Thức lại nghệ thuật diễn xướng thi ca Chăm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Buổi trình diễn thơ Chăm và trò chuyện về hình thức diễn xướng thi ca Hari Ariya chủ đề “Cò cò, sao mày ốm nhom?” khơi gợi lại một nét đời sống, văn hóa, tình cảm thường nhật đầy sắc màu độc đáo của người Chăm.
Thức lại nghệ thuật diễn xướng thi ca Chăm ảnh 1

Nhà thơ Kiều Maily diễn xướng “Chỉ còn lại sỏi đá”

“Cò cò, sao mày ốm nhom?” với sự tham gia của những nghệ sĩ, thi sĩ, nhà nghiên cứu người Chăm và người yêu thích văn hóa, văn học Chăm được tổ chức bởi CAB Hoian vừa diễn ra tại thôn Bến Trễ, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Giám tuyển nghệ thuật là nghệ sĩ Chinh Ba, cũng là người sáng lập ra không gian CAB Hoian – một không gian kết nối các hoạt động nghệ thuật đương đại tại Hội An.

“Hari” trong tiếng Chăm có nghĩa là ngâm, “Ariya” có nghĩa là thơ, ca. Khi kết hợp Hari Ariya là hình thức diễn xướng thi ca của người Chăm. Người Chăm hát cho chính mình và chia sẻ với mọi người cùng nghe, hát để giải tỏa, để ru mình vào cõi lạ. Thơ Chăm gồm 7 làn điệu chính, Hari tuy lặp đi lặp lại nhưng mang một cốt truyện riêng từng tác phẩm.

Nói về Hari Ariya, cố nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trà Vigia, định nghĩa: “Hari Ariya là hình thức diễn xướng thi ca của người Chăm. Người Chăm hát Hari cho chính mình và chia sẻ với mọi người cùng nghe, xa hơn là cho cảnh vật xung quanh dù cho đó chỉ là lũ côn trùng hay cát bụi nhân gian! Hari để giải tỏa, hari để ru mình vào cõi lạ, để thoát ra cảnh giới mà mình đang ngụ cư tạm bợ nhất thời bởi không gì là tồn tại mãi mãi…”.

“Cò cò, sao mày ốm nhom?” ngoài nội dung trò chuyện về Hari với nhà thơ, nhà nghiên cứu Tuệ Nguyên, diễn xướng Hari Ariya của nữ thi sĩ Chăm Kiều Maily, người thưởng ngoạn còn được trải nghiệm viết những chữ cái Chăm đầu tiên với Tuệ Nguyên, và với Ja Yang – nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, dịch giả với nhiều tác phẩm, văn bản Chăm cổ viết tay.

Lặng đi khi Kiều Maily diễn xướng thi phẩm “Chỉ còn lại sỏi đá” với bình gốm đựng nước, gợi lại tính nữ thiêng Chăm và những bản đồng dao, ca dao Chăm vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Khi Ja Yang chép bài đồng dao Ginaong (Giận hờn) bằng chữ Chăm xuống đất trong trình diễn hát ngâm Hari Ariya Gleng Anak. Talk với Tuệ Nguyên về hình thức hát ngâm Hari và tính khải ngộ trong thi ca dân gian Chăm.

Thức lại nghệ thuật diễn xướng thi ca Chăm ảnh 2

Tuệ Nguyên và Ja Yang dạy viết chữ cái Chăm

Đời sống vắng lặng tiếng hát Hari trên khắp nẻo đường, Hari như lặng lẽ nấp một bên, chậm rãi hay là đi ngược lại với sự phát triển của nhân loại. Đó chính là nội dung và những ngụ ý nghệ thuật mà các nghệ sĩ muốn gửi đến khán giả.

“... trong một thế giới mọi thứ đều tầm thường hóa

không ai còn tin những điều

phi thường

tình yêu thương sự hi sinh

nên tôi chỉ muốn khai báo vậy nhưng

tôi ít khi quan tâm đến tên họ, quê quán, dân tộc tôn giáo hay quốc gia

vì tôi lúc nào cũng có cảm giác một mình hoang mang về gốc nguồn và nơi ở

tôi cũng ít khi quan tâm đến tuổi tác theo thủ tục hành chính

vì lẽ tôi không đếm ngày sống của mình bao giờ…”

(Trích từ tập thơ Mi & Ngôn từ, 2011, được trình diễn trong “Cò cò, sao mày ốm nhom?”.

Những nghệ nhân hát rong sẽ lang thang du ca trên khắp nẻo làng Chăm, Hari Ariya cho mọi người cùng nghe, gửi theo làn gió đến những tâm hồn người đang thao thức kiếm tìm chân lý uyên nguyên của một kiếp người trần tục. Thời đại hôm nay dù ít còn nghe tiếng Hari vang khắp, nỉ non não nuột ngày nào, nhưng hồn cốt Chăm ấy vẫn không thể nào mất đi.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.