Theo cáo trạng, cuối năm 1998, Nguyễn Thị Thanh Phương (ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã nhờ Định Thị Tâm (ở xã Bắc Sơn, huyện Thống Nhất, nay là huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) làm giả giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú, giấy đăng ký kết hôn và một số giấy tờ khác cho 3 bộ hồ sơ con lai giả với giá từ 4.000 USD - 10.000 USD/bộ.
Sau đó, Tâm đã đến gặp Nguyễn Minh Vương (văn thư UBND xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai thời điểm đó; người được giao giữ con dấu của UBND xã) để nhờ làm giả giấy tờ cho 3 bộ hồ sơ con lai giả nêu trên và thỏa thuận sẽ trả công 3 lượng vàng 96%.
Nhận lời, Vương “bắt tay” với Đỗ Ngọc Sơn, khi đó là Phó trưởng Công an xã Phú Lâm, huyện Tâm Phú, Đồng Nai thực hiện. Theo phân công, Vương có trách nhiệm đánh máy, điền các thông tin theo quy định cho 3 bộ hồ sơ giả, ký giả chữ ký của Chủ tịch UBND xã và đóng dấu; còn Sơn xác nhận hộ khẩu cho 3 bộ hồ sơ này và ký tên đóng dấu Công an xã.
Sau khi hoàn tất 3 bộ hồ sơ giả con lai, Vương giao lại cho Tâm và nhận trước 200 USD. Số tiền và vàng còn lại, Tâm hứa sẽ trả sau. Bằng các bộ hồ sơ con lai được làm giả, Nguyễn Thị Thanh Phương và đồng phạm đã đưa 2 trường hợp và thân nhân của họ đi Mỹ và được chấp thuận định cư tại nước này vào năm 2000. Còn một trường hợp được thu xếp đưa đi Mỹ vào tháng 9/2001, nhưng sau đó bị phát hiện giả mạo…
Sau đó, những đối tượng liên quan đến phi vụ làm giả hồ sơ con lai lần lượt bị bắt giữ, đưa ra xét xử và tuyên phạt từ 3 năm tù treo cho đến 30 năm tù giam về các tội “tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, giả mạo trong công tác”.
Riêng bị can Nguyễn Minh Vương bỏ trốn cho đến cuối tháng 1/2016 thì bị Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an bắt theo quyết định truy nã và phục hồi điều tra bị can về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.