Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Xuân Kỳ vừa có báo cáo kết quả công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
Theo báo cáo, trong lĩnh vực án hình sự, năm 2024, TAND hai cấp của TP Hà Nội thụ lý 9.647 vụ với 19.991 bị cáo, đã giải quyết 9.559 vụ với 19.533 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,09%. Riêng TAND TP Hà Nội giải quyết 863 vụ với 2.688 bị cáo theo trình tự thủ tục sơ thẩm; 1.193 vụ 1.863 bị cáo theo trình tự phúc thẩm.
Cùng với đó, TAND hai cấp của Hà Nội đã giải quyết 128 vụ với 390 bị cáo liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ; 709 vụ 972 bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 121 vụ 133 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục trẻ em…
Đáng chú ý, trong năm qua, TAND TP Hà Nội đã xét xử một số vụ án lớn, được dư luận quan tâm như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Việt Á. Đây là vụ đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) với mục đích được sản xuất, bán kit xét nghiệm thu lời bất chính đã cùng 37 bị cáo (cả những người có chức vụ cao) thực hiện nhiều hành vi vi phạm, làm thất thoát tiền Nhà nước.
Tiếp đó là vụ án xảy ra Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Chánh án TAND TP Hà Nội đánh giá vụ án này phức tạp, rất được dư luận quan tâm do liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 8.000 tỷ đồng của 6.630 bị hại là các nhà đầu tư mua trái phiếu.
Hay như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, với hơn 90.000 người được xác định là bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn) cùng 49 bị cáo bị truy tố về 4 tội danh khác nhau.
Trụ sở TAND TP Hà Nội. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chánh án TAND TP Hà Nội cũng nêu hạn chế khi hệ thống hai cấp tòa án của thành phố còn một số vụ án quá hạn; án hành chính dù giải quyết đạt tỷ lệ 51,73% (cao hơn năm 2023) nhưng chưa đạt chỉ tiêu 60% Quốc hội đề ra…
Nguyên nhân, lãnh đạo TAND TP Hà Nội cho rằng, lượng án mà TAND hai cấp của thành phố phải giải quyết tăng (mỗi năm tăng trung bình 5%), nội dung tranh chấp và hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, trong khi quy định của pháp luật chưa phù hợp hoặc bất cập, gây khó khăn cho công tác giải quyết. Nhiều vụ án bị quá hạn cũng do các cơ quan tổ chức chậm hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ.
Theo Chánh án Nguyễn Xuân Kỳ, hiện trụ sở của nhiều đơn vị Tòa án cấp huyện chật hẹp, xuống cấp, điều kiện làm việc thiếu thốn hoặc không được trang bị đồng bộ, nhất là trang thiết bị phòng phục vụ xét xử trực tuyến.
Một nguyên nhân khác do thiếu biên chế, số lượng án ngày một tăng nhưng trình độ Thẩm phán chưa đồng đều, một số Thẩm phán còn tư tưởng ngại khó sợ án bị huỷ sửa. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số vụ phức tạp bị để lâu, kéo dài.
Chánh án TAND TP Hà Nội đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư trang thiết bị làm việc; hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên, chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động.