Thưởng thức hương đạo tại nhà đại sứ

Thưởng thức hương đạo tại nhà đại sứ
Ngày 22/11, buổi thưởng thức hương đạo đã được Đại sứ quán Nhật Bản tại VN tổ chức tại nhà riêng vị đại sứ ở Vạn Phúc (HN).
Thưởng thức hương đạo tại nhà đại sứ ảnh 1

Thưởng thức hương đạo.

Trong căn phòng rộng bài trí đúng kiến trúc Nhật, các bạn Nhật và VN cùng tĩnh lặng để đắm mình trong một thế giới hương thơm...

Một cảm giác kỳ lạ, vừa có chút tò mò, vừa thích thú. Kumiko - loại hình tiêu biểu của hương đạo, là trò chơi đoán xem các mùi hương có giống nhau hay không sau khi ngửi 5 mùi hương.

Hai cô gái trong trang phục Kimono vẻ mặt bình thản lạ thường, một người sẽ viết kết quả "thí sinh" tham gia bằng lối viết thư pháp, người kia trực tiếp ngửi hương trước khi trao từng cốc đựng hương cho khách.

Bạn dùng tay phải nhấc cốc đựng hương đặt lên lòng bàn tay trái. Đặt ngón cái của bàn tay trái lên miệng cốc, tay phải che miệng cốc, rồi ngửi hương từ khe hở giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải.

Sau khi ngửi mùi hương đầu tiên, bạn sẽ mài mực viết bằng bút lông lên giấy một gạch thẳng và tiếp tục đợi ngửi mùi hương thứ hai. Nếu mùi thứ hai giống mùi thứ nhất, bạn sẽ nối các gạch thẳng với nhau, nếu khác nhau thì để nguyên...

Tất cả mọi người cùng tập trung toàn bộ tinh thần hào hứng tham gia, cả ngài Sakaba Mitsuo - Đại sứ Nhật Bản tại VN - và NSND Lê Khanh cùng tham gia trò chơi này..

Với người Nhật, thật ra họ không nói ngửi hương mà phải là nghe hương, nghe tiếng nói tự nhiên của trực giác mách bảo. Nếu bạn dùng lý trí thì bạn sẽ thất bại.

Bà Fusako Imaizumi - một nghệ nhân đã học nghề hương đạo từ hơn 30 năm nay - nói cho tôi biết về lịch sử hương đạo: Thuở xa xưa, người Nhật đã thích thưởng thức hương thơm toả ra khi đốt các loại gỗ thơm.

"Nihonshoki" (biên soạn vào đời Thiên hoàng Suiko năm thứ 3, tức năm 595) là cuốn sách đầu tiên viết về loại gỗ thơm có xuất xứ ngoài Nhật.

Theo sách, người ta đốt loại gỗ lá sắn trôi dạt đến đảo Awaji và thấy mùi thơm nên họ tặng gỗ này cho Thánh Đức Thái tử. Phật giáo và hương thơm đến Nhật cùng lúc, người ta dùng hương để dâng Phật và tạo sự thanh khiết cho nơi ngự trị của Phật. Sau đó, thời kỳ Trung cổ (thế kỷ 12-16), người ta lại sử dụng hương để làm thơm tóc hay quần áo như đã viết trong cuốn "Genjimonogatari".

Đến thời kỳ việc buôn bán giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời nhà Tống, nhà Minh phát triển hưng thịnh nên có thêm nhiều gỗ thơm được nhập vào Nhật, và việc thưởng thức mùi hương của các cây gỗ thơm được xem như nền tảng của hương đạo.

Các cuộc thi hương thơm cũng được tổ chức, và nó dung hoà với thể thơ Waka của Nhật miêu tả vẻ đẹp bốn mùa và kể về các biến cố lịch sử, tạo thành một loại hình khác gọi là Kumiko. Hương đạo phát triển cực thịnh vào thời Edo, năm 1600-1700...

Thưởng thức hương đạo có phải chỉ dành riêng cho một lớp người và hương đạo ở Nhật ngày nay còn giữ được vị trí như xưa? - Tôi hỏi.

Bà Fusako Imaizumi trả lời: "Xa xưa, thưởng thức hương đạo chỉ dành cho một tầng lớp cao quý (vua chúa) và độc quyền cho nam giới. Thời Edo, phụ nữ bắt đầu được thưởng thức hương đạo. Nhật không có cây hương liệu nên phải nhập khẩu từ Đông Nam Á và loại gỗ thơm Kera từ Việt Nam là tốt nhất. Sau thời Edo thì kinh tế Nhật suy thoái, cùng với chính sách "bế quan toả cảng", không nhập cây hương liệu nữa nên hương đạo mai một dần đi. Đến thời Minh Trị, cùng sự phát triển của Phật giáo, hương đạo lại phát triển... Nhưng ngày nay, những nghệ nhân hương đạo ở Nhật ít dần đi…" -  Bà Fusako Imaizumi giọng trầm hẳn xuống.

Theo bà, hương đạo cần một trái tim thuần khiết, biết sống chan hoà với thiên nhiên - Bà Fusako Imaizumi thanh thản nói.

Theo Việt Văn
Lao động

MỚI - NÓNG