Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng vĩ đại của dân tộc đã trở về với đất mẹ tại Mũi Rồng- Vũng Chùa- Đảo Yến. Tại Làng An Xá - nơi còn lưu dấu ngôi nhà lưu niệm và “hình ảnh tuổi thơ” của Người, chúng tôi thật may mắn được nghe những câu chuyện của bậc tiền bối để tìm hiểu thêm về tuổi thơ, cốt cách con người huyền thoại, đặc biệt là sự “ham học” của Đại tướng.
Thân sinh của Đại tướng, cụ Võ Quang Nghiêm (cụ Nghiêm Cữu phẩm), một nhà nho, thầy giáo, thầy thuốc... sớm giác ngộ cách mạng, bị giặc Pháp bắt vào năm 1947, và hy sinh ở trong lao Thừa Phủ (Huế).
Phụ mẫu của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Kiên (quê Sơn Thủy- Lệ Thủy), một mẫu người phụ nữ Việt Nam “Công dung- ngôn hạnh- trung hậu- đảm đang”. Thân sinh của bà là là một trong những thủ lĩnh Cần Vương, nên anh em nhà Đại tướng cũng được thụ hưởng phần nào về cốt cách khí tiết từ nhà ngoại.
Theo cụ Lê Thanh Châu, nhà Đại tướng có 6 anh chị em, trước Đại tướng là anh đầu và 2 chị, sau là một em trai và em gái. Nhà Đại tướng có tiếng thông minh hơn người. Nhất là người anh đầu của Đại tướng.
Theo các cụ kể lại, thì tuổi thơ Đại tướng ở quê nhà, suốt ngày cầm cuốn sách với niềm đam mê đọc- học. Cây khế trên 115 tuổi ở sau nhà là một “chứng tích” mà Đại tướng thường trèo lên đó nằm đọc sách.
Theo cụ Lê Thanh Châu, vị đại tá, người học trò trong Quân đội của Đại tướng cho hay: Sau khi vào Huế học, do học giỏi quá, thầy giáo Nguyễn Chí Diễu đã kết nạp Võ Nguyên Giáp vào phong trào cách mạng. Từ đó, tướng Giáp sớm giác ngộ cách mạng, tiếp xúc tinh thần yêu nước của dân tộc từ rất thủa 12- 13 tuổi. Năm 1927- 1928 sau khi bị phát hiện hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp bị đuổi học về quê trong thời gian gần 2 năm.
Cụ Châu cho rằng, thời gian này Đại tướng tổ chức tổ đọc sách báo tại chùa An Xá, thu hút thanh niên trí thức trong làng (như: Võ Thuần Nho, Đào Viết Doãn, Lý Huy...), sau đó lan ra nhiều thôn, xã khác. Từ đó “găm” phong trào yêu nước trong thanh niên, trí thức.
Điều thứ hai, đó là Đại tướng đã tổ chức trường học Thành Chung cũng ngay ở An Xá với gần 100 người (cụ Châu cũng là học trò của trường này) mượn nhà dân để học. Tập hợp những người yêu nước làm giáo viên, ngoài việc dạy chữ, còn là nơi tham gia phong trào yêu nước. Được 2 năm, đốc học tỉnh cho rằng đây là cơ sở cách mạng nên lấy cớ không cho mở trường.
Sau khi ra Hà Nội hoạt động, hàng năm cụ gặp thanh niên yêu nước hướng dẫn hoạt động, tổ chức tuyên truyền, đấu tranh. Đại tướng chính là người có công gây dựng phong trào cách mạng tại Lệ Thuỷ sớm nhất, nhiều người hoạt động trở thành cán bộ cốt cán của huyện, tỉnh. Khi phong trào hoạt động và đội ngũ vững mạnh, tháng 2- 1945, chùa An Xá đã được chọn làm nơi ra đời của Ban vận động thống nhất tỉnh Quảng Bình.
Nói về Đại tướng, trước hết đó là tinh thần ham học. Thời kỳ hoạt động ở trường Quốc học Huế bị lộ, bắt về cư trú ở quê gần 2 năm. Cụ không bao giờ rời quyển sách trên tay. Bà con, anh em, bạn bè khi tiếp xúc cùng lắm chỉ 15 phút, sau đó cụ tìm cách lẩn tránh để đọc sách, tự học.
Cụ Châu cho rằng, ưu việt của Đại tướng ngoài thông minh, ham học, giác ngộ sớm thì được tiếp xúc với sớm, gần gũi với Bác Hồ nên khó ai có được trí tuệ uyên thâm như Đại tướng.Bác Châu ngẫm nghiệm: Tất cả hồi ký của Đại tướng, dường như tất cả thâu tóm lại 2 vấn đề, 2 câu nói mà Bác Hồ trao lại như 2 chiếc “đũa thần”- Bác Hồ khuyên Đại tướng trong Hang Pắc Pó: “Làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng” và “Có dân có tất cả”.
Trong ngôi nhà lưu niệm tại làng An Xá, vẫn có hàng trăm đoàn đến viếng Đại tướng mỗi ngày từ khi Đại tướng ra đi. Họ thầm cảm ơn vùng đất này đã sinh ra bậc tướng tài khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Theo Tri thức trẻ