Nhóm thuốc kháng histamin: dùng chống dị ứng, chống say tàu xe hoặc kết hợp với paracetamol trong các viên thuốc hạ sốt giảm đau, chữa cảm sốt thông thường. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc kháng histamin H1 có thể gây suy giảm tình dục do tác dụng ức chế hệ cholinergic.
Kháng histamin H2 (cimetidin) làm giảm tiết HCl của dịch vị, chữa loét dạ dày - hành tá tràng khi dùng liều cao kéo dài cũng thấy có tác dụng làm giảm ham muốn tình dục, gây ức chế việc kích thích, cương cứng, làm khô các mô âm đạo.
Nhóm thuốc chống trầm cảm: như thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng imipramin gây rối loạn nội tiết và tình dục với các biểu hiện thiểu lực, chậm khoái cảm cực độ (thường gặp khi dùng liều cao kéo dài).
Nhóm thuốc SSRI (prozac, paxil, zoloft) hoặc họ hàng với SSRI (effexor, tricyclics) cũng làm giảm ham muốn, sao nhãng chuyện chăn gối và làm chậm quá trình khoái cảm.
Nhóm thuốc ức chế thần kinh: như dẫn xuất phenothiazin (clorpromazin...) hoặc dẫn xuất benzodiazepin (diazepam) có thể gây rối loạn sinh dục (ức chế phóng noãn, vô kinh, chảy sữa, giảm ham muốn tình dục, sao nhãng và chậm quá trình khoái cảm).
Thuốc chữa tăng huyết áp: như thuốc lợi niệu, ức chế beta-giao cảm... làm giảm ham muốn tình dục rõ rệt, làm chậm quá trình khoái cảm.
Các loại thuốc tránh thai hormon, nhất là loại chỉ có progesteron, làm khô niêm dịch âm đạo, làm giảm hưng phấn tình dục cho nữ giới. Không nên dùng loại này cho phụ nữ dưới 40 tuổi. Nên chuyển sang dùng các liệu pháp phi hormon như phóng tinh ra ngoài, bao cao su, tính toán chu kỳ kinh nguyệt...
Nói chung, việc sử dụng thuốc cần có hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc và khi có những triệu chứng khác thường nên báo ngay cho thầy thuốc để có hướng xử trí kịp thời.
Theo BS. Nguyễn Khánh