Nhiều người trông chờ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh APEC diễn ra đầu tuần tới. Ảnh: South China Morning Post
Đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc sẽ được coi là bước đột phá mang tính biểu tượng giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, sau 2 năm căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh khu vực và vấn đề quan điểm chiến tranh.
Tuy nhiên, hôm qua, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua giội nước lạnh vào ý tưởng lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản có thể đối thoại chính thức bên lề cấp cao APEC tại Bắc Kinh. Ông Abe “không dành chút nỗ lực nào” nhằm có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Xinhua viết trong bài bình luận bằng tiếng Anh. “Mong muốn của ông ấy sẽ được đáp ứng, vì nước chủ nhà chắc chắn sẽ đón tiếp lãnh đạo Nhật Bản bằng nghi thức và lòng hiếu khách, bất kể những tranh chấp lãnh thổ dai dẳng và mối thù lịch sử với Tokyo”, bài báo viết.
“Tuy nhiên, điều đó không hẳn nghĩa là các cuộc đối thoại chính thức mà ông Abe tìm kiếm lâu nay với Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp APEC sẽ trở thành hiện thực, vì điều đó đòi hỏi ông Abe thể hiện ý định chân thành và có hành động thực tế để tạo ra bầu không khí thích hợp”, Xinhua bình luận. Xinhua cho rằng, Nhật Bản “không có nỗ lực nào như vậy trong quan hệ song phương vốn liên tục gặp rắc rối bởi những nỗ lực nhằm tẩy rửa tội ác chiến tranh của họ”. Xinhua cho rằng, dù quan hệ xấu không có lợi cho nước nào, nhưng Nhật Bản “đã tiến hành hàng chuỗi hành động khiêu khích” trong tháng qua, trong đó có chuyến thăm của các bộ trưởng Nhật Bản đến đền Yasukuni, ngôi đền mà Trung Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản.
Kỳ vọng kết quả APEC
Với chủ đề “Định hình tương lai qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, Trung Quốc đã đề ra nhiều lĩnh vực ưu tiên thảo luận tại APEC 2014, trong đó có hội nhập đầu tư, đổi mới, tăng trưởng toàn diện và kết nối. Nhà nghiên cứu Matthew Goodman ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) cho rằng, đề xuất của Trung Quốc nhằm thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á là điều “rất dễ hiểu” vì nhu cầu phát triển hạ tầng ở khu vực còn rất lớn và Trung Quốc có khả năng lớn để giúp kết nối khoảng cách tài chính.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, APEC nên hội tụ nhiều nền kinh tế khác biệt lại với nhau để làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế ở khu vực, và diễn đàn nên có “tầm nhìn dài hạn như một khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, tiến trình FTAAP sẽ bắt đầu được thúc đẩy trong cuộc họp sắp tới của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Goodman kỳ vọng cả Washington và Bắc Kinh sẽ nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ song phương bằng cách quản lý bất đồng và tăng cường hợp tác. “Tôi kỳ vọng tất cả các vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế sẽ được đưa vào chương trình nghị sự”, ông Goodman nói.