'Thung lũng silicon' của Hà Nội: Làm sao để thu hút nhân tài?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Được ví như “thung lũng Silicon” của Thủ đô và cả nước, nhưng 25 năm qua, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc chưa phát triển được như kỳ vọng. Việc bàn giao khu CNC về UBND TP Hà Nội quản lý được xem là bước ngoặt với mong muốn tạo đột phá cho khu vực này.
'Thung lũng silicon' của Hà Nội: Làm sao để thu hút nhân tài? ảnh 1
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Nhằm giải quyết các nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ sau thời kỳ đổi mới, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg, ngày 12/10/1998, trên khu vực rộng 1.586 ha. Khu CNC này nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây, vốn đã được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 372/QĐ-TTg, ngày 2/6/1997.

Đến năm 2008 và 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch tại đây. Theo đó, Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học, với đầy đủ các dịch vụ tiện ích. Khu bao gồm những vùng chức năng chính như khu phần mềm; khu nghiên cứu và triển khai (R&D); khu giáo dục và đào tạo; khu CNC; khu trung tâm; khu hỗn hợp; khu nhà ở; khu giải trí và thể thao; hồ Tân Xã và vùng đệm; giao thông và các công trình đầu mối kỹ thuật và khu cây xanh.

Theo thống kê, Khu CNC Hòa Lạc hiện đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380 ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động tại khu CNC đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là con số quá khiêm tốn so với chức năng khu CNC là nơi tạo đòn bẩy về phát triển kinh tế tri thức dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ mang tính đi tắt, đón đầu. Trong khi đó, dù đã trải qua 25 năm thành lập và phát triển nhưng hạ tầng khu CNC Hòa Lạc vẫn chưa hoàn thiện khi vẫn còn hàng trăm ha chưa được giải phóng mặt bằng, phần diện tích này nằm ở huyện Thạch Thất và Quốc Oai.

Ngày 10/10/2023, Chính phủ đã quyết định chuyển giao công tác quản lý Nhà nước khu công nghệ này từ Bộ KH&CN về TP Hà Nội quản lý. Đây được xem là bước ngoặt mang tính quyết định nhằm nâng tầm của khu CNC này.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích theo quy hoạch là 1.586ha, nằm trên địa bàn hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai, được quy hoạch thành 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ như hồ, vùng đệm, cây xanh. Quy mô dân số Khu công nghệ cao theo dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người. Tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.410ha, diện tích còn lại là 176ha, trong đó huyện Quốc Oai là 8,67ha, huyện Thạch Thất là 167,33ha.

Xây dựng cơ chế đặc thù khi về Hà Nội

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi khu CNC Hòa Lạc được bàn giao về Hà Nội, cuối tháng 2/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc. Trong đó quy định rõ thẩm quyền của Ban trong việc xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt các kế hoạch phát triển khu CNC; Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, huy động nguồn lực, xã hội hóa để xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật; Cơ chế thu hút, chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý; Các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác... “Hiện Ban quản lý dự án Khu CNC Hòa Lạc đang thực hiện sắp xếp nhân sự và các nhiệm vụ liên quan”, đại diện UBND TP Hà Nội thông tin.

Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án Khu CNC Hòa Lạc cho biết, hiện Ban đang thực hiện nhiệm vụ sắp xếp nhân sự và đề án hoạt động. Khu CNC Hòa Lạc cần thành phố bổ sung các cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút đầu tư và thực hiện đãi ngộ tốt đối với các chuyên gia làm việc tại đây. Bên cạnh đó cần bố trí vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách trung ương để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu CNC Hòa Lạc trong giai đoạn tới.

Nhận định về việc chuyển giao khu CNC Hòa Lạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để TP cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là khu CNC Hoà Lạc”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để phát triển được Khu CNC Hòa Lạc xứng tầm, Hà Nội nhất thiết phải có chính sách đủ độ tin cậy để thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn đặt các khu nghiên cứu tiên tiến. Ngoài ra hạ tầng, cơ sở vật chất, môi trường sống phải được đầu tư bài bản, nâng cao chất lượng. Cuối cùng là những chính sách đãi ngộ đặc biệt ưu tiên cho Khu CNC Hòa Lạc để những nhà khoa học trong và ngoài nước có thể làm việc lâu dài, đem tài năng cống hiến vì sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

“Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khu CNC Hòa Lạc trong năm 2024. Đồng thời sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai”, lãnh đạo thành phố Hà Nội nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.