Việc công bố công khai văn kiện giúp tất cả các bên liên quan có thể tìm hiểu về các nội dung của hiệp định sớm, trước khi diễn ra quá trình phê chuẩn nội bộ ở cả phía EU và Việt Nam. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85% số dòng thuế, tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế, tương đương 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Với Việt Nam, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với ngành dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên); EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm; EU miễn thuế hoàn toàn với mật ong, các sản phẩm rau củ quả, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh… Với EU, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau từ 9 tới 10 năm khi hiệp định có hiệu lực với ô tô, xe máy, rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn, thịt gà…
Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu sau lộ trình nhất định; chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm quan trọng, trong đó có dầu thô và than đá.
Việt Nam và EU cam kết tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, với một số lĩnh vực như dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối.
Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước. Hai bên cũng đạt được những cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững…