Thuốc chữa 'sốt không rõ nguyên nhân'
Tôi đi khám, làm xét nghiệm và bác sĩ nói, tôi bị "sốt không rõ nguyên nhân", không kê đơn thuốc, mà chỉ đưa ra một vài lời khuyên chung chung. Tôi rất lo lắng và xin cho biết, bệnh của tôi có thể chữa bằng thuốc Đông y hay không?
(Lê Văn Bản, Hồng Bàng, Hải Phòng)
+ Đáp:
Hiện nay “Sốt không rõ nguyên nhân” (SKRNN) đang là một vấn đề nan giải, gây rất nhiều nhức nhối đối với cả thầy thuốc cũng như bệnh nhân. Trong Y học hiện đại, SKRNN chỉ tình trạng thân nhiệt cao hơn 38,3oC trong thời gian dài mà chưa đưa ra được kết luận chẩn đoán và biện pháp chữa trị cụ thể. Trong khi đó, tình trạng sốt kéo dài đó, có thể là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm, như lao phổi, viêm màng tim, viêm tủy, viêm động mạch, ung thư đại tràng, ung thư máu ...
Thông thường, khi tới sốt, đa số thường cho rằng, là do bị cảm cúm, hoặc do nhiễm trùng, nghĩa là do các nhân tố gây bệnh từ bên ngoài vào. Thực ra, trong rất nhiều trường hợp, sốt có thể do những nguyên nhân từ bên trong cơ thể gây nên. Đông y gọi đó là “Nội thương phát nhiệt”, nghĩ là “Sốt do nội thương”. Theo Đông y, “Sốt không rõ nguyên nhân” trên thực tế chỉ là một dạng của “Nội thương phát nhiệt”.
Đông y chia chứng sốt (phát nhiệt) thành hai loại: sốt ngoại cảm và sốt nội thương. Sốt ngoại cảm và sốt nội thương có những biểu hiện không giống nhau. Sốt ngoại cảm (do tác nhân bên ngoài) có đặc điểm: Bệnh phát sinh tương đối nhanh, bệnh trình tương đối ngắn, phát sốt ở nhiệt độ tương đối cao, lúc bệnh mới phát nói chung thấy sợ lạnh, mặc thêm quần áo hoặc đắp chăn thì thấy đỡ lạnh; Sốt ngoại cảm thường kèm theo đau đầu, đau mình mẩy, mũi tắc, chảy nước mũi, ho ...
Còn “Nội thương pháp nhiệt” – “Sốt nội thương” có đặc điểm là, phát tác tương đối chậm, bệnh trình lại tương đối dài. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là nói chung sốt nhẹ, nhưng có khi có thể sốt cao; một số trường hợp sốt lúc cao lúc nhẹ không nhất định, nhưng chủ yếu là sốt nhẹ. Nói chung thường không sợ lạnh, hoặc cảm thấy lạnh nhưng mặc thêm quần áo, hoặc đắp chăn lại cảm thấy nóng. Thường kèm theo hiện tượng váng đầu, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, tự hãn, đạo hãn, mạch nhược. Một số bệnh nhân chỉ có cảm giác phát sốt, hoặc cảm thấy lòng bàn chân bàn tay và giữa ngực nóng rát, những khi cặp nhiệt độ là thấy thân nhiệt không tăng cao; Cũng được xếp loại trong phạm vi "nội thương phát nhiệt".
Theo Đông y, cơ chế gây nên “Sốt nội thương”, là do các tổn thương bên trong cơ thể, chủ yếu là âm dương thất điều (mất điều hòa), khí huyết khuy tổn, hoặc chức năng của ngũ tạng lục phủ bị rối loạn, gây nên. Từ hơn 2000 năm trước, sách “Hoàng đế Nội kinh” bộ sách kinh điển cổ nhất của Đông y, đã luận thuật tương đối tỉ mỉ về hiện tượng sốt do âm hư (Âm hư phát nhiệt). Cùng với thời gian, trên cơ sở quan sát thực tế và đúc kết kinh nghiệm lâm sàng, Đông y đã phát hiện thêm nhiều cơ chế khác, cũng có thể dẫn tới “Nội thương phát nhiệt”. Hiện tại, Đông y đã nhận thức được rằng: “Sốt nội thương” có thể do 7 cơ chế chủ yếu sau đây gây nên: 1. “Khí uất phát nhiệt”; 2. “Huyết ứ phát nhiệt”; 3. “Thấp uất phát nhiệt”; 4. “Khí hư phát nhiệt”; 5. “Huyết hư phát nhiệt”; 6. “Âm hư phát nhiệt”; 7. “Dương hư phát nhiệt”.
Theo một số biểu hiện mà bạn viết trong thư, hiện tượng “sốt không rõ nguyên nhân” của bạn, nhiều khả năng thuộc trường hợp “Khí uất phát nhiệt”; Còn gọi là “Can uất phát nhiệt”. Thể bệnh này thường có những biểu hiện chủ yếu như sau: Thân nhiệt cao hơn bình thường, nhiệt độ cơ thể dao động lên xuống theo sự biến động của tình cảm; Tinh thần trầm uất hoặc phiền táo, bồn chồn, dễ nổi giận; Ngực ngột ngạt, mạng sườn đầy tức, miệng khô đắng, đêm ngủ không yên giấc, ...; Nếu là phụ nữ thường kiêm thêm chứng kinh nguyệt không điều hòa và thống kinh (đau bụng khi hành kinh). Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Để chữa trị, bạn có thể sử dụng thử Món ăn – Bài thuốc (trường hợp bệnh nhẹ) hoặc Bài thuốc (trường hợp bệnh nặng) dưới đây:
1. Món ăn – Bài thuốc:
- Nguyên liệu: Sài hồ 6g, đan bì 6g, bạch thược 10g, thịt lợn nạc 30g, gia vị lượng thích hợp.
- Cách chế: Sài hồ, đan bì, bạch thược rửa sạch, cùng ninh với thịt lợn, nấu đến khi chín nhừ thì thêm gia vị cho vừa miệng.
- Cách dùng: Ăn thịt, uống nước canh.
- Tác dụng: Sơ can giải uất thanh nhiệt; dùng chữa sốt không rõ nguyên nhân (sốt nội thương) do can khí uất kết.
2. Bài thuốc:
- Thành phần: Sài hồ 10g, đương quy 12g, bạch thược 30g, bạch truật 12g, phục linh 15g, cam thảo 6g, đan bì 12g, tiêu chi 10g.
- Cách chế và sử dụng: Thêm bạc hà, sinh khương sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày.
- Tác dụng: Sơ can giải uất thanh hỏa; dùng chữa sốt không rõ nguyên nhân (sốt nội thương) do can khí uất kết.
Lương y Hư Đan
Tri Thức Trẻ