đội trưởng Kiểm soát hải quan (HQ) số I (Cục HQ Quảng Ninh) - Lê Văn Hoàn nêu 2 vụ điển hình: Lúc 1h30 ngày 22/3/2005, Lực lượng CBL của Đội kiểm soát HQ số 1 đã bắt, tạm giữ ô tô biển kiểm soát 14L - 0082 đang vận chuyển 9.440 m vải do Trung Quốc sản xuất.

Người điều khiển phương tiện là Phạm Trung Nghĩa, 32 tuổi, trú tại Quảng Long (Hải Hà, Quảng Ninh) đã khai nhận: Số vải trên là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, không có hoá đơn, chứng từ. Trị giá lô hàng ước tính 150 triệu đồng.

Trước đó, ngày 12/3/2005, trên quốc lộ 18A thuộc xã Quảng Thành (Hải Hà, Quảng Ninh), Đội kiểm soát HQ số I cũng đã bắt và tạm giữ ô tô biển kiểm soát 16H-3772 đang vận chuyển hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu trái phép gồm: vải, linh kiện điện thoại di động Trung Quốc sản xuất.

Chủ xe Phạm Xuân Yêng (trú tổ 20, phường Cẩm Thạch, Cẩm Phả-Quảng Ninh) đã khai nhận: Toàn bộ hàng hoá có giá trị 130 triệu đồng trên nhập lậu từ Trung Quốc.

Ông Yêng vận chuyển thuê, không có bất kỳ loại giấy tờ, hoá đơn nào về hàng hoá. Đội kiểm soát HQ số I đã “nếm” đủ mùi vị của các loại mánh khoé, thủ đoạn, hoạt động chống trả của bọn buôn lậu: chia nhỏ lẻ hàng hoá, thuê cửu vạn khuân vác qua biên giới không kể thời gian, địa điểm.

Đặc biệt, tại km 15 đường 18A, hàng lậu được chia nhỏ ra hai bên cánh gà bến tàu Dân Tiến, sau đó tập kết rải rác từ km 15 đến thị trấn Quảng Hà và tiếp tục được “tăng bo” lên các phương tiện chuyên chở nhanh chóng tẩu thoát.

Nhận định của CA cho thấy, tội phạm buôn lậu xăng dầu này chắc chắn có sự tiếp tay của một số cửa hàng xăng dầu (bán số lượng lớn), nhưng vì đây là mặt hàng buôn lậu ngược sang Trung Quốc và mới xuất hiện đầu năm 2005, nên hiện vẫn chưa lôi ra ánh sáng được những kẻ tiếp tay.

Tại những điểm nóng này, cứ vào đêm, chốc chốc lại có chuyến xe tải nhỏ được gắn biển số giả, với các “quái xế” có gan chở hàng lậu với tốc độ “xé” màn đêm đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Đội quân chở hàng lậu này luôn sẵn sàng chống đối quyết liệt lực lượng thi hành công vụ.

Thời gian này, tình trạng buôn lậu rất nóng với 2 mặt hàng nhạy cảm và rất khó chống là dầu và tiền giả. Thiếu tá Nguyễn Đức Tân-Đội trưởng Quản lý kinh tế và chức vụ (CA TX Móng Cái) cho hay, CA tham gia CBL mới chỉ để mắt đến tình trạng buôn lậu mặt hàng đặc biệt Nhà nước đang phải bù giá này từ 2 tháng nay, nhưng cũng đã bắt giữ được 4 vụ buôn lậu, với số lượng dầu bị bán sang Trung Quốc lên đến 9.000 lít.

Lượng dầu nói trên được bọn buôn lậu tích trữ vào can, mua từ các cây xăng của VN để bán sang Trung Quốc, ăn chênh lệch giá khá lớn.  Còn buôn bán tiền giả, vận chuyển trái phép tiền qua biên giới thì đã xuất hiện rất sớm ở Móng Cái.

Thiếu tá Tân cho hay, từ trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước công bố xuất hiện tiền polime giả thì  CA Móng Cái đã thu được nhiều tờ tiền polime giả thông qua kiểm soát buôn lậu. Ngày 9/3/2005, HQ cửa khẩu Móng Cái đã phát hiện và lập biên bản xử lý Dương Thị Dũng (Hiệp Hoà, Bắc Giang) đưa 280 triệu đồng vào VN không khai báo HQ.

Trước đó, CA Móng Cái cũng đã bắt 2 vụ buôn bán tiền giả từ Trung Quốc vào VN hơn 100 triệu đồng, loại tiền 100 nghìn và 50 nghìn đồng. Thượng tá Đỗ Xuân Quý-Trưởng CA thị xã Móng Cái cho hay, qua trinh sát của CA, tại một địa điểm bên kia biên giới, các đối tượng buôn tiền giả đã tàng trữ một lượng lớn tiền polime giả chờ điều kiện thuận lợi là tuồn vào thị trường VN.

Dù cố gắng nhưng rất khó kiểm soát lượng tiền giả, vì bọn buôn lậu luôn chia lẻ tiền để đưa qua biên giới dễ dàng hơn. Tính đến trung tuần tháng 3/2005, lực lượng chống buôn lậu ở Móng Cái đã xử lý 171 vụ buôn lậu và vận chuyển hàng trái phép tổng trị giá 2,27 tỷ đồng qua biên giới. Số lượng hàng hoá phục vụ cho mùa hè như quần áo may sẵn, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động…,đang tăng nhanh theo mùa.

Dọc sông Ka Long-con sông tấp nập hàng buôn bán tiểu ngạch lúc nào cũng “ôm” trong mình hàng lậu tụ tập sẵn, khi thấy thuận lợi là chủ hàng lậu rẽ sóng qua bờ phía VN.

Chưa bốc được “thuốc” đặc trị

Theo các lực lượng CBL ở Móng Cái, tình trạng buôn lậu đang diễn biến rất tinh vi, có tổ chức. Một chuyến hàng lậu qua biên giới bây giờ có nhiều tầng canh gác, áp tải .

Ông Vũ Viết Khoa-Phó Chi cục trưởng HQ cửa khẩu Móng Cái cho biết: Thủ đoạn của bọn buôn lậu là tập kết sẵn hàng lậu-cắt cử người canh gác lực lượng CBL-chờ đêm tối để khuân vác ra xe chở vào nội địa. Do đó, rất nhiều lần CA hay lực lượng quản lý thị trường xuất quân đều bị các “chân rết” của bọn buôn lậu phát hiện và thông báo cho chủ hàng.

Thiếu tá Tân cho hay, có lần CA đã “nghi binh” đi từ biển vào mà vẫn bị bọn buôn lậu thông báo cho nhau, phá vỡ chuyên án. Đối với bọn buôn lậu có tổ chức đều sẵn sàng chống đối quyết liệt khi bị kiểm tra, thu giữ hàng hoá bằng các loại vũ khí dao, kiếm, bột ớt...

Với thực trạng này, lực lượng CBL có lúc đã phải đối đầu, đổ máu. Dạng đối phó khác rất đáng nói của bọn buôn lậu là: thuê phương tiện tàu thuyền của ngư dân, trẻ em vận chuyển hàng lậu, nếu bị bắt, trùm buôn lậu chỉ bị mất hàng và vô sự. 

Theo Ban chỉ đạo 127 Móng Cái, khó “điều trị” đối tượng buôn lậu nhất là các đối tượng vận chuyển hàng lậu thành lập doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH có chức năng xuất nhập khẩu qua đó “núp bóng” quay vòng hoá đơn, chuyển hàng lậu vào VN.

Theo các cơ quan chức năng, nếu xử lý DN buôn lậu thì có nhiều quy định vướng đến quyền tự do đăng ký, kinh doanh. Còn nếu chỉ đơn thuần xử lý DN buôn bán hoá đơn thì họ lại tiếp tục buôn lậu. Với chống buôn bán tiền giả khó khăn còn nhiều hơn.

Theo thiếu tá Tân, trước kia, để bắt vụ buôn tiền giả, CA được sử dụng một khoản tiền “mồi” (tiền thật để trao đổi với bọn bán tiền giả) để phá án. Đến nay, cơ chế này không còn nữa, chống buôn bán tiền giả ở biên giới như bị lùi bước, nửa vời…

Vận chuyển, tiêu thụ tiền giả ở Lạng Sơn

Tại Lạng Sơn, lợi dụng các đường mòn, ngõ tắt đồi núi biên giới, thêm nữa lợi nhuận buôn bán tiền giả rất cao (18 ngàn đồng tiền thật đổi được 100 ngàn tiền giả) nên một số kẻ xấu vẫn liều lĩnh buôn bán vận chuyển tiền giả qua biên giới như ở khu vực Na Hình (thuộc huyện Văn Lãng), Hang Dơi (Tân Thanh - Văn Lãng) và đường mòn 05-06 thuộc huyện Cao Lộc…

Trong năm 2004 có tới hàng chục vụ buôn bán tiền giả qua đường biên đã bị ngăn chặn; riêng lực lượng Biên phòng tỉnh LS đã bắt giữ và xử lý 36 vụ/49 đối tượng, thu giữ 1,2 tỷ tiền VN giả và 1.100 nhân dân tệ giả, trong đó nhiều vụ có số lượng tiền giả lớn hơn 50 triệu đồng. Cuối năm 2004, Toà án ND tỉnh LS đã xét xử nhiều vụ vận chuyển tiền giả qua biên giới, có tháng xử đến 4-5 vụ.

Nhiều hình phạt cao đối với loại tội phạm này song gần như bọn chúng vẫn không "chùn bước". Có chăng là bọn buôn tiền giả đã ngày một tinh vi, thay đổi liên tục phương thức vận chuyển và thủ đoạn cất giấu như: Thay đổi quần áo khi từ bên kia biên giới về VN, chuyển đổi người trên đường đi hoặc lợi dụng một số dân bản địa để vận chuyển “hàng” qua các vị trí kiểm soát của Bộ đội BP, cất giấu tiền giả và đồ ăn, đồ dùng cá nhân của phụ nữ…

Một số đối tượng vận chuyển tiền giả là những hạng người khá "bất hảo" như:  Ngô Văn Chấp (sinh năm 1971) trú quán tại Khu Dây Thép - TT đồng đăng trước khi phạm tội vận chuyển tiền giả đã có tiền án về tội giết người; Nguyễn đức Thuận (sinh 1959), trú quán tại Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã có tiền sự về tội đánh bạc; Đặng Thị Hưng (sinh năm 1987), quê tại Thiệu Lý, Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có tiền sự là gái mại dâm v.v…

Năm 2005 tình hình buôn bán tiền giả có vẻ lắng dịu đi chút ít song tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 3/1, Đồn BP Tân Thanh bắt quả tang Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1980 tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) thu được 6 triệu đồng tiền giả.

Trước đó, ngày 1/1 tại Hang Dơi, các ngành chức năng cũng đã bắt Cấn Văn Nho (huyện Phúc Thọ, Hà Tây) vận chuyển 50 triệu tiền giả… Điều đáng ngại là việc mua bán tiền VN giả và NDT giả ở chợ bên kia biên giới diễn ra một cách công khai, dễ dàng mua bán như đi chợ.

Có thể còn nhiều vụ buôn bán tiền giả mà chúng ta chưa ngăn chặn được đang trôi nổi trên thị trường vùng biên và nội địa. Chính vì vậy mà ở chợ Đông Kinh, LS đã có nhiều vụ tiêu thụ tiền giả đã bị phát giác, điển hình như ngày 31/1 đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng đang tiêu thụ số tiền lớn Polime giả loại mệnh giá 50 ngàn đồng… Điều đáng nói là nhiều người khi bắt được kẻ tiêu thụ tiền giả đã ngại gọi cho các ngành chức năng vì… sợ bị gọi hỏi nhiều, làm mất thời gian và công sức.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.