Tích nước xả lũ, hạ du khốn đốn

Thủy điện sông Tranh 2 xả lũ ngày 7-11. Ảnh: Nguyễn Thành
Thủy điện sông Tranh 2 xả lũ ngày 7-11. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Hạ nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) mênh mông nước bởi trận lũ bất thường, lên nhanh rút chậm khiến hàng ngàn dân vùng trũng khốn đốn.

> Miền Trung: Thủy điện, thủy lợi đồng loạt xả lũ
> Nhiều người chết, hàng trăm ngàn học sinh nghỉ học vì lũ

Tới chiều qua (9-11), riêng Quảng Nam đã có 19 người chết và mất tích, tổng thiệt hại hơn 50 tỷ đồng. Câu chuyện góp lũ của các nhà máy thủy điện tiếp tục đưa ra mổ xẻ.

Thủy điện sông Tranh 2 xả lũ ngày 7-11. Ảnh: Nguyễn Thành
Thủy điện sông Tranh 2 xả lũ ngày 7-11. Ảnh: Nguyễn Thành.
 

Trận lũ bất thường

Ông Nguyễn Duy (thôn Cẩm Toại Trung - xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng), năm nay đã gần 80, cả đời sống dưới hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, nhận xét: Thông thường, nếu không có thủy điện tích nước, mưa tự nhiên nước sẽ về chậm, sau đó lũ lên cũng sẽ rút nhanh. Nhưng khi các nhà máy thủy điện (NMTĐ) tích nước, đồng loạt xả khi mưa lớn, tốc độ sẽ nhanh hơn.

“Những năm gần đây, khi các NMTĐ hình thành, lũ tàn phá ghê gớm hơn. Tôi không biết cao trình thấp trình, điều tiết lũ là gì, nhưng cứ tích nước rồi xả kiểu này hạ du còn ngập dài”, ông Duy nói.

Ông Nguyễn Văn Sanh, người dân xã Quế Xuân 2, (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), cho biết: “Nước lên lúc nửa đêm, lên nhanh khiến dân không kịp trở tay. Nước lũ lên nhanh nhưng xuống rất chậm. Chúng tôi chỉ nghe nói là thủy điện xả lũ nhưng không biết cụ thể thế nào. Trận lũ này rất bất thường”.

Theo thống kê, Quảng Nam mưa không lớn bằng những trận lũ lịch sử trước, nhưng đây lại là địa phương thiệt hại lớn. Tới chiều qua, 9-11, đã có 19 người chết và mất tích, tổng thiệt hại hơn 50 tỷ đồng. Khoảng 76 xã, phường với 73.000 nhà dân bị ngập nước, tập trung tại huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An, Nông Sơn, trong đó có khoảng 55.700 hộ bị ngập sâu từ nửa mét trở lên.

Độc quyền xả lũ?

Công văn số 112 ngày 7-11 của UBND huyện Nông Sơn (Quảng Nam) cho hay, lượng mưa từ 19h ngày 6-11 đến 19h ngày 7-11 là 356 mm. Mưa to kết hợp với lưu lượng nước xả lũ tại hồ thủy điện Sông Tranh 2 (3.500 - 5.000 m3/s) đã làm cho mực nước sông Thu Bồn tăng nhanh gây ngập lụt hầu hết tại các xã trên địa bàn huyện.

Nước lũ lên nhanh tại huyện Nông Sơn khiến người dân không kịp trở tay. Đến 21h ngày 7-11, UBND huyện Nông Sơn mới có công điện khẩn về việc xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2, thông báo xả lũ trên đài truyền thanh huyện, lúc này nước lũ đã dâng cao.

Vậy thủy điện Sông Tranh 2 ngoài việc xả lớn (3.500 - 5.000m3/s) thì phối hợp thông báo kiểu gì?. Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: Việc thủy điện xả lũ đã gây tình hình lũ lụt trên địa bàn trở nên phức tạp. Nước lên rất nhanh, trong khi đó thời gian nước rút lại rất chậm. Đây là điều khó khăn nhất cho huyện Nông Sơn trong việc ứng phó với bão lũ.

Thủy điện Sông Tranh 2 thông báo xả lũ qua trạm thủy văn, trạm thủy văn thông báo lại cho huyện khiến công tác chỉ đạo đối phó lũ của huyện phải phụ thuộc vào trạm thủy văn.

Ông Thân Đức Sửu - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn nhận định: “Việc lũ lên nhanh, xuống chậm do xây dựng đường, quy hoạch xây dựng công trình và xả lũ của thủy điện. Địa phương chỉ nghe nói là có xả lũ nhưng cụ thể xả thế nào, lưu lượng bao nhiêu, khi nào xả thì huyện không hề biết. Việc này nằm ở tầm của tỉnh”.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, qua theo dõi số liệu thì đúng là các NMTĐ đã xả đúng quy trình trong trận lũ vừa qua. Nghĩa là nước về hồ bao nhiêu họ xả bấy nhiêu, xả theo lượng giảm dần.

Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh: Tôi không chắc con số họ đưa ra có chính xác hay không ? Ai kiểm chứng?. Chỉ có họ (NMTĐ - PV) biết với nhau, tỉnh không có quyền kiểm tra. Nhưng đợt lũ lên nhanh rút chậm vừa rồi là có phần thủy điện. Nước đang lên, họ tiếp tục xả thì thêm ngập, rút chậm là chắc rồi. Ông Quang cũng cho rằng, giá như thủy điện tính toán kỹ thời gian tích nước muộn hơn thì chắc chắn giảm thiểu lũ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.