Chỉ vài năm trước thôi, điệp khúc “Hà Nội tắc” trở thành nỗi ám ảnh với bất cứ công dân thủ đô nào, là hình ảnh không đẹp trong con mắt du khách, nhà đầu tư khi tới Hà Nội. Con số 124 điểm thường xuyên ùn tắc, được bao trong một quả bóng hơi, hạ nhiệt chỗ này lại bỏng giãy ở chỗ kia. Đến nay, sự thay đổi của giao thông Hà Nội khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, đường đã thông, tai nạn đã giảm, những điểm nóng về ùn tắc đang từng bước được xóa bỏ. Điều đáng quý là ý thức tham gia giao thông của người dân đã có những cải thiện rõ rệt. Đây được coi là tiền đề quan trọng để Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại và bền vững.
Vận tải hành khách công cộng là đòn bẩy
Nếu 5 năm trước đây trên đường Hà Nội xe máy, đặc biệt là xe đạp thường chiếm số lượng lớn. Tốc độ chậm, chở được ít khiến cho giao thông di chuyển nhanh. Do lượng phương tiện bị kìm chân nhau dẫn đến ùn tắc khắp nơi trên đường. Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm nhìn lại đường phố Hà Nội hầu như đã vắng bóng xe đạp, tham gia giao thông trên đường chủ yếu là xe máy, ô tô và xe buýt công cộng. Lưu thông nhanh, chở được nhiều người và văn minh đã làm cho đối tượng tham gia giao thông bằng xe đạp như HSSV, người có tuổi chuyển sang đi xe buýt.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, thời điểm trước năm 2008 và đến nay mỗi năm xe buýt tăng 30 đến 40% số lượng khách. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ năm 2008, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đã được Thành ủy và UBND TP chú trọng phát triển và đến nay đã có những tăng trưởng vượt bậc. Từ 10 đến 20 tuyến ban đầu, đến nay xe buýt Thủ đô đã 89 tuyến, vận chuyển được 504,1 triệu lượt hành khách/năm. “Hàng năm mạng lưới tuyến buýt luôn được điều chỉnh hợp lý hóa, cải thiện điều kiện vận hành, mở rộng vùng phục vụ đặc biệt là khu vực các huyện ngoại thành như Mê Linh, Ba Vì, Mỹ Đức… Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người đi xe buýt luôn được trú trọng”, giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhấn mạnh.
Cùng với đó, vận tải hành khách liên tỉnh cũng được chú trọng. Đến nay VTHK liên tỉnh của Hà Nội đã kết nối đến hầu hết các tỉnh thành trên cả nước với khối lượng vận chuyển năm khoảng 61 triệu lượt/năm. Hệ thống bến xe cũng bố trí hợp lý khi các bến chủ đạo như Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm… được sắp xếp, quy hoạch lại. Taxi cũng đang là loại hình vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và phát triển khá nhanh. Vừa qua thành phố cũng đã phê duyệt Đề án Quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 để có hướng phát triển loại phương tiện này. Tuy nhiên, loại hình này do tư nhân đầu tư nên trong quá trình hoạt động đã xảy ra tình trạng taxi dừng, đỗ không đúng nơi quy định, phóng nhanh vượt ẩu, chất lượng xe và thái độ phục vụ chưa tốt… Lực lượng liên ngành, chủ công là Sở GTVT Hà Nội đang tăng cường nhiều công tác quản lý như dán phù hiệu riêng, đẩy mạnh thanh tra, xử lý các vi phạm.
Cầu vượt, phân luồng làm đổi thay diện mạo
Để giải quyết ùn tắc, ngành giao thông vận tải Thủ đô ông Viện cho biết, trong mấy năm qua đã triển khai nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông như: Đẩy mạnh cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng; Phân luồng, phân làn phương tiện; xây dựng cầu vượt kết cấu thép; điều chỉnh giờ học, giờ làm việc và giờ kinh doanh trên địa bàn; điều tiết hoạt động taxi, xe tải; tăng tần suất hoạt động xe buýt, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bổ sung đèn tín hiệu giao thông, xử lý điểm đen…
Công tác phát triển hạ tầng giao thông cũng được Sở GTVT chú trọng, hiện đã và đang triển khai xây dựng các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và nghiên cứu triển khai một phần đường Vành đai 4; các tuyến QL và trục đường hướng tâm như QL 32, QL1, QL3, QL 5, QL 6, và một số đường cao tốc trên địa bàn... Đặc biệt đã và đang triển khai, đưa vào sử dụng 7 cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao thông có mật độ giao thông cao.
Việc đưa vào sử dụng công trình cầu vượt kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông; tổ chức giải tỏa chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; chỉnh trang đô thị đồng bộ các tuyến giao thông; phân làn, tách dòng phương tiện... đã làm thay đổi tình hình giao thông thủ đô.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội cũng đã được lập xong (Quy hoạch này không phải do HN lập) với 8 tuyến (305,6 km), 2 tuyến buýt nhanh (94 km); đang thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội); phê duyệt dự án khả thi tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đang lập dự án đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình.
Kết quả sau 5 năm hợp nhất, thành phố Hà Nội đã đầu tư hoàn thành các tuyến đường với chiều dài khoảng 372 km (0,11 km/km2 ), tăng 2,3%; nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị tăng từ 7% lên 8,15%. Tình hình ùn tắc, TNGT có những chuyển biến tích cực, nếu trước đây số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc là 124 điểm giờ chỉ còn khoảng 50 điểm. Tình hình TNGT trên địa bàn hàng năm đều giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm trước. Nếu các năm trước số vụ TNGT bình quân hàng năm là 1.100 vụ (trong đó có 868 người chết, 438 người bị thương) thì trong các năm vừa qua đã giảm xuống còn khoảng 700 vụ (trong đó 300 người chết và 150 người bị thương), bình quân giảm trên 30%.
Chia sẻ về những định hướng của ngành thời gian tới, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho rằng, những kết quả bước đầu là tiền đề tốt để Sở tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm phát triển kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách khối lớn. Bên cạnh cầu vượt thép là việc hoàn thiện nhanh các tuyến đường vành đai, đặc biệt là vành đai 2 và 2,5.
Các trục đường hướng tâm và trục xương cá tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Trong lĩnh vực vận tải công cộng, ngay trong một hai năm tới sẽ đưa tuyến buýt nhanh khối lượng lớn đầu tiên vào hoạt động. Tiếp đó là tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ hoàn thành năm 2015. Về dài hạn, trong 5 đến 10 năm tới nhiều tuyến đường sắt đô thị đang được triển khai và chuẩn bị đầu tư sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ làm chuyển biến căn bản tình hình giao thông của Thủ đô.