Thuyền trưởng thời phố thành sông

Thuyền trưởng thời phố thành sông
TP - Lần đầu tiên, những thuyền trưởng thứ thiệt của sông nước đã phải nhờ đến người dân chỉ quen với việc đồng áng làm...hoa tiêu!
Thuyền trưởng thời phố thành sông ảnh 1
Những lái tầu và người dân xã Tân Tiến (Chương Mỹ – Hà Nội) vận chuyển những thùng nến vào thôn Việt An. Ảnh: Nguyễn Hà

Vốn điều khiển những chiếc tàu có tốc độ 65km/giờ, nay phải dò dẫm với quãng đường 4-5 km mất cả giờ đồng hồ lái thuyền đi cứu trợ trên khu vực dân cư bị ngập mênh mông nước...

Đó là tình huống đặc biệt của một số thuyền trưởng thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong những ngày này, khi mà còn khá nhiều nơi ngập lụt, bị cô lập lâu ngày.  

Hoa tiêu bất đắc dĩ!

Những người đầu tiên đón chúng tôi ở đường đê sông Bùi (ngày 8/11) để mang hàng cứu trợ đến người dân đang bị cô lập ở xã Tân Tiến, một trong 2 xã bị lụt nặng nhất của Chương Mỹ (Hà Nội), lại chính là những thuyền trưởng, nhân viên thanh tra giao thông của Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Mới nắng đấy mà trời sập tối rất nhanh khiến chúng tôi lo ngại trước một biển nước mênh mông.

Ông Nguyễn Văn Tảo, thuyền trưởng điều khiển con tàu chở hàng cứu trợ thêm phần lo âu: “Phải đợi đại diện chính quyền đến đã!”. Khoảng 10 phút sau, một thanh niên xuất hiện. Hình như đã quen với ê kíp trực cứu trợ trong ngập lụt của đội tàu thuyền nên họ trao đổi rất nhanh với nhau về địa điểm đi, đến. Xuồng nổ máy, chúng tôi tạm quên cái sự kiện là lạ này...

Từ đoạn đê đến điểm xuồng có thể dừng lại để chúng tôi lội vào thôn Việt An (Tân Tiến) dài gần 5km. Đoạn đường sẽ không quá xa như vậy nếu không phải đi lắt léo, tránh những vật cản dưới dòng nước sẵn sàng đâm thủng tàu nếu lỡ va phải.

Ê kíp trực cứu trợ trong lụt tại Tân Tiến có 6 người, trong đó có 2 thuyền trưởng và 4 nhân viên thanh tra nhưng khi cần thiết thì ai cũng có thể thay phiên nhau lái tàu.

Ông Tảo ngồi cạnh một thuyền trưởng khác đang chăm chú điều khiển tàu theo sự hướng dẫn của anh thanh niên đại diện cho chính quyền ban nãy, mãi mới kể: “Chúng tôi ở đây một tuần rồi (từ ngày 4/11) khi ấy nước ở đây vẫn tiếp tục dâng cao. Đấy cũng là thời điểm người dân hốt hoảng với tin đồn vỡ đê”.

Và lái tàu trên vùng... không luồng, lạch

Chúng tôi trao hết số nến trong chương trình cứu trợ “Vạn ngọn nến tặng trẻ em nghèo vùng lũ” do báo Tiền phong phát động đến người dân Việt An  lúc trời tối.

Không được đứng trên mũi, đuôi hay mạn lúc tàu chạy đi, anh Nguyễn Văn Phong, người lái chính yêu cầu chúng tôi ngồi yên dưới khoang để tiện quan sát. Lúc này ông Tảo giải thích vì sao phải có người địa phương đi cùng.

Cũng giống như đường bộ, sông nước có hệ thống ký hiệu, biển báo xác định độ sâu, phân luồng, nơi nào có đá, có bãi bồi, khu vực nào có nhiều cột điện... nhưng ở vùng ruộng đồng nước ngập, nhà cửa thế này biết đằng nào mà lần?

Thuyền trưởng thời phố thành sông ảnh 2
Dưới chân đê, chỉ còn vài mái nhà nhô lên mặt nước

“Chính vì thế, mỗi khi có đoàn lãnh đạo xuống kiểm tra hay cứu trợ, chúng tôi phải chờ người có trách nhiệm phía địa phương, thông thuộc địa hình dẫn đi. Hôm nay trời ngớt mưa đỡ vất vả đấy. Mấy hôm trước mưa to, vừa căng mắt nhìn vừa vuốt nước không kịp...” – Ông Tảo than thở.

Chỉ còn mấy năm nữa về hưu nhưng trong suốt cuộc đời làm thuyền trưởng, lần đầu tiên ông lái tàu trên... vùng dân cư thế này! 

Khoảng 8 phút rời Việt An, tàu lướt qua vùng nước lặng. Ngồi bên cạnh tôi, bỗng Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, Đỗ Đình Thệ, giọng trầm buồn: “Chúng ta vừa đi qua nơi em học sinh lớp 12 Nguyễn Văn Ánh (sinh năm 1991) thiệt mạng do bị bục mủng vào đêm 6/11.

Đêm ấy Ánh cùng em Nguyễn Văn Tuyển (sinh năm 1987, sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Hà Nội) đi thăm bạn, về gần đến đoạn từ cánh đồng lúa rẽ vào đường thôn, nước sâu hơn 4m, chiếc mủng bị bục. Nghe tiếng kêu cứu, mọi người vội nhào ra nhưng trời tối quá, chỉ cứu được Tuyển, còn Ánh thì mãi chiều hôm sau mới tìm thấy thi thể...”.

Yên lặng và căng thẳng. Còn gần 4 cây số lượn vòng nữa mới về đến bờ. Mực nước trung bình mà các thuyền trưởng đo trong ngày vẫn ở mức 3 - 4m.

Theo ông Thệ, trận lụt này tương đương với trận lụt lịch sử năm 1971. Trong mấy ngày liền, nước sông Tích tràn qua đê ồ ạt và không biết nơi đây sẽ phải ngập đến bao giờ vì lượng nước chưa biết thoát đi đâu? 

Anh Phong phá tan sự yên ắng khi hỏi người dẫn đường ngồi phía trên mũi tàu: “Ông nhìn thấy cái dấu thập chưa? Lúc nào gần đến đấy, ông quét đèn pin cho tôi nhé để tránh nghĩa địa. Phía bên phải là mấy nóc nhà, bám theo dọc ấy là an toàn”.

Anh thanh niên trả lời: “Chầm chậm nhé, anh rẽ vào giữa những ngọn phi lao này đi, chỗ này đi được vì phía dưới là ruộng...”.

Bỗng tàu khựng lại, anh Phong lo lắng vì sợ vướng phải vật cản không thể đoán trước đó là gì. “Lùi lại một chút, rẽ phải, nhẹ nhàng thôi. Thoát rồi!” - mấy tiếng bàn tán xôn xao giữa vùng nước tối.

Ông Tảo cho biết, trong những ngày qua, đã nhiều lần cả nhóm phải lặn xuống đáy tàu để gỡ cây cối, lưới và rất nhiều vật dụng sinh hoạt của người dân vướng vào chân vịt tàu. Nhưng việc đó không đáng ngại  bằng việc tàu va phải vật cản cứng như nhà cửa, trường học hay tường rào đang ngập dưới nước.

“Thủng tàu, chúng tôi khổ một nhưng dân khổ mười vì không có phương tiện kịp thời để chở hàng cứu trợ cho bà con đang phải sơ tán trong vùng lụt” – Ông Tảo tâm sự.

Nhóm ứng trực ở Tân Tiến có 2 chiếc tàu chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra trên sông. Chiếc lớn 85 mã lực có thể chở 10 người và 6 - 7 tạ hàng, còn chiếc nhỏ 25 mã lực chỉ chở được 5 người. Ấy vậy mà trong những ngày này, cả 2 chiếc hoạt động hết công suất với lượng chuyên chở thường gấp đôi.

Điều khiến những thuyền trưởng thấy “khó chịu” nhất là dù ban ngày hay trời tối, họ đều phải điều khiển tàu như...người khiếm thị dò dẫm từng bước trên đường.

Cả hai chiếc tàu vốn vẫn thường xuyên lướt trên sóng với tốc độ 35 hải lý/giờ (khoảng 63km/giờ) thì nay với quãng đường khoảng 4-5km, phải mất cả giờ đồng hồ để lùi lùi, tiến tiến dưới sự chỉ dẫn của người chưa bao giờ đi sông nước!

Dưới ánh trăng non đang lên, chúng tôi nhìn thấy chiếc cột điện trên đê lờ mờ từ đằng xa. Ông Tảo thông báo: “An toàn rồi đấy, sắp cập bờ!”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.