Thủy điện tích nước, hạ du quay quắt hạn mặn

Thủy điện tích nước, hạ du quay quắt hạn mặn
TP - Quảng Nam kiến nghị Chính phủ yêu cầu thủy điện phải trả nước cho hạ du. Đây cũng là lần thứ 2 cuộc chiến giữ nước giữa thủy điện và hạ du Đà Nẵng tái diễn.

> Kiểm tra tích nước, tái định cư

Ruộng đồng vùng hạ du Quảng Nam trên địa bàn các xã huyện Duy Xuyên bị khô toác, nứt nẻ do hạn mặn. Ảnh: Nguyễn Huy
Ruộng đồng vùng hạ du Quảng Nam trên địa bàn các xã huyện Duy Xuyên bị khô toác, nứt nẻ do hạn mặn. Ảnh: Nguyễn Huy.

Chưa năm nào, hàng trăm ngàn hộ dân trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, bị nước mặn xâm thực rộng như hiện nay. Thủy điện ngừng xả nước, hoặc xả nhỏ giọt khiến hạn hán nhiễm mặn ở Quảng Nam đạt mức kỷ lục.

Khát bên miệng nước

Cách con sông Câu Lâu (nhánh sông Thu Bồn) chưa đầy 50m, nhưng hơn tháng nay, 3 sào lúa đang độ phát triển của bà Nguyễn Thị Miêm (52 tuổi, thôn Câu Lâu, xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) bị héo úa từng ngày vì thiếu nước.

“Nước nhiễm mặn hết rồi, không tưới tiêu được. Chỉ một số thôn gần bên nhờ hai cái hồ chứa nước Bàu Sen mới có nước tưới tạm. Vụ này coi như mất trắng”, bà Miêm nói.

Trạm thủy nông Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) ngừng hoạt động vì nước nhiễm mặn. Ảnh: Nguyễn Thành
Trạm thủy nông Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) ngừng hoạt động vì nước nhiễm mặn. Ảnh: Nguyễn Thành .

Tại HTX Điện Hồng 1 (xã Điện Hồng, Điện Ngọc) đã có gần 50 ha lúa, trong tổng số hơn 100 ha vụ hè thu bị héo úa, không thể khắc phục.

Ông Tuấn – Phó chủ tịch UBND xã Điện Hồng, lo lắng: chúng tôi huy động máy bơm dã chiến cứu lúa nhưng không tìm ra nước vì các hệ thống sông đều bị nhiễm mặn.

Ông Phạm Hữu Kinh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn, thống kê: Toàn huyện đã có gần 2.000 ha lúa trong số hơn 5.700 ha lúa vụ hè thu bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán, thiếu nước.

Huyện huy động khẩn cấp các máy bơm tìm nguồn nước ngọt cung ứng tưới tiêu cho lúa. Hiện chỉ có 2 máy bơm hoạt động hết công suất ở hồ Bàu Sen, còn lại các hệ thống thủy lợi đều hoạt động cầm chừng vì thiếu nước.

Trong khi tỷ lệ mặn tại các trạm bơm đã vượt quá 11 lần cho phép. Hai trạm bơm của huyện là Cẩm Sa và Tứ Câu đều phải ngừng hoạt động. Hơn 36.000 ha lúa và 10.000 ha hoa màu ở phía bắc tỉnh Quảng Nam đứng trước nguy cơ chết khô.

Còn theo ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hiện đã có hơn 2.000 ha lúa tại các xã huyện Hòa Vang, Hòa Quý bị khô khát, nguy cơ mất trắng.

Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Nam khẩn trương triển khai nạo vét các tuyến sông Vu Gia, sông Vĩnh Điện phục vụ các trạm bơm Vĩnh Điện, Tứ Câu, Cẩm Sa và cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hội An đang bị nhiễm mặn nghiêm trọng...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh yêu cầu huyện Điện Bàn cấp tốc nạo vét khơi thông dòng chảy sông Vu Gia tại ngã ba Lạc Thành (xã Điện Hồng) và sông Vĩnh Điện để lấy nước bơm cứu khoảng 7.000 ha lúa hè thu tại đây.

Nước uống nhiễm mặn

Người dân vùng hạ lưu Quảng Nam, Đà Nẵng đổ xô mua nước lọc về đun nấu, sinh hoạt vì nước sông, giếng nhiễm mặn gia tăng. “Bình thường chỉ có 10.000-12.000 đồng một bình nước lọc 20 lít, nhưng bây giờ tăng giá cũng không đủ bán cho người dân”, anh Trần Văn Mạnh (35 tuổi, thị trấn Vĩnh Điện, Quảng Nam) nói.

Dọc hạ lưu Vu Gia trên địa bàn Đà Nẵng, nước mặn xâm thực gia tăng. Mấy ngày nay, độ mặn đo được tại Nhà máy nước Cầu Đỏ vượt lên đến 2.100mg/lít, vượt mức cho phép (250mg/lít).

Theo ông Nguyễn Trường Ảnh – Giám đốc Cty cấp nước Đà Nẵng, nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp 90% nước sinh hoạt cho toàn thành phố nhưng phải đóng cửa thu vì nước nhiễm mặn. Đơn vị phải huy động phương tiện, nhân lực đi lấy nước tại đập An Trạch (xã Hòa Tiến) cách nhà máy 10 km.

Tương tự, Nhà máy nước Sân Bay cũng phải tập trung lấy nước từ đập chứa An Trạch để xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

“Chúng tôi đang kiến nghị thành phố dừng việc cấp nước phục vụ tưới tiêu từ đập An Trạch để tập trung nguồn nước cho sinh hoạt. Nếu đập này cạn, sẽ thêm nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt”, ông Ảnh nói thêm.

Thủy điện cũng ngắc ngoải

Tỉnh Quảng Nam đang hoàn tất văn bản kiến nghị Chính phủ yêu cầu thủy điện trả nước cho vùng hạ lưu. Đà Nẵng cũng hoàn chỉnh hồ sơ sẵn sàng cùng Quảng Nam tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ. Hai năm trước, Đà Nẵng từng khiếu nại lên Chính phủ đề nghị buộc Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 phải trả nước cho sông Vu Gia ít nhất 48m3/giây. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ra văn bản yêu cầu Đăk Mi 4 đồng ý trả 25m3/giây. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Yến - Trưởng BQL dự án thủy điện Đăk Mi 4: đơn vị chưa nhận được văn bản yêu cầu xả 25m3/ giây.

Hiện thủy điện Đắk Mi 4 dừng phát điện vài ngày để sửa chữa hư hỏng. Ngoài ra, cống xả sâu qua thân đập chính của nhà máy này phát 1 tổ máy với lưu lượng 51m3/ giây ngừng phát và chỉ xả với mức 6-8m3/ giây nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, nước hồ đang xuống dưới mực nước chết, chỉ phát điện cầm chừng 3-4 giờ/ngày với lưu lượng khoảng 90-100 m3/ giây. Nhà máy thủy điện A Vương phát 1 tổ máy với lưu lượng 39m3/ giây không ổn định vì đang chạy thử nghiệm chào giá cạnh tranh theo chỉ đạo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, mỗi ngày chỉ phát vài giờ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG