Thực sự tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo

Thực sự tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo
TP - Từ 17- 18/11 tại TPHCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư tổ chức hội thảo quốc gia “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập”.

Tham dự hội thảo có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM… Đây được coi là cuộc tập hợp ý kiến của nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, nhà lý luận phê bình văn nghệ sĩ để đóng góp cho việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập.

Chiều 17/11, các đại biểu tham dự hội thảo chia thành 3 tiểu ban làm việc: Tiểu ban lý luận chung; Tiểu ban quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn học, nghệ thuật; Tiểu ban thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật. Yếu tố “thị trường” khiến cho bầu không khí ở Tiểu ban này sôi động và bám sát đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay.

Văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… đều cất tiếng nói chung: cần Nhà nước hỗ trợ, bồi dưỡng tài năng- điều mà tư nhân chỉ có thể sử dụng được nhân tài chứ không gánh được chức năng đào tạo.

NSND Chu Thuý Quỳnh than: “Có những nghệ sĩ học ballet cực khổ, đi thi quốc tế giành giải vẻ vang nhưng về nước chỉ lĩnh mức lương 900.000 đồng/tháng rồi lại phải thi lên thi xuống mấy lần không đạt chuẩn công chức… Nản lòng!”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương đưa ra ví dụ tiêu biểu của mỹ thuật thời cơ chế thị trường: “Trước đây 99% họa sĩ trở thành cán bộ, nay 90% ra trường không làm việc cho Nhà nước. 3/4 số họa sĩ hiện nay là họa sĩ mỹ thuật ứng dụng, chỉ 1/4 đúng là họa sĩ vẽ tranh, nặn tượng. Hội Mỹ thuật bây giờ tập hợp được anh em trẻ rất khó…”.

Nhà văn Ngô Thảo lo ngại: “Lớp trẻ hiện nay có năng khiếu nhưng dường như chậm phát triển, hơi hiếm các tác giả ở tuổi 30 sớm được xã hội công nhận như lớp văn nghệ sĩ xưa. Lực lượng tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật đông nhưng cấu trúc chưa đa dạng, giống như cánh đồng toàn cây ngắn ngày mà thiếu cây cao bóng cả…”.

Các vấn đề đặt ra trong hội thảo sẽ được tập hợp thành hệ thống các kiến nghị để nghiên cứu tìm giải pháp đồng bộ.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trương Tấn Sang nói: “Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, Bộ Chính trị nhấn mạnh: Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, vì vậy, chăm lo bồi dưỡng, quý trọng, phát huy và phát triển các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.

Từ đó lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật phải thực sự tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ”.

Nói về văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, rất phức tạp của cơ chế thị trường và hội nhập, đồng chí Trương Tấn Sang nêu rõ: “Trong bối cảnh rất mới, phong phú và phức tạp đó, yêu cầu của cách mạng và mong mỏi của nhân dân là sự nghiệp văn học, nghệ thuật của chúng ta phải lớn mạnh hơn, chủ động và bản lĩnh hơn để sáng tạo ra những tác phẩm và tác giả có giá trị, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của dân tộc, vừa tiếp nhận có chọn lọc những giá trị mới của thế giới, vừa khẳng định được bản sắc, cốt cách dân tộc Việt Nam thời hiện đại...”.

Đồng chí Trương Tấn Sang  hy vọng cuộc hội thảo “sẽ góp phần quan trọng giải đáp câu hỏi: Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, văn nghệ sĩ chúng ta sẽ phải làm gì? Đảng và Nhà nước ta cần phải có những giải pháp nào để văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa...”.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.