Thuốc sốt rét bất ngờ cháy hàng, người dân mua phòng Covid-19

TPO - Sau khi có thông tin nhiều quốc gia thử nghiệm đưa Chloroquine Phosphate vào phác đồ điều trị Covid-19, tại Việt Nam, nhu cầu mua loại thuốc chống sốt rét trên tăng vọt. Dù là thuốc bán theo đơn, thuộc nhóm thuốc độc bảng B nhưng Chloroquine Phosphate vẫn được nhiều người tìm mua để… chống Covid-19.

Nhiều ngày nay, không ít người dân tự đi mua thuốc sốt rét để phòng thân cho mình và gia đình. Có người mua được còn chụp ảnh khoe lên mạng xã hội như một chiến tích. Từ đó, không ít người rủ nhau đi tìm mua loại thuốc này khiến giá thuốc đang rẻ thành đắt.

Chị T. (nhân viên một quầy thuốc tại chợ thuốc Hapulico Hà Nội) cho biết, từ khoảng một tuần nay, rất nhiều người tới tìm mua Chloroquine Phosphate khiến loại thuốc này gần như cháy sạch. “Đến chiều 20/3 tại chợ thuốc Hapulico Hà Nội, Chloroquine Phosphate đã tăng giá gấp đôi, từ khoảng 60.000 - 70.000 đồng/ lọ lên 130.000 đồng/lọ, rất khó để mua”, chị T. cho biết thêm.

Ghi nhận tại các nhà thuốc khu vực Hà Nội, PV chỉ nhận được cái lắc đầu khi hỏi mua Chloroquine Phosphate, hầu như các hiệu thuốc đều báo đã hết hàng từ vài ngày nay. Một chủ nhà thuốc trên phố Tôn Thất Tùng cảnh báo: “Thuốc này do nhà nước quản lý, nếu có bệnh thì phải đến bệnh viện, đừng tìm mua lung tung”.

Trong vai người có nhu cầu mua Chloroquine Phosphate, PV vẫn dễ dàng mua được loại thuốc độc bảng B này tại một nhà thuốc đối diện bệnh viện Đại học Y (Hà Nội). Chloroquine Phosphate được niêm yết giá 400 đồng/ viên, bán công khai không yêu cầu đơn thuốc (Chloroquine Phosphate là thuốc bán theo đơn).

Thuốc sốt rét bất ngờ cháy hàng, người dân mua phòng Covid-19 ảnh 1

Chloroquine là thuốc bán theo đơn, thuộc nhóm thuốc độc bảng B

Ngỏ ý muốn mua thêm, nhân viên nhà thuốc cho biết, Chloroquine Phosphate này hiện không sản xuất nên chỉ còn lại 13 viên cuối cùng. Số thuốc PV mua được là Cloroquine Phosphat 250mg của CTCP Hoá Dược phẩm Mekophar, sản xuất 8/2017.

Thuốc sốt rét bất ngờ cháy hàng, người dân mua phòng Covid-19 ảnh 2 13 viên Cloroquine Phosphat cuối cùng tại nhà thuốc này được bán với giá 5.000 đồng

Nhân viên nhà thuốc nhỏ trên phố Miếu Đầm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, khoảng 1 tuần nay, dân hỏi mua thuốc sốt rét. “Mọi người đọc thông tin thuốc chống được Covid-19 nên đua nhau hỏi mua. Giờ cửa hàng không có mà bán”, nhân viên hiệu thuốc nói.

Từ thời điểm này, một đồn mười, mười đồn trăm, rất nhiều người đi tìm mua thuốc chứa hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine, giá thuốc từ dưới 100.000 đồng/hộp tăng gấp rưỡi chỉ trong buổi sáng rồi tăng liên tục, giờ giá mua buôn đã trên 200.000 đồng và cửa hàng lẻ đã hết hàng.

Riêng loại thuốc nhập khẩu hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên đã tăng lên 500.000đ/hộp, tăng rất mạnh so với trước mà nhiều nơi còn không có để mua.

Theo tìm hiểu của PV, Chloroquine Phosphate (thuốc độc bảng B) thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt, chỉ được bán với điều kiện nhà thuốc, công ty dược phẩm đã được Sở Y tế cấp phép kinh doanh loại thuốc trên. Đồng thời, phải tuân thủ quy định báo cáo tình hình xuất nhập thuốc độc hàng tháng với Sở Y tế.

Tác hại từ việc người dân tích trữ thuốc sốt rét điều trị Covid-19

Dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa dược (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho biết, Hydroxycloroquin/cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ... Hydroxycloroquin là Cloroquin có gắn thêm nhóm (–OH) để giảm các tác dụng phụ so với Cloroquin thông thường.

Tuy nhiên thuốc vẫn có rất nhiều tác dụng phụ, như khiến mắt: phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc, mất phản xạ hố võng mạc; ảnh hưởng đến thị trường mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, sợ ánh sáng. Những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.

Máu: gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD. Tim mạch: kéo dài khoảng QT, bệnh lý của cơ tim… đây là tác dụng nguy hiểm nhất có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử.

Thuốc này có tác dụng điều trị Covid-19 không?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, câu trả lời là có thể, nhưng hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu lâm sàng không ngẫu nhiên, không đối chứng cũng cho thấy các tín hiệu khả quan về hiệu quả của thuốc.

Tuy nhiên cần lưu ý để đưa một thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe cũng giống như thử nghiệm vắc-xin vậy. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi như một số báo đã đưa tin.

Trả lời câu hỏi người dân có nên dự trữ loại thuốc này không, dược sĩ hà Quang Tuyến khẳng định: “Câu trả lời chắc chắn là không. Thứ nhất, Hydroxycloroquin/cloroquin là thuốc phải kê đơn, việc sử dụng thuốc như thế nào cho có hiệu quả (liều bao nhiêu, thời gian bao lâu) phải do bác sĩ quyết định. Người dân không thể tự sử dụng như các loại thuốc cảm cúm thông thường. Hiện tại, chưa có công bố chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Bộ Y tế Việt Nam về việc điều trị bằng thuốc này. Thứ hai, Hydroxycloroquin/cloroquin có rất nhiều tác dụng phụ đã được ghi nhận. Bệnh nhân sử dụng thuốc phải được theo dõi các chức năng gan, thận, và thị lực tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Đây chính là lý do mà các nhà nghiên cứu lo ngại khi sử dụng rộng rãi thuốc này trên lâm sàng với một chỉ định mới hoàn toàn mà chưa đánh giá đủ các nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn”.

PGS.TS Lân Hiếu nhìn nhận, việc người dân thu gom, tích trữ thuốc tại nhà sẽ dẫn đến thiếu hụt lượng thuốc tại các cơ sở y tế để điều trị cho các bệnh nhân theo đúng chỉ định. Đồng thời sẽ tạo cơ hội cho các “gian thương” đầu cơ, tăng giá thuốc vô tội vạ như câu chuyện thuốc Tamiflu mới đây và khẩu trang hiện nay.

Trường hợp người dân không thể tự sử dụng thuốc như lý do thứ 2 đã nêu dẫn đến một lượng thuốc rất lớn lãng phí bị bỏ đi. Ngoài ra việc điều trị từng trường hợp bệnh nhân phải kết hợp với các biện pháp phòng dịch, cách ly, tránh lây nhiễm ra cộng đồng thì mới có hiệu quả phòng chống dịch lâu dài, triệt để. Việc tự ý điều trị tại nhà không khai báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với công tác phòng chống dịch bệnh chung.

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.