Thuế TNCN : không ảnh hưởng đến mức sống hiện tại ?

Thuế TNCN : không ảnh hưởng đến mức sống hiện tại ?
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân với những thông tin về việc người dân có thu nhập 1 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế đang khiến người lao động có thu nhập thấp lo ngại và dư luận phản ứng dữ dội.
Thuế TNCN : không ảnh hưởng đến mức sống hiện tại ? ảnh 1
Sẽ khấu trừ thuế thu nhập ngay trên những đồng lương ít ỏi?

Tại sao lại có chuyện như vậy, ban soạn thảo đang hướng tới đích gì khi đưa ra những điều khoản như vậy? Để rộng đường dư luận, báo giới đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, thành viên ban soạn thảo dự luật. Ông Trung cho biết:

- Nghĩ rằng cứ có thu nhập 1 triệu đồng là sẽ bị đánh thuế ngay là chưa chính xác. Khi xây dựng luật này, quan điểm của chúng tôi là xây dựng tại Việt Nam hai luật “mẹ” về thuế: nếu anh là pháp nhân thì chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nếu anh là cá nhân thì chịu sự điều tiết của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Hướng cải cách thuế của chúng ta đã xác định như vậy và nó cũng giống như các quốc gia có hệ thống các luật thuế hoàn chỉnh khác.

Cũng vì vậy, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khác cơ bản so với pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao khi hướng tới qui định: nếu cá nhân có thu nhập thì sẽ có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Theo chính sách thuế hiện hành, thu nhập của các cá nhân được điều chỉnh bởi các sắc thuế khác nhau: Cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công thì được điều chỉnh bởi pháp lệnh về thuế đối với người có thu nhập cao.

Cá nhân hộ kinh doanh có thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì bị điều chỉnh bởi thuế thu nhập doanh nghiệp. Cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất thì nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất... Vì thế, Luật Thuế thu nhập cá nhân đang được soạn thảo có mục tiêu thống nhất tất cả các chính sách điều tiết về thuế của các sắc thuế có liên quan đến thu nhập của cá nhân. Đây là lý do đối tượng của luật này rộng hơn.

Đó là lý do khiến một số phương án của dự thảo luật đưa ra biểu thuế áp dụng ngay từ đồng thu nhập đầu tiên. Tuy nhiên, qui định như vậy nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người đều sẽ phải nộp thuế ngay khi có thu nhập. Trong luật thuế mới, người lao động sẽ được tính toán để chiết giảm một số khoản nhất định đảm bảo cho cuộc sống. Đây chính là cái tiến bộ hơn hẳn, giải quyết được những bất cập mà pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đang còn tồn tại là không có phân biệt giữa các đối tượng chịu thuế.

Nhưng nếu mức chiết giảm gia cảnh thấp như bản dự thảo vừa qua đưa ra thì liệu có phải là đang kéo tụt cuộc sống của người lao động, thưa ông?

Hiện tại chưa có một dự thảo chính thức nào được đưa ra, tôi có thể khẳng định như vậy. Cái mà báo chí vừa qua đề cập chỉ là một trong những phương án mà các tổ chuyên viên của ban soạn thảo đang đề nghị. Luật Thuế, khi xây dựng và đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo mục tiêu khuyến khích lao động, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân nên chắc chắn sẽ được cân nhắc kỹ để không ảnh hưởng đến mức sống hiện tại của người dân.

Ngay như việc chuyển các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình sang thuộc diện đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân, theo tôi nghĩ, cũng đã thể hiện quan điểm này. Nếu tính toán cụ thể giữa thuế thu nhập doanh nghiệp mà các hộ kinh tế này phải chịu với thuế thu nhập cá nhân, rõ ràng mức thuế sau sẽ có lợi hơn đối với các hộ kinh tế vì nó có mức thuế suất lũy tiến mà chắc chắn sẽ thấp hơn thuế suất 28% của thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại.

Cho dù là phương án chứ chưa phải dự thảo chính thức, ông nghĩ liệu xây dựng mức chiết giảm gia cảnh như vậy có hợp lý?

Vì đây chỉ là một phương án nên tôi không muốn bình luận. Nhưng chắc chắn mức thuế mà dự thảo chính thức đưa ra sẽ phải phù hợp với mức sống ngày càng đi lên của người dân. Với thời gian dự kiến áp dụng luật thuế mới là từ năm 2009, chúng tôi sẽ tính toán để mức chiết giảm là hợp lý so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập và mức sống của người dân.

Mức chiết giảm cụ thể như thế nào, hiện nay tôi chưa thể đưa ra một con số cụ thể. Nhưng đấy mới chỉ là một vế. Cái cơ bản, theo tôi nghĩ, là luật thuế này phải có sự phân biệt rõ ràng về hoàn cảnh của từng người lao động có thu nhập để từ đó tính toán số thuế phải nộp. Rõ ràng một anh đang sống độc thân và một anh có gia đình nhưng phải đóng cùng một mức thuế thì sẽ không hợp lý.

Tới đây, tôi còn muốn rằng dự thảo luật sẽ còn phải xem xét cả việc phân biệt những vấn đề khác nữa khi tính thuế, ví dụ như phân biệt giữa người lao động đã qua đại học và người lao động chưa qua đại học. Tính toán đầy đủ các chi phí đầu vào để người lao động có thể tạo được thu nhập để chiết giảm khi tính thuế là đích mà chúng tôi nhắm tới.

Như với những người tốt nghiệp đại học chẳng hạn, những khoản chi phí cho quá trình học tập trước đó cũng sẽ được tính toán cộng vào phần chi phí vì đó rõ ràng là phần chi phí cơ hội để họ có thể có được khoản thu nhập cao hơn về sau.

Vậy đâu sẽ là cơ sở để ban soạn thảo đưa ra mức chiết giảm gia cảnh, thưa ông?

Khi xây dựng mức chiết giảm, ban soạn thảo đã đưa ra nguyên tắc là phần chiết giảm này phải đủ để người lao động có thể đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống, có tính đến việc tăng mức sống, có tích lũy cá nhân.

Chính vì vậy, mức chiết giảm này sẽ được xác định trên cơ sở các kết quả điều tra định kỳ của Tổng cục Thống kê về chi tiêu và mức sống của người dân, kết hợp với các yếu tố của cải cách tiền lương theo lộ trình đã được duyệt và mức tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế, trong những năm tới.

Sau khi trừ đi các khoản giảm trừ nói trên, thu nhập còn lại của người nộp thuế mới coi là thu nhập để tính thuế và dự kiến áp dụng thuế suất thấp hơn mức 10% khởi điểm hiện nay.

Vậy nếu so với các qui định hiện nay của pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, người đóng thuế liệu có được giảm số thuế phải nộp?

So với biểu thuế thu nhập về tiền lương, tiền công của pháp lệnh hiện nay thì mức động viên theo các phương án của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ ít hơn. Nhìn chung, những người đang đóng thuế theo pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao hiện nay sẽ phải đóng ít hơn, các hộ kinh doanh cũng vậy.

Với những gì mà ban soạn thảo đang tính toán để đưa vào dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, sẽ xảy ra tình huống những người có thu nhập hiện tạm gọi là cao thì được giảm thuế, trong khi những người đang có thu nhập dưới mức này lại phải đóng thuế. Ông nghĩ như vậy có hợp lý?

Chưa thể kết luận như vậy được vì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể của mức chiết trừ cho người nộp thuế. Có trường hợp sẽ không phải đóng thuế nếu như sau khi trừ đi các khoản giảm trừ.

Vấn đề ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, là đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, có xem xét tới gia cảnh cụ thể của từng cá nhân.

Nhưng vẫn có cảm giác là Bộ Tài chính khi xây dựng luật này đang muốn tận thu cho ngân sách từ các cá nhân người lao động.

Nếu muốn tận thu thì chúng tôi đã không chuyển đối tượng hộ kinh doanh sang chịu sự điều chỉnh của luật thuế này. Cái mà chúng tôi hướng tới là tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ giữa tất cả các cá nhân trong xã hội.

Quyền và nghĩa vụ về thuế của người có thu nhập thấp và thu nhập cao là như nhau, nhưng khi tính toán để nộp thuế, Nhà nước sẽ xét cụ thể từng trường hợp, nếu anh có thu nhập thấp, chỉ đủ để đảm bảo cuộc sống thì Nhà nước sẽ không thu. Đó chính là lý do mà chúng tôi đưa ra khái niệm chiết giảm gia cảnh.

Nghĩa vụ của người dân là đóng thuế để phát triển đất nước. Nhưng vấn đề là những đồng tiền thuế hiện vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, vẫn bị tham nhũng, tham ô. Liệu tới đây Luật Thuế thu nhập cá nhân có giúp làm rõ được việc tiền thuế thu nhập cá nhân của người dân đi đâu, được sử dụng như thế nào?

Đúng là việc sử dụng ngân sách, trong đó có phần đóng góp từ thuế của các cá nhân, vẫn còn những khoản chưa hiệu quả, bị thất thoát và tới đây, việc rà soát, công khai về chi tiêu ngân sách và hiệu quả sử dụng vốn ngân sách sẽ phải được nâng cao hơn nữa.

Đây là điều mà Luật Ngân sách nhà nước đã đề cập rồi và tới đây phải tiếp tục làm. Nhưng còn nếu nói rõ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân tiêu vào đâu thì hơi khó vì nó được tính chung như một phần của thu ngân sách chứ không phải là thu rồi thì sẽ tính rõ là sử dụng vào khoản nào. Không thể tính toán sử dụng ngân sách như vậy được.

Hiện tại, nhiều cục thuế đã than việc thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao rất khó khăn và bị “bỏ sót” nhiều. Liệu Bộ Tài chính đã tính toán tới đây việc thu thuế thu nhập cá nhân sẽ được thực hiện như thế nào khi sẽ có thêm rất nhiều đối tượng bổ sung vào diện chịu thuế?

Việc khấu trừ thuế sẽ tính ngay từ nguồn nên tôi nghĩ không có vấn đề gì đáng ngại. Ví dụ như với tiền lãi từ chứng khoán, từ tiền gửi ngân hàng thì được khấu trừ ngay từ ngân hàng, từ công ty chứng khoán. Bản thân các hộ kinh doanh mà con số lên tới trên 2 triệu hộ, vừa qua chúng tôi vẫn quản lý được thì tới đây cũng sẽ không có vấn đề gì đáng kể.

Nhưng như vậy có nghĩa là cơ quan thuế mới chỉ nắm được “người có tóc” chứ không nắm được “kẻ trọc đầu” khi mà nhiều người có các khoản thu nhập không thể hiện qua tài khoản, không qua cơ quan, tổ chức nào?

Quả thật đây là vấn đề lớn, xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tiền mặt. Để khắc phục đặc điểm này thì phải qua hàng loạt chính sách và phải có thời gian mới có thể đạt được. Nếu chờ đến khi đủ các điều kiện đấy rồi mới làm thì sẽ rất lâu, nên bây giờ mình làm dần từng bước chứ không thể chờ đợi được.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG