Các Mác nói rằng thuốc dùng để chữa lành cùng lúc hai thứ, đó là bệnh nghi ngờ và bệnh tật (Medicine heals doubts as well as diseases). Không phải ngẫu nhiên mà nhà tư tưởng vĩ đại người Đức đưa căn bệnh "thiếu niềm tin" lên vế trước. Khi liên hệ với bao nhiêu điều tiếng, than vãn của người dân, người bệnh suốt những năm qua về sự hỗn loạn thật giả, với giá cả "trên trời" của mặt hàng thuốc tây giờ mới được cơ quan điều tra "kê đơn".
Thuốc thang gắn với nhân loại qua hàng triệu năm, từ khi loài người biết tìm mọi cách vượt qua từng cơn đau đớn bệnh tật để sinh tồn. Liều dược phẩm đầu tiên thời hang động là gì? Chỉ có thể là nắm lá, khúc rễ cây, khoáng chất ngẫu nhiên có trong bùn đất, nước, lửa... Những bác sĩ đầu tiên cũng là phù thủy, pháp sư.
Bao ngàn năm trôi qua, y học hiện đại đã có những bước tiến khổng lồ. Thế nhưng ngày 31/8/2000, bước vào thiên niên kỷ mới, người dân châu Phi quyết định chọn đó là Ngày Y học cổ truyền của châu lục này, được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Bỏ qua châu Á với nền y học cổ truyền Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập nổi tiếng hàng ngàn năm, việc cái nôi của loài người là châu Phi xác định phải dựa vào thảo mộc núi rừng, vào đa dạng sinh học tự nhiên làm phương thuốc chính để chống lại bệnh tật thời đại, là điều thật đáng suy nghĩ.
Đương nhiên dễ thấy, đó có thể do sự bất bình đẳng mà nhân loại đã và đang dành cho châu lục này, về mọi thứ, trong đó có y khoa, y dược. Rõ nhất là áp lực mà lục địa đen đang phải đối mặt với COVID-19 và hàng loạt các loại virus kinh hoàng khác. Cảm giác như tổ tiên loài người đến lúc phải tự cứu lấy chính mình, bằng những phương thuốc, phương pháp trị liệu truyền thống cổ xưa rẻ tiền nhất. Khi mà chỉ với dân số vài chục ngàn người thời nguyên thủy, họ đã đủ sức đi bộ vượt qua bao rừng rú, hoang mạc, đại dương để tỏa ra khắp trái đất, để có được loài người hiện nay.
Sự bất công về thuốc chữa bệnh thực tế vẫn hiển hiện như bao thứ bất công trên đời này, khi đó luôn là thị trường béo bở bậc nhất. Thuốc giúp kéo dài sự sống cho một bệnh nhân, nhưng tiền bạc để mua thuốc đắt đỏ như hiện nay có thể đẩy cả gia đình họ vào đói nghèo, sạt nghiệp.
Trong thiên truyện ngắn "Thuốc", văn hào Trung Hoa Lỗ Tấn mong ước có phương thuốc chữa trị cho căn bệnh của dân tộc mình. Có lẽ cũng là mong ước của khắp nơi trên hành tinh này.
Ít ra là phương thuốc có thể chạy chữa căn bệnh hoài nghi mất niềm tin vào người bán thuốc và kê đơn thuốc, như Mác đã chỉ ra.