Thượng uý biên phòng giúp người dân phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những năm qua, người dân ở các xã biên giới biển Vĩnh Hải, Lạc Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) trở nên quen thuộc với hình ảnh cán bộ biên phòng luôn gần dân, giúp dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Đó là Thượng úy Sóc Đúng, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng).
Thượng uý biên phòng giúp người dân phát triển kinh tế ảnh 1

Là người con của đồng bào dân tộc Khmer, sinh ra, lớn lên trên địa bàn biên giới biển xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), Thượng úy Sóc Đúng hiểu rất rõ những vất vả, khó khăn của đồng bào dân tộc nơi đây. Năm 2015, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh được phân công về quê hương nhận nhiệm vụ. Được trở về quê hương, được góp phần cống hiến cho quê hương là niềm vui, niềm tự hào của Sóc Đúng, nên anh luôn tâm niệm mình phải phát huy những gì đã học để giúp đồng bào nghèo biên giới phát triển.

Thượng uý biên phòng giúp người dân phát triển kinh tế ảnh 2 Thượng úy Sóc Đúng trực tiếp xuống tận các hộ gia đình người dân tộc Khmer để phát khẩu trang, tờ rơi và tuyên truyền cách phòng, chống dịch COVID -19

Xã Vĩnh Hải và Lạc Hòa là hai xã biên giới biển do đồn Biên phòng Vĩnh Hải quản lý, tỉ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 72% nên cán bộ phụ trách công tác vận động quần chúng như Thượng úy Sóc Đúng đã phát huy hiệu quả rất cao. Bám dân, bám địa bàn, hiểu tâm tư, tập quán sinh sống của đồng bào nên rất thuận tiện trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, nhà nước đến với đồng bào nơi vùng xa, khu vực biên giới.

Thượng úy Sóc Đúng cho biết, địa bàn đơn vị quản lý phần lớn là đồng bào Khmer sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Nguyên nhân chính là do tập quán sinh hoạt lạc hậu lại hạn chế về kỹ thuật nuôi trồng, dẫn đến công tác sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất thấp. Bên cạnh đó, nhiều hộ chưa tích cực trong lao động sản xuất và do chi tiêu không hợp lý, đã làm kinh tế các hộ gia đình ngày một đi xuống, các nguồn vốn được hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi đều bị thất thoát, không có khả năng hoàn trả.

Trước thực trạng đó, Sóc Đúng và cán bộ, nhân viên Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã tham mưu cho Ban chỉ huy đơn vị chọn mô hình nuôi dê sinh sản từ vốn ủy thác của Ngân Hàng chính sách xã hội để phù hợp với điều kiện và nguồn thức ăn sẵn có ở địa bàn ven biển và theo phương thức nuôi tập trung tại bãi đất rừng phòng hộ để vừa quản lý tốt khu vực rừng phòng hộ do đồn quản lý vừa gần nguồn nguyên liệu để nuôi theo phương thức chăn thả.

Thượng uý biên phòng giúp người dân phát triển kinh tế ảnh 3 Thượng úy Đúng và mô hình nuôi dê tập trung của đồn Biên phòng Vĩnh Hải mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian đầu công việc gặp không ít khó khăn, Sóc Đúng và anh em trong đội phải tìm tòi kỹ thuật nuôi dê sinh sản từ cán bộ khuyến nông, các chủ trang trại chăn nuôi dê có kinh nghiệm để biết cách hướng dẫn cho bà con. Từ 20 con dê giống ban đầu, đến nay đã chuyển giao trên 100 con dê giống cho hộ chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Vừa chuyển giao con giống, vừa chuyển giao kỹ thuật nên hầu hết hộ nghèo tiếp nhận đều đạt hiệu quả cao, chăm sóc, phòng ngừa bệnh và dần dần đàn dê sinh sản đạt chất lượng tốt.

Hộ anh Thạch Si Hển, ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn, ban đầu được hỗ trợ 4 con dê giống chỉ sau 1 năm đã có đàn dê 10 con, hiện đàn dê đang phát triển rất tốt một thời gian nữa có thể xuất bán và tạo giống. Dê giống chuyển giao ban đầu chỉ nuôi trong thời gian 5 – 6 tháng là sinh sản nên hộ nuôi rất phấn khởi vì đã có thu hoạch trong thời gian ngắn nên hộ nuôi rất an tâm.

Anh Thạch Si Hển phấn khởi nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn ấp, thời gian qua được cán bộ đồn biên phòng hướng dẫn cách thức làm ăn đồng thời tặng dê giống, rồi cử cán bộ Đúng đến hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc đàn dê để mình biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật nay đàn dê sinh sản phát triển tốt, sau này bán có thu nhập để trang trải cho gia đình rồi, tôi vui lắm cảm ơn các chú biên phòng rất nhiều.”

Được biết trước đây, thị xã Vĩnh Châu rất nhiều lần hỗ trợ bò, dê, nhưng chỉ nuôi một thời gian, do không am hiểu kỹ thuật nên dê, bò không phát triển, có hộ thiếu tiền tiêu xài nên bán giá rẻ và nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhờ cách làm sáng tạo của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải và sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ Đúng, mà nhiều người dân nghèo khu vực biên giới biển xã Vĩnh Hải có được cách làm hay, cho thu nhập ổn định, lâu dài, từng bước nâng cao đời sống, thoát cảnh đói nghèo.

Thượng uý biên phòng giúp người dân phát triển kinh tế ảnh 4 Thượng uý Sóc Đúng (phải) cùng cán bộ đội vận động quần chúng của đơn vị và đại diện chính quyền địa phương đến thăm, tặng quà cho các hộ gia đình nghèo.

Thượng úy Sóc Đúng được đánh giá rất cao về sự năng động, sáng tạo, làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị ở nhiều lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Năm 2018, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị, Thượng úy Sóc Đúng đã thành lập “Sổ nghĩa tình quân dân”, tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp và trích từ quỹ tăng gia sản xuất hỗ trợ cho người già, gia đình chính sách neo đơn, không nơi nương tựa trên địa bàn.

Đến nay, nguồn quỹ phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho 4 người già neo đơn không nơi nương tựa. Hằng tuần, hằng tháng, Thượng úy Sóc Đúng cùng cán bộ trong Đội Vận động quần chúng xuống các hộ thăm hỏi, tặng lương thực, thực phẩm cho bà con khi các cụ ốm đau có cán bộ Quân y xuống khám và cấp thuốc. Từ sự quan tâm của cán bộ Biên phòng, các cụ sống vui, sống khỏe, vượt qua khó khăn.

Là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống của bà con trên địa bàn còn nhiều khó khăn, vì thế việc tiếp cận với các thông tin về dịch bệnh COVID-19 còn hạn chế. Từ thực tế đó, Sóc Đúng cùng cán bộ trong đội vận động quần chúng luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, đặc biệt là là mô hình tuyên truyền “Tiếng loa Biên phòng” tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng Kinh và Khmer nên người dân ở đây hiểu biết rõ hơn về công tác phòng, chống dịch bây giờ người dân biết cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ và không còn tụ tập đông người.

Thượng tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên đồn Biên phòng Vĩnh Hải chia sẻ: “Đối với Thượng úy Sóc Đúng, việc giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo không còn là nhiệm vụ, mà đó là tình cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào nghèo. Ngoài việc quan tâm phát triển mô hình nuôi dê tập trung; chăm sóc người già neo đơn, tuyên truyền phòng chống dịch COVID -19… mà đồng chí Sóc Đúng còn sát sao kiểm tra, hướng dẫn 10 hộ gia đình được đơn vị hỗ trợ phát triển chăn nuôi, kinh doanh nhỏ, phát huy được nguồn vốn vay, kinh tế những gia đình này từng ngày phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. Thượng úy Sóc Đúng đã trở thành tấm gương tiêu biểu để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập, noi theo”.

Với những đóng góp cho cộng đồng, Thượng uý Sóc Đúng được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu năm 2018 - 2019 tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019; Bộ Tư lệnh BĐBP tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2019 và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Tư lệnh BĐBP, bộ chỉ huy biên phòng tỉnh và của địa phương.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.