Tiếc nhớ Nguyễn Trọng Tạo

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
TPO - Đông đảo bạn bè văn hữu đã đến đưa tiễn chia tay người tài hoa Nguyễn Trọng Tạo và dành những đánh giá rất cao về sự nghiệp của ông trong buổi sáng 9/1 ở nhà tang lễ quốc gia phố Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Tiếc nhớ

Sinh thời Nguyễn Trọng Tạo hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật nên sáng 9/1 trời mưa và rét nhưng rất đông người đến chia buồn với gia đình và tiễn biệt ông.

Họ ở các ngành giới nghệ thuật, giới chính trị và doanh nghiệp. Bạn bè và người yêu thơ yêu nhạc. Đồng hương Nghệ An. Được biết nhiều người thân sơ từ quê nhà Nghệ An đã túc trực suốt mấy ngày qua từ khi nhà thơ trở nặng khó qua khỏi.

Giới chính trị ví dụ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Giới sân khấu điện ảnh như NSND Lê Chức, Lê Tiến Thọ, Nguyễn Hải), Đồng Thu Hà, Thanh Loan. Ca sĩ: Tùng Dương, Thái Thùy Linh…Đông nhất vẫn là văn giới, đều tỏ đau xót tiếc thương một người đa tài sớm ra đi khi sự nghiệp vẫn còn dang dở.

Nhạc sĩ Phú Quang người phổ thành công bài thơ “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo thành ca khúc “Một dại khờ một tôi” viết trong sổ tang: “Thương Tạo quá, Tạo ơi”. Còn nhà báo Nguyễn Phan Khuê thay mặt gia đình “tỏ lòng thương tiếc “người đã chắp cánh cho bài hát Làng quan họ quê tôi trở thành một bài hát đi vào lòng người”. Anh Khuê là con trai nhà văn Nguyễn Phan Hách- tác giả bài thơ Làng quan họ quê tôi được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc.

Nguyễn Trọng Tạo có ba người con. Năm ngoái ông bị tai biến tưởng qua khỏi, sau đó lại phát hiện ung thư phổi di căn lên não khiến sức khỏe nhanh chóng xấu đi cho đến 18h50 tối 6/1 thì vĩnh biệt cuộc đời.

Trong danh sách Ban lễ tang, người ta thấy những cái tên quan trọng như: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân…

Đánh giá cao

Ở đám tang Nguyễn Trọng Tạo, một số nhà văn nhà thơ đã chia sẻ với Tiền Phong những đánh giá của mình về nhạc sĩ nhà thơ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo.

Theo Trần Đăng Khoa: Nguyễn Trọng Tạo nổi bật nhất là âm nhạc. Nguyễn Trọng Tạo đã in rất nhiều thơ còn nhạc thì không nhiều nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết ông đánh giá cao nhất Nguyễn Trọng Tạo về nhạc, “cách một quãng xa mới đến thơ và những thứ khác”.

Trần Đăng Khoa nói: “Ai bảo Nguyễn Trọng Tạo viết nhạc ít? Anh Tạo đâu chỉ có Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê mà còn Đôi mắt đò ngang, Lên Cao Bằng, Non nước Cao Bằng.

Đặc biệt, Trần Đăng Khoa nhớ lại: Gần ba chục năm trước trong cuộc thi sáng tác quốc ca tầm cỡ nhà nước, có 17 tác phẩm vào chung khảo thì một là của Nguyễn Trọng Tạo. “Làm được như vậy có phải dễ đâu”- anh Khoa nói.

Trần Đăng Khoa còn khai triển thêm về đề tài quốc ca: “Hồi đó chọn được 17 ca khúc để xin ý kiến của dân. Mà đã xin ý kiến dân thì tất cả sẽ thất bại, không ai thắng được Văn Cao. Quốc ca của Văn Cao nó thắng bất cứ ca khúc dự thi nào,bởi vì còn nhờ vào những cái ngoài quốc ca, đó là kỷ niệm của người nghe. Nếu để người nước ngoài -những người không có kỷ niệm gì chấm thi- thì có khi sẽ khác”.

Trần Đăng Khoa đánh giá cao các bài thơ Đồng dao cho người lớn, Tản mạn thời tôi sống …nhưng vẫn khẳng định thơ Nguyễn Trọng Tạo lui hẳn phía sau âm nhạc của ông. “Nhạc Nguyễn Trọng Tạo có vị trí riêng hẳn hoi,trong âm nhạc”.

Trần Đăng Khoa cho biết anh rất hiểu Nguyễn Trọng Tạo, sống với Nguyễn Trọng Tạo từ năm 1976 khi học lớp viết văn Nguyễn Du. Trong trí nhớ của anh, người đầu tiên hát Làng quan họ quê tôi là ca sĩ Kim Phúc sinh viên trường Âm nhạc. “Mới ngày nào tôi vào thăm anh, nghĩ biết đâu có thể qua được. Người đa tài như thế rất hiếm, luôn hiếm, sự ra đi này thực sự đáng tiếc”. Anh Khoa nói.

Nhà thơ Bằng Việt thì chia sẻ về “một con người nhiều trăn trở, có trách nhiệm với cuộc đời”.

Ông Bằng Việt kể: “Tôi nhiều lần rong chơi, uống bia với Nguyễn Trọng Tạo, là bạn rượu của Tạo và Thụy Kha. Anh Tạo rất ham chơi nhưng sức làm việc đáng nể, nên việc ra đi của anh khiến nhiều người bất ngờ, đau đớn. Hồi tôi mới ở chiến trường ra, năm 1972 đọc bài thơ Thơ tình người đứng tuổi thấy rất đồng cảm. Sau này thích nhiều bài khác của anh, trong đó bài Chia cho thấy chất nghệ sĩ rất cao, nói rất thật về mình và nói hộ người khác, rằng cuộc đời này cũng chả có gì ghê gớm, là cuộc chơi mà thôi. Nhiều thơ của anh Tạo, cấu tứ độc đáo, biểu hiện chiều sâu của một con người nhiều trăn trở, có trách nhiệm với cuộc đời”.

Nhà thơ Anh Chi, tác giả cuốn sách Đường đời đường văn viết chân dung nhiều nhà văn đương thời, đánh giá Nguyễn Trọng Tạo thực sự là nhà thơ và nghệ sĩ lớn. Và là một trong số ít người viết về thứ dân rất hay.

Ông Anh Chi nói: “Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Trọng Tạo phản ánh được số phận riêng của Nguyễn Trọng Tạo và cả những người cùng trang lứa. Anh Tạo có một sức sáng tạo rất dồi dào. Viết về thứ dân rất hay. Cả thơ và nhạc Nguyễn Trọng Tạo đều thiên về viết ngày thường đời thường, dòng chảy rơm rác…một cách đầy trách nhiệm, nên nhận được sự đồng cảm của người đọc người nghe.

Thơ hay Nguyễn Trọng Tạo có nhiều bài: Tự sự những ngày thường, Đồng dao cho người lớn, Không đề. Thơ tình cũng hay, như bài Chia. Anh Tạo cũng là người rất thông minh trong cấu trúc báo chí, ví dụ thành công khi làm báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhạc Nguyễn Trọng Tạo có mấy bài rất nổi tiếng nhưng không thể hơn thơ được. Trong việc để lại cái tôi cá nhân, cái tôi trữ tình thì thơ Nguyễn Trọng Tạo đạt hơn hẳn”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đặc biệt đánh giá đóng góp của Nguyễn Trọng Tạo trong thời gian làm tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Theo Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Trọng Tạo rất tài hoa đồng thời cũng rất đôn hậu, quan hệ tốt nên đã tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ viết bài cho Hội. “ Là một nghệ sĩ tự do sáng tạo nên tác phẩm Nguyễn Trọng Tạo có chiều sâu. Anh ấy lại có nhiều bạn tốt, được nhiều nghệ sĩ, người dân kể cả doanh nhân rất yêu mến nên mất mát này thực sự lớn”.

Nhạc sĩ nhà báo Nguyễn Thụy Kha là người thân nhất với Nguyễn Trọng Tạo. Trong đám tang, ông phân tích cái hay của Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê và kể chuyện cuối đời của người mà ông gọi là “bạn thiết”. Thụy Kha tiễn biệt bạn bằng mấy dòng thơ: Người lãng du đã dừng bước phiêu du/Suốt một đời giang hồ lang bạt/Thôi chào nhé bốn mươi năm gắn chặt/Chợt một ngày mưa cách biệt âm dương.

MỚI - NÓNG