Tiềm năng tăng trưởng của Đông Nam Á đang yếu dần

Kinh tế Singaopore đang bị ảnh hưởng do lực lượng lao động giảm sút. Ảnh: Reuters
Kinh tế Singaopore đang bị ảnh hưởng do lực lượng lao động giảm sút. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu, kinh tế Trung Quốc mất đà và chính sách tiền tệ bất ổn của Mỹ, những dự đoán về Đông Nam Á dường như khá lạc quan, nhưng theo Economist, thực chất đó chỉ là bề nổi.

Trong 10 quốc gia thuộc khu vực này, chỉ có Brunei là đang gần chạm mốc suy thoái. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP Đông Nam Á sẽ vượt qua mức 4,4% năm ngoái, lên 4,5% năm nay và 4.8% năm 2017.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, những số liệu này dường như quá lạc quan. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chứng kiến một loạt sự bất ổn trong năm nay, và dòng vốn nước ngoài đang rút đi nhanh chóng.

Hai nền kinh tế "khỏe mạnh" nhất trong khu vực là Việt Nam và Philppines đều có dân số trẻ và ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7%, chủ yếu nhờ giá cả xuất khẩu cạnh tranh. Tốc độ này ở Philippines cao hơn một chút nhờ ngành dịch vụ tốt. Đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng cũng đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở hai quốc gia này.

Tuy nhiên, trong tương lai, mọi thứ sẽ không diễn ra dễ dàng như thế nữa. Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do thương mại toàn cấu yếu, trong bối cảnh Chính phủ phải xử lý các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Thế mạnh của Philippines - các trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại (phục vụ thị trường trong và ngoài nước) - sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các phần mềm tự động.

Trung Quốc tăng trưởng chậm và nhu cầu hàng hóa tại đây sụt giảm đã khiến Indonesia và Malaysia rơi vào tình trạng rất khó khăn. Các loại hàng hóa (như than đá, dầu cọ và quặng nikel) chiếm ba phần năm xuất khẩu của Indonesia. Với hy vọng thúc đẩy đầu tư, Chính phủ nước này thông báo sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%. Dù vậy, những động thái trên sẽ phải mất vài năm mới có thể phát huy tác dụng. Tổng thống Joko Widodo khi nhậm chức năm 2014 đã cam kết sẽ đưa tăng trưởng kinh tế quay lại mức 7%. Tuy nhiên, điều này dường như khá vô vọng, bất chấp các kế hoạch tăng chi vào cơ sở hạ tầng.

Malaysia hiện là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Á. Họ không chỉ chịu sức ép từ giá hàng hóa đi xuống, mà còn từ scandal tham nhũng của Thủ tướng Najib Razak. Hai động thái trên đã khiến đồng ringgit lao dốc.

Dầu mỏ đóng góp 20% xuất khẩu của Malaysia. Nhưng giá dầu đã giảm 60% so với đỉnh cách đây hai năm. Việc đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị điện tử đã phần nào bù lại sự thiếu hụt nguồn thu từ dầu mỏ. Tăng trưởng GDP được dự báo trung bình dưới 5% mỗi năm cho đến năm 2018.

Quản lý yếu kém cũng ảnh hưởng đến Thái Lan. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của nước này  khá chậm chạp (2,8%), nhưng vẫn hơn mức ảm đạm dưới 1% năm 2014, sau khi Tướng Prayuth Chan-ocha lãnh đạo một cuộc đảo chính và nhậm chức thủ tướng. Đến nay, nhu cầu trong nước đã hồi phục, và khách du lịch đang quay trở lại. Tuy nhiên, sự bất ổn về chính trị chắc chắn sẽ là một yếu tố cản trở cả đầu tư trong và ngoài nước. Nếu các dự án cơ sở hạ tầng diễn ra suôn sẻ, rất có thể tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng kinh tế trước mắt, các vấn đề dài hạn nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Vấn đề nghiêm trọng nhất là lực lượng lao động giảm sút và tỷ lệ sinh đi xuống, đặc biệt là ở Thái Lan và Singapore. Một vấn đề khác là tăng trưởng năng suất lao động ngày một chậm dần.

Nhưng những bước nhảy vọt tiếp theo sẽ khó khăn hơn nhiều, và còn phụ thuộc vào trình độ giáo dục của nhiều người trẻ, sự linh hoạt hơn của thị trường lao động, sự nâng cấp của công nghệ và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ.

Đây là những điều kiện khá khó khăn. Trên thực tế, theo ADB, tiềm năng tăng trưởng của Đông Nam Á đã giảm hơn 2% mỗi năm từ sau giai đoạn 2006 – 2010. Tăng trưởng sẽ khó lặp lại như một thập niên trước nếu không có những bước nhảy vọt. 

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG