Thuyết trình và phản biện trong giảng đường

Thuyết trình và phản biện trong giảng đường
Với phương pháp học này, giờ học về môi trường của lớp 07MT1D khoa Môi trường - Đại học Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh luôn được sinh viên háo hức chờ đợi.

Đầu năm học, giảng viên bộ môn Hóa học môi trường đưa ra 2 cách học: Giảng viên dạy, sinh viên ghi chép; Cùng nhau thảo luận trong lớp lấy điểm 20%. Ngay tức khắc, phương pháp thảo luận nhóm được 100% sinh viên ủng hộ.

85 sinh viên được chia thành 20 nhóm, với 20 chủ đề thời sự trong lĩnh vực môi trường mà không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều quan tâm: Mưa axit, các nguyên nhân và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường; Các dạng ô nhiễm đất - nước - không khí và hướng giải quyết; Hiệu ứng nhà kính và hệ quả của nó....

Đến tiết, mỗi nhóm được phân công lên dãy bàn đầu hướng xuống lớp trình bày 15 phút bằng Power point. Với chủ đề "Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước", nhóm sinh viên: Quốc Quân, Hồng Công, Phú Cát và Ngọc Cường trình bày khá sinh động. Thế nhưng, họ cũng chịu áp lực rất lớn phải trả lời các ý kiến phản biện từ giảng viên và các nhóm sinh viên khác trong lớp.

Hầu hết những câu hỏi đều xoáy sâu vào trọng tâm chủ đề, không bắt bí. Bạn Hà Hoàng Hiếu đặt câu hỏi: "Về mặt vi sinh, hiện tượng nhiễm bẩn nước bởi nước thải từ đâu là đáng lo ngại nhất, và vì sao?".

“Nguồn nhiễm bẩn nước bởi chất thải từ con người là nguy hại nhất. Bởi nhiều vi sinh vật gây bệnh đường ruột có nguồn gốc từ phân người được nước mang theo, lúc này nước là phương tiện lây lan bệnh...” - Hồng Công trả lời.

Không khí chất vấn mỗi lúc nóng dần lên bởi nhiều câu hỏi và trả lời mang tính thời sự, đề cập đến nhiều vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống...

Tự tin bảo vệ chính kiến

Tiết học kết thúc, "giá như thời gian kéo dài mãi để được cùng nhau thảo luận như thế này thì tốt quá" - Mỹ Thanh, sinh viên của lớp tiếc rẻ.

Thanh cũng hy vọng rằng, những môn học khác cũng có được cách dạy và học tương tự, vừa dễ tiếp thu bài, hiểu sâu và rộng hơn những vấn đề thời sự. Đặc biệt sẽ không còn căn bệnh trầm kha trong giới sinh viên là mơ màng, ngủ gật hoặc làm việc riêng trong giảng đường...

Lớp trưởng Văn Đức nói: “Những buổi học thuyết trình quả thật bổ ích, không những giúp sinh viên mạnh dạn mà còn biết cách bảo vệ chính kiến của mình".

Tiến sĩ Trương Thị Tố Oanh, giảng viên bộ môn Hóa học môi trường của lớp tâm sự: “Học theo kiểu thuyết trình, thảo luận nhóm rất mất thời gian, thế nhưng mình phải chuyên tâm, đầu tư vào cách dạy như thế này, bởi cái được là rất lớn.

Nhiều sinh viên dù đã năm cuối nhưng vì chưa một lần lên bảng thuyết trình, đến lúc bảo vệ luận văn, lúng túng không biết trình bày cái gì, nói như thế nào về vấn đề đó. Hay những cử nhân đã ra trường đi xin việc làm, không thể nào thuyết phục được nhà tuyển dụng bởi thiếu sự tự tin cần thiết, họ chưa từng nói trước đám đông.

Vì thế, cách học thảo luận nhóm như thế này, sẽ khơi dậy được sức sáng tạo, sự tìm tòi nghiên cứu, tự học của sinh viên.

Không những vậy, sau mỗi một chủ đề, phần tài liệu của mỗi nhóm sẽ được đóng tập và phát cho tất cả sinh viên, sẽ là nguồn tư liệu quý sau khi các em ôn tập thi, hay sẽ có lúc cần đến khi đã ra trường”.

Theo Nguyễn Thanh Nam
Thanh Niên

MỚI - NÓNG