Ứng viên tổng thống Rick Perry vận động tranh cử ngày 11-1 tại Nam Carolina. Ảnh: Reuters. |
Cái mới trong cuộc tranh cử năm 2012 là sự xuất hiện của các siêu ủy ban hành động chính trị (PAC). Cho tới trước khi PAC ra đời, các ủy ban hỗ trợ truyền thống có nhiệm vụ quyên góp quỹ cho ứng cử viên. Luật Mỹ trước đó quy định mỗi cá nhân chỉ được quyên góp tối đa 5.000 USD cho mỗi ứng viên tổng thống, 2.500 USD cho bầu cử sơ bộ và nửa còn lại cho bầu cử chính thức.
Thế nhưng, nhân danh quyền tự do tư tưởng được đảm bảo bởi Hiến pháp Mỹ, Tòa án tối cao Mỹ năm 2010 đã đưa ra phán quyết cho rằng những giới hạn này chỉ có thể được áp dụng trong khuôn khổ cuộc tranh cử chính thức. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân được tự do đầu tư tiền cho ứng cử viên nào mình thích và chọn lựa.
“Nó giống như một cách đi vòng qua quy định” - học giả Michael Malbin thuộc Viện Tài chính vận động cho biết. Bởi về cơ bản, các cá nhân không góp tiền trực tiếp cho các ứng viên. Các PAC cũng không phải công bố tên những người đóng góp.
Giới hạn duy nhất dành cho PAC là phải độc lập và không được có bất cứ mối liên quan nào đến các chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều được điều hành bởi cựu nhân viên thân cận của các ứng viên.
Trong vài tháng qua, nhiều khoản đóng góp triệu đô đã được rót cho các PAC. Tỉ phú Sheldon Adelson, ông chủ của hàng loạt sòng bài ở Las Vegas và Macau, đã hào phóng tặng tấm sec 5 triệu USD cho PAC “Giành lấy tương lai “(Newt Gingrich).
Ông Ed Conard, một quan chức cấp cao và cựu đồng nghiệp của ứng viên Mitt Romney tại Tập đoàn Bain Capital, đã tặng 1 triệu USD cho PAC “Khôi phục tương lai của chúng ta” (Romney). Ông Jeffrey Katzenberg, tổng giám đốc điều hành Hãng phim DreamWorks Animation, tặng 2 triệu USD cho PAC “Các ưu tiên của nước Mỹ “(Barack Obama)...
Cuộc chiến giữa các PAC
Với số tiền khổng lồ từ “những người bạn triệu phú”, các PAC đang tạo nên cuộc chiến truyền thông song song với cuộc đua của các ứng viên tổng thống. Đến nay, tổng cộng hơn 19 triệu USD đã được các PAC chi cho các chiến dịch quảng bá, quảng cáo và trò bôi nhọ đối thủ... Dự kiến đến cuộc tổng bầu cử vào tháng 11-2012, các PAC sẽ chi hơn 100 triệu USD.
Mạnh tay nhất, theo kênh NBC, là PAC của ông Romney với 7 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo rầm rộ tại Florida, Iowa, Nam Carolina. Tiếp đó là PAC “Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại” của ứng viên Rick Perry (Texas) với 3,8 triệu USD và PAC “Định mệnh của chúng ta” của ứng viên Jon Huntsman với 2,5 triệu USD.
PAC đứng đằng sau ông Gingrich mới đây đã tung tiền mua đoạn phim chỉ trích ông Romney “nhẫn tâm hơn cả Phố Wall” nhằm hạ thấp uy tín của đối thủ tại Nam Carolina.
Dưới những cái tên vô hại này, các PAC đang tiến hành những cuộc chiến ác liệt, không chút khoan nhượng. Trong hai tuần qua, tại bang Iowa và New Hampshire đã tràn ngập các quảng cáo, biểu ngữ với những lời lẽ ác độc nhằm hạ uy tín của ứng cử viên này hay ứng cử viên khác.
Do quy định về sự độc lập giữa PAC và các ứng viên, các chính trị gia được hưởng lợi từ các quảng cáo tiêu cực nhằm bôi nhọ lẫn nhau này, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm về hậu quả.
Do thời hạn công bố danh sách những người đóng góp kéo dài đến cuối tháng 1-2012, tức sau bốn cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, cử tri Mỹ lại cũng không thể biết được ai đã trả tiền cho các mẩu quảng cáo tràn ngập trên tivi trong thời gian đó.
Những trung gian tham nhũng
Sự bùng nổ của các PAC đang gây nên lo ngại về những tác động tiêu cực lên cuộc bầu cử. Không chỉ góp phần trong các cuộc tranh cử tổng thống, các PAC này cũng tham gia cuộc đua vào quốc hội.
Giới nhà giàu, các tập đoàn và tổ chức không chỉ đơn giản rót tiền cho những người bạn cần sự giúp đỡ để tranh cử, mà còn có mục đích rõ ràng là gây ảnh hưởng đến lá phiếu.
Sự ủng hộ hào phóng có thể được đền đáp xứng đáng sau khi các ứng viên đắc cử. “Liệu ông Gingrich có cảm thấy mình mắc nợ ông tỉ phú Adelson? Nguy cơ tham nhũng cũng lớn tương đương tấm sec của những người ủng hộ” - báo Washington Post nhận định.
Trong khi đó, Tổ chức Democracy 21 gọi các PAC là “những quái thai” của nền dân chủ, bởi các PAC này đứng đằng sau các ứng viên tổng thống lại là “các trung gian tham nhũng đầy nguy hiểm trong nền chính trị Mỹ”.
TRẦN PHƯƠNG
theo Tuổi Trẻ