Thương thì thương, mà giận vẫn giận...

Thương thì thương, mà giận vẫn giận...
TP - Tôi đã đọc liền mạch trong một đêm hết cuốn tự truyện của Lê Vân. Là đàn bà, tôi cũng chua xót thay cho số phận của cô, cho sự éo le của các mối tình...

Quả thật trong nhiều thiên tình sử từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, có không ít trường hợp tình cảm thắng lý trí, song để lý trí luôn luôn bại trận như Lê Vân thì có lẽ thuộc loại hiếm!

Thương thì thương, mà giận vẫn giận... ảnh 1
NSƯT Lê Vân ra mắt độc giả tại Hà Nội   Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi chia sẻ với Lê Vân về sự thiếu thốn đến khủng hoảng tình yêu máu mủ, ruột rà; sự khao khát của trẻ thơ với những lời nựng ru – nhất là của một bé gái – với bố mẹ.

Và từ đó tôi thật ngạc nhiên trước sự cay nghiệt (dù bột phát) của mẹ cô, trước sự dửng dưng đến vô tình vô cảm của bố cô! Tôi càng chia sẻ với Lê Vân về nỗi khốn khổ vật chất, cả ăn lẫn ở, của cái thời chiến tranh và bao cấp.

Tôi rất cảm ơn, mới đây, Bảo tàng Dân tộc học đã có một cuộc triển lãm chuyên đề về cái thời bao cấp, thiếu thốn đến kinh khủng ấy. Người ta lườm nguýt nhau vì một ít mì chính, người ta xô xát nhau vì một con cá miếng thịt, người ta cạn tình ráo máng với nhau vì một chiếc lốp hoặc mấy viên bi xe đạp... Mà các câu chuyện này chẳng của riêng ai – nhất là với dân đô thị.

Bởi vì, bà con nông dân lúc ấy, dù phải làm rất nhiều nghĩa vụ, vẫn có rau xanh tươi để ăn (họ trồng được mà); vẫn có gạo ngon hàng bữa (thì họ cấy lúa mà); vẫn có bát canh cua ngọt lừ hoặc đĩa tép rang khế thơm lừng trong bữa cơm mỗi ngày (thì họ bắt được ở ruộng mà)...

Tôi còn nhớ gia đình tôi – và hẳn nhiên hầu hết các gia đình khác (trừ các quý vị có tiêu chuẩn bìa A, B, C được mua nhiều loại hàng hóa và lương thực ở các cửa hàng đặc biệt của Hà Nội lúc ấy ở phố Tông Đản hoặc Nhà Thờ), cứ như phát rồ lên vì những nhu yếu phẩm thiết yếu nhất với đời sống con người.

Chính sách phân phối lúc ấy khó được gọi là công bằng! Trừ các loại bìa A, B, C như nói trên; các loại D, E (của “nhân dân anh hùng” phải tìm mọi cách móc ngoặc với các chị mậu dịch viên. Thời ấy, ai có người nhà làm mậu dịch viên (ở các cửa hàng bách hóa, cửa hàng gạo, cửa hàng thực phẩm...) thì còn quá là được làm họ hàng của các VIP thời nay!

Các chị ấy giúp ta mua được gạo nở (nếu không thì bị mua gạo dính, hạt tròn như gạo nếp, thổi cơm rất hao mà lại nhão, ăn bứ lên tận cổ, chan canh vào thì biến thành cháo), giúp ta mua được sườn, giò, thủ lợn (bởi vì tiêu chuẩn nhân dân được 03 lạng thịt 1 tháng, nếu mua sườn, giò, thủ thì được gấp đôi), giúp ta mua thịt chín (nhưng lại toàn là nước mỡ để ta để dành, xào rau cả tháng) vân vân và vân vân.

Tôi có chú em rể, là thợ tiện bậc cao ở một nhà máy cơ khí, nhiều lần được hoãn đi bộ đội vì tay nghề của chú ấy quá giỏi, phải ở lại để giúp nhà máy sản xuất. Vợ đẻ cần chân giò nấu cháo để có nhiều sữa. Nhưng cứ xếp hàng đến nơi – dù thức dậy từ 3 giờ sáng thì đã hết cả sườn giò vì mấy người được ưu tiên chen ngang mua sạch mất rồi. Tức mình và vốn khéo tay, chú ta kiếm bìa đỏ, làm giả thẻ ưu tiên y như thật.

Có lần mua được cái chân giò nhỏ, dãy người đứng phía sau xì xào “trông khỏe thế kia thì thương binh gì”. Thế là cầm cái chân giò ra khỏi hàng, chú ấy giả vờ tập tễnh, đi đến góc phố mới ù té chạy về nhà.

Hồi ấy, điện bị cúp luôn và hầu như không được báo trước. Lại vẫn chuyện ưu tiên! Có những nhà không bao giờ bị cúp điện. Giá đó là những ngôi nhà của các vị lãnh đạo cấp cao đang phải đêm đêm nghiêng mái đầu bạc trên bàn giấy, suy nghĩ lo việc nước... thì lại đi một lẽ. Đằng này không phải thế!

Gần chỗ tôi ở có nhà của cặp vợ chồng nghệ sĩ, chẳng hiểu công trạng to đến đâu, khi xung quanh tối đen leo lét ánh đèn dầu, trẻ con khóc ời ợi vì nóng, tôi cũng rã cả tay quạt cho đứa con hơn 3 tuổi suốt đêm vật vã vì nóng, thì nhà họ đèn ống sáng trưng, vọng ra tiếng cười hỉ hả, quạt trần quay vù vù...

Lúc ấy, chồng tôi sau khi đạp xe hơn sáu chục cây số từ nơi sơ tán về, đang xoay trần cùng với 2 cái xô to đùng buộc ở “poóc-ba-ga” xe đạp, đi hứng từng giọt nước ở khu phố bên cạnh, tức quá, quát ầm lên.

Ấy đấy, cái khổ, cái bất bình đẳng đã nhiều khi khiến người ta nổi khùng lên, trở nên nhỏ nhen… như vậy. Nhưng ở đây, “Giận thì giận, mà thương thì vẫn thương!”.

Còn câu chuyện tình cảm của Lê Vân thì khác. Đã quá một lần, Vân nhấn mạnh mình là đàn bà, và mong được sống như một người đàn bà đích thực. Vân đã rất đúng khi cho rằng “đã là đàn bà thì thường đa mang, yêu là yêu hết mình, hy sinh quên mình”.

Phải chăng đây là điểm đáng yêu, rất mạnh song cũng là điểm dễ bị lạm dụng của chị em chúng ta. Nhưng vấn đề là yêu ai, yêu vì cái gì, yêu như thế nào!

Cả mấy mối tình của Vân đều hướng vào người đàn ông có gia đình, có con cái, thậm chí họ đang sống rất hạnh phúc. Nếu với “người ấy” của mối tình đầu, thì có thể Vân yêu vì một tình yêu non trẻ, trong sáng, pha thêm sự ngưỡng mộ tôn thờ.

Rồi thật là khó hiểu, cái tình yêu 10 năm sâu đậm ấy, chỉ qua một chuyến công tác Sài Gòn không mấy dài ngày, Vân đã sẵn sàng rũ bỏ chỉ vì một chàng Việt kiều lãng tử, có vẻ ngoài phong trần, đầy nam tính (so với “người ấy” thư sinh ở ngoài Bắc), có những hành động pha chút xi-nê như kiểu lỡ chuyến máy bay để quay lại với em (!?).

Cái hành động giải thoát Lê Vân khỏi lão Hồng Công “Cơm thố”, đèo em bằng xe máy từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, mắng mỏ ông đạo diễn... có cái gì kịch quá!

Và Lê Vân đã rơi (hay tự rơi?) vào vòng tay anh Việt kiều ngang tàng ấy dù biết anh ta đã vợ con đàng hoàng, cũng như “người ấy” của 10 năm xưa (và giận thay, đúng lúc “người ấy” vừa hoàn tất thủ tục ly hôn để lấy Vân)!... Cho dù nghèo, anh Việt kiều cũng đã chắt chiu cho Vân đủ tiền mua đất xây nhà.

Rồi lý do tan vỡ của mối tình thứ hai cũng chỉ vì Vân không được sống theo kiểu đàn bà, trăm sự đều đến tay, cứ như mình là người chồng, người đàn ông thực sự?

Tôi cứ nghĩ, khi đã có gia đình, thì việc nhà, cả hai vợ chồng cùng lo, cùng đỡ nhau khi có thể, lúc chồng bận bịu hoặc có điều gì đang vướng mắc, nản lòng, người vợ nên sẵn sàng gánh lấy mọi việc, ngoài chuyện chăm sóc, chia sẻ với chồng các khúc mắc chồng đang gặp phải!

Tôi nghĩ rằng lúc anh Việt kiều đang suốt ngày la cà quán cà phê là lúc anh ấy đang bế tắc. Từ một người bay nhảy đây đó, kiếm ra tiền, nay chỉ vì yêu vợ mà từ bỏ nghề nghiệp, ăn không ngồi rồi, bó chân bó cẳng, tiền chẳng kiếm ra, mặc cảm bám váy vợ, thì chỉ la cà cà phê còn may đấy.

Thế mà Lê Vân nỡ lòng lên án anh! Và rồi trong một chuyến công tác xa nhà lại tiếp tục con đường phản bội chồng! Đọc truyện, thấy rõ Vân rất dễ có thai. Thế mà 10 năm sống với anh Việt kiều, Vân vẫn không có con – để làm gì nhỉ? Để mình dễ được tự do hơn chăng?

Tự do đã mở cửa rồi đó khi Vân gặp người tình và sẽ là người chồng thứ ba – lại là một người đàn ông đã có gia đình– song lần này là một quan chức của Liên Hiệp Quốc, có vị thế xã hội, có nhiều tiền và cuộc sống hơn hẳn anh Việt kiều nọ...

Chao ôi, sao Lê Vân có thể chủ quan đến thế khi nói đến những người đàn bà bị Vân lấy mất chồng? Lê Vân bảo rằng “Từ thân phận của mình, tôi cũng thương những người đàn bà đó... Đau trong mình cũng là nỗi đau của họ nữa!”.

Không! Nếu tôi là những người đàn bà ấy, tôi không cần tình thương của Lê Vân, tôi căm thù cô và tự thương mình, tự phê phán mình đã đối xử với chồng thế nào để anh ấy đi vào con đường mê muội, đã yếu lòng thế nào khi không chủ động cắt nhanh mối quan hệ của chồng với Lê Vân để bảo vệ hạnh phúc của gia đình, bảo vệ hạnh phúc của những đứa con sắp mất bố.

Cái đau của Lê Vân so thế nào được với nỗi đau của họ, nhất là của những người đàn bà, người vợ Việt Nam, khi đã phải cùng với chồng giữ cho gia đình được toàn vẹn vượt qua bao gian truân cực khổ của cuộc chiến tranh, của một xã hội đang lúc còn rất đói, rất nghèo!

Bạn đọc có quyền nghi ngờ tính xác thực của tự truyện Lê Vân, mường tượng tỷ lệ hư cấu trong câu chuyện của nàng, song bằng những gì trên giấy trắng mực đen của Lê Vân yêu và sống, thì có một điều rất đúng: Cô là người đàn bà thật đáng thương; song còn có một điều đúng hơn nữa: Cô là người thật đáng giận! Tôi cầu mong cho con trai tôi lớn lên không gặp phải một phụ nữ như Lê Vân!

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.