Thước đo thực lực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi nhận thông báo thưởng Tết cao hơn 30% so với năm ngoái, chị Mỹ Hạnh, công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) không khỏi ngỡ ngàng. Bởi mới đầu tháng trước, công ty cho hơn 20.000 lao động nghỉ luân phiên vì thiếu đơn hàng, khiến mọi người không khỏi lo lắng về lương thưởng cuối năm.

Song thưởng Tết đã ở mức ngoài mong đợi, từ 1 đến 2,2 tháng lương tùy vào thâm niên, tăng đáng kể so với mức cao nhất của Tết năm ngoái (1,54 tháng) và Tết liền kề trước đó (1,87 tháng). Theo đó, công nhân trực tiếp sản xuất nhận thưởng thấp nhất khoảng 6,5 triệu và cao nhất gần 26 triệu đồng. Với thâm niên 20 năm làm việc tại đây, chị Hạnh nằm trong số được thưởng cao nhất.

Dù trong năm gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đơn hàng nên phải giãn giờ làm hoặc sa thải hàng loạt công nhân, nhưng mức thưởng Tết của nhiều doanh nghiệp vẫn cao vượt trội so với năm trước. Công ty TNHH Pousung Việt Nam có nhà máy tại Đồng Nai cũng có mức thưởng Tết 2023 từ 1 đến 2,2 tháng lương/người (cao nhất khoảng 60 triệu đồng/người trong khối quản lý và 30 triệu đồng/người khối trực tiếp sản xuất).

Thước đo thực lực ảnh 1

Nhà báo Đại Dương.

Trong bối cảnh thiếu việc làm, mức thưởng kể trên rất có ý nghĩa đối với người lao động. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc ứng phó với những biến động để duy trì sản xuất và hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Người lao động cũng vì thế ổn định đời sống, an tâm gắn bó với nhà máy, và đó là niềm vui lớn.

Tuy nhiên, những đơn vị có khả năng duy trì sản xuất và giữ chân lao động, đảm bảo lương thưởng…hầu hết là các doanh nghiệp khối ngoại, tức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những doanh nghiệp khối nội, phần lớn đang rất khó khăn do tiềm lực tài chính hạn chế, năng lực quản trị cũng như khả năng liên thông với thị trường thế giới thấp.

Theo chuyên gia kinh tế TS.Trần Đình Thiên, tình hình khó khăn thời gian qua đã bộc lộ rõ rằng các doanh nghiệp FDI tận dụng rất tốt lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đẳng cấp rất cao mà Việt Nam đã tham gia ký kết để gia tăng xuất khẩu, giữ vững chuỗi, mạch cung ứng. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng tốt điều này và đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. “Các hiệp định thương mại tự do là “vốn liếng” cực kỳ quý. Việc bây giờ phải tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng được lợi thế này”, vị chuyên gia nói. Ông cũng cho rằng, nếu không tận dụng được các lợi thế để bật lên thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp trong nước sẽ chìm đắm trong khó khăn kéo dài, và như thế sẽ rất nguy hiểm.

Lương thưởng cuối năm là một thước đo về hiệu quả sản xuất kinh doanh và phần nào phản ánh được thực lực, sức chống chịu của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trước những biến động. Thực lực của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế. Chỉ khi doanh nghiệp thật sự lớn mạnh và khỏe khoắn thì nền kinh tế mới vững và đời sống, thu nhập người lao động mới được đảm bảo ổn định và bền vững.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.