Tiêm chủng và án tù

TP - Một phụ nữ Mỹ vừa bị phạt tù vì không cho con tiêm chủng. Vụ án bé xíu làm hiển lộ một điều đáng suy nghĩ về cách thức lập pháp và thực thi công lý theo hướng ủng hộ cái tiến bộ, vừa đảm bảo ổn định xã hội vừa vẫn tôn trọng các ý kiến khác, quan điểm khác.

Hôm 4/10, Rebecca Bredow ở bang Michigan nhận án bảy ngày tù ngồi do không chấp hành phán quyết đưa đứa con trai chín tuổi đi tiêm. Lạ ở chỗ án phạt ban ra do bị cáo không thực hiện lời hứa với chồng cũ quanh chuyện phòng bệnh cho con chung.

Năm 1796, lần đầu tiên, bác sỹ người Anh Edward Jenner dùng vaccine chặn được bệnh đậu mùa trên một số bệnh nhân. Từ đó trở đi, tiêm chủng và lợi ích của nó gần như hiển nhiên. Không may các ý kiến phản đối xuất hiện như rươi mấy năm qua với lý do vaccine có thể gây các vấn đề như tự kỷ chẳng hạn. Mạng xã hội làm cho nó lan nhanh ở nhiều quốc gia, trở thành trào lưu với bộ phận không nhỏ người tán thành.

Trước tình hình đó, thay vì ban hành luật tiêm chủng bắt buộc toàn quốc, chính quyền liên bang cho 50 bang tự đề ra cách ứng phó. Bang Michigan tuyên “các phụ huynh được phép bỏ qua hoặc trì hoãn cho con tiêm vaccine vì các niềm tin cá nhân” song vẫn có cách bênh vực lẽ phải.

Bredow quyết không cho con trai tiêm trong khi cha của bé thì ngược lại. Giành quyền nuôi con khi hai người chia tay, để đỡ rắc rối, Bradow hứa đáp ứng nguyện vọng của người không còn là chồng từ 2008. Cam kết mãi chẳng thành hiện thực. Lúc này, toà có cớ can thiệp, buộc cô nói lời phải giữ lấy lời. Coi thường chồng cũ, Bradow khinh luôn cả toà. Tuần sau, cô nhận “thất nhật tù thiên thu tại ngoại”. Logic tiếp theo, chồng cũ được quyền trông con, đồng nghĩa nó sẽ được tiêm.

Đây không phải lần đầu một phụ huynh bị câu lưu với lý do tương tự. Tất nhiên không có luật nào bịt hết lỗ hổng khi không thiếu những người có tư tưởng như Bredow. Năm 2015, bang California từng hứng dịch sởi kéo dài 40 ngày với 130 ca mắc vì sự lấn lướt của phong trào bài vaccine.

Dẫu sao, vụ án nhỏ kia cũng để lại bài học không nhỏ từ góc độ nhà nước pháp quyền. Nội dung luật tốt mấy cũng chỉ là tiền đề. Cách thực thi quan trọng hơn cả. Nó còn cho thấy dường như chính quyền có thể thực hiện cùng lúc hai chức năng cơ bản, không ngăn các quan điểm đối lập mà vẫn bảo vệ một cách hiệu quả xu thế tiến bộ được số đông chấp nhận.