Thuyền trưởng Ý chết trên biển, thi thể lênh đênh suốt 2 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Thuyền trưởng Angelo Capurro. (Ảnh: CNN)
Thuyền trưởng Angelo Capurro. (Ảnh: CNN)
TPO - Thuyền trưởng Angelo Capurro bắt đầu có dấu hiệu mắc COVID-19 khi ra biển được 2 ngày. Chỉ trong vòng 4 ngày, vị chỉ huy 61 tuổi đã nằm bệt trong cabin, không thể nhấc người dậy được.

Sáu ngày sau, ông qua đời, để lại con tàu hàng MV Ital Libera không có người chỉ huy. Con tàu mang theo một thi thể mà thuỷ thủ đoàn không có cách gì để quàn, trong khi dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ bùng phát trên tàu.

Trong suốt 6 tuần, con tàu mang cờ Ý bị mắc kẹt ở vùng biển Đông Nam Á, không thể tìm được cảng nào chịu tiếp nhận thi thể dù thuỷ thủ đoàn khẩn cầu nhiều lần.

Cuối cùng, đến tháng này, thi thể thuyền trưởng được đưa về cho gia đình ở Ý. Gia đình ông phẫn nộ trước cái chết của thân nhân và cách ông bị đối xử trên biển nên đã nộp đơn kiện.

Ông Capurro lênh đênh trên biển trong gần cả cuộc đời. Vợ của ông, bà Patricia Mollard, 61 tuổi, từng đi cùng ông khắp thế giới. Họ có nhà ở La Spezia, gần một cảng bên sông Riviera của Ý, với con trai và con gái sống gần đó.

Ông Capurro bay từ Trieste, miền bắc nước Ý, hôm 27/3 để lên con tàu Ital Libera dự kiến sẽ đến châu Á trong hành trình dài 25 ngày. Một ngày trước đó, ông có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Bay qua Doha và Johannesburg, ông đến cảng Durban của Nam Phi hôm 28/3. Đến 1/4, con tàu Ital Libera dài 294m lên đường đến Singapore.

Vị thuyền trưởng có dấu hiệu mắc COVID-19 từ ngày 2/4. Ông ho không ngừng và bị đau ngực, đau cơ và khó thở, gia đình ông cho biết. Qua email, ông tỏ ra thất thường và không mạch lạc. Trên điện thoại, ông cứ ho liên tục.

Đến ngày 7/4, ông không thể dậy nổi. Một thuỷ thủ được phân công mang thức ăn và thuốc cho ông. Ông vừa là thuyền trưởng vừa phụ trách y tế, nên khi đổ bệnh, ông không có ai giúp được.

Ông Capurro tự uống paracetamol và có bình oxy trên tàu để hỗ trợ thở. Nhận thấy sức khoẻ của ông xấu đi, bà Mollard cho biết bà đã liên hệ với hãng tàu Italia Marittima, chi nhánh của tập đoàn vận tải biển Evergreen của Đài Loan (Trung Quốc). Evergreen cũng là chủ sở hữu Ever Given, con tàu trở nên nổi tiếng sau khi đổ chắn ngang kênh đào Suez hồi tháng 3.

Bà Mollard yêu cầu hỗ trợ y tế và đưa ông lên bờ để vào bệnh viện gần nhất. Nhưng yêu cầu của bà bị từ chối.

Ngày 11/4, ông Capurro được test nhanh COVID-19, nhưng vẫn âm tính, bà Mollard cho biết. Không tin kết quả này, bà lại liên lạc với chủ tàu để yêu cầu đưa chồng bà lên bờ, nhưng lời khẩn cầu của bà không được hồi đáp.

Hôm sau, ông Capurro gọi điện cho con trai Angelo để bảo anh trấn an mẹ. Nhưng đến sáng hôm sau, ông qua đời.

Khi đó, con tàu còn 3 ngày nữa mới đến Singapore. Bà Mollard lập tức liên lạc với

Italia Marittima để khẩn cầu công ty này đề xuất tàu quân sự can thiệp hoặc giúp con tàu cập cảng.

Thông cáo của Italia Marittima nói rằng công ty và Bộ Ngoại giao Ý đã khẩn cầu nhiều quốc gia cho phép đưa thi thể ông Capurro lên bờ, nhưng hàng loạt quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines…đều đang áp dụng các biện pháp hạn chế, cấm tàu lên bờ và hồi hương thi thể.

Khi con tàu neo đậu trên biển Jakarta, các thuỷ thủ cuối cùng cũng được phép lên bờ.

Thông báo từ Hapag-Lloyd, mối đối tác của Evergreen, xác nhận trong thuỷ thủ đoàn có người mắc Covid-19, nhưng không nói rõ bao nhiêu.

Sau đó, một thuỷ thuỷ đoàn mới được cử lên tàu thay thế. Anh Angelo nói rằng bố anh có thể đã không chết nếu được lên bờ và chữa trị kịp thời.

Gia đình anh đã nộp đơn kiện lên văn phòng công tố La Spezia để yêu cầu điều tra cái chết của bố anh. Văn phòng công tố đã yêu cầu đưa thi thể ông Capurro về Ý càng sớm càng tốt để khám nghiệm tử thi.

Đến ngày 26/5, tức 6 tuần sau khi ông Capurro qua đời, Ital Libera cuối cùng được quay về Ý để đưa thi thể vị thuyền trưởng trao cho gia đình.

Hapag-Lloyd cho biết, con tàu được trở về sau khi được áp dụng điều khoản về tình huống bất khả kháng, nghĩa chủ tàu không thể hoàn thành hợp đồng. Nếu không được áp dụng điều khoản này, chủ tàu sẽ phải đền bù rất nhiều tiền cho bên thuê tàu, và bên thuê tàu sẽ phải đền tiền cho khách. Con tàu về đến nơi vào ngày 14/7, gần 2 tháng sau khi ông Capurro qua đời.

Câu chuyện của ông Capurro không phải duy nhất trong giai đoạn đại dịch.

Từ tháng 3/2020, thi thể của ít nhất 10 thuỷ thủ chết trên biển đã bị mắc kẹt giữa sóng nước vì bị từ chối cho lên bờ. Vì thế, nhiều thuỷ thủ bây giờ không muốn xa gia đình để đi biển.

Năm ngoái, khi các quốc gia đóng cửa biên giới vì COVID-19, hơn 200.000 người đi biển bị kẹt giữa biển khơi trong nhiều tháng trời, thậm chí có người không nhìn thấy đất liền suốt 18 tháng.

Khoảng 80% hàng hoá thế giới được vận chuyển bằng tàu biển, theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc tế về thương mại và phát triển (UNCTAD). Đại dịch đang gây ra nhiều rối loạn cho ngành vận tải biển toàn cầu.

Theo CNN
MỚI - NÓNG