Thưởng “nóng” 18 y bác sỹ cứu bệnh nhân HIV

Bác sỹ Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ - Người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật đang hỏi thăm bệnh nhân NTH. Ảnh Thanh Loan.
Bác sỹ Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ - Người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật đang hỏi thăm bệnh nhân NTH. Ảnh Thanh Loan.
TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục HIV/AIDS vừa cho biết, chiều nay đại diện Cục và Sở Y tế Hà Nội sẽ đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khen thưởng nóng cho các y, bác sỹ đã cứu sống bệnh nhân nhiễm HIV và đối diện với nguy cơ phơi nhiễm virus này.

Ông Long cho biết, thông tin về ca mổ khiến 18 y bác sỹ có nguy cơ phơi nhiễm HIV khiến ông rất xúc động. Điều đó là minh chứng cho tinh thần, thái độ hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y bác sỹ.

Theo TS Long, các y bác sỹ đều có nguy cơ phơi nhiễm với virus HIV. Việc các y bác sỹ sẵn sàng cứu người là việc làm thường xuyên và diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, sự việc 18 y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được chú ý bởi sản phụ trong ca mổ là người có HIV.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Phòng chống HIV đã chỉ đạo xử lý đúng quy trình điều trị dự phòng bao gồm các xét nghiệm và cấp thuốc cho các y bác sỹ đã tham gia ca mổ.

TS Long cho biết, đầu giờ chiều nay Cục Phòng chống HIV/AIDS và Sở Y tế Hà Nội sẽ tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thưởng nóng cho kíp y bác sỹ nói trên.

Được biết, ngày 4/7, bệnh nhân N.T.H khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Nếu chỉ chậm 1 - 2 phút là bệnh nhân sẽ không qua khỏi.

Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sỹ bệnh viện Phụ Sản Hà Nội ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu.

Tử cung của bệnh nhân đã bị hoại tử, không thể bảo tồn. Nếu không cắt bỏ, khả năng bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng huyết và tử vong là không tránh khỏi. Lượng máu trong người bệnh nhân đã kiệt. Trong quá trình phẫu thuật phải truyền tổng cộng 4 lít máu cho bệnh nhân.

Điều đặc biệt, ca phẫu thuật được tiến hành gấp nên các y bác sỹ hoàn toàn không được chuẩn bị các phương tiện phòng chống lây nhiễm HIV.

Theo Theo Gia đình & Xã hội
MỚI - NÓNG