Thực hư nhau thai chữa bệnh

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Tại quán nước nằm ở đầu đường Phạm Đôn giao với đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, Tp.HCM, nghe tôi hỏi về vị thuốc Tử hà sa (nhau thai), bà chủ quán nói ngay: “Sao dạo này nhiều người hỏi cái đó quá! Hầu như nhà thuốc nào ở đây cũng đều có bán thứ đó hết á”.

Dễ mua nhưng khó tìm nguồn gốc

Dạo quanh khu phố Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, Tp.HCM hỏi về vị Tử hà sa, hầu hết các nhà thuốc đều trả lời có bán. Nhưng không như các vị thuốc khác, vị Tử hà sa thường chỉ được các chủ nhà thuốc để riêng vào một gốc, hạn hữu lắm mới có nơi để ra một gói ở ngoài kiểu trưng bày.

Tại nhà thuốc Y học Dân tộc Cổ truyền Thu Hà (số 53, Hải Thượng Lãn Ông, P.10, Q.5), khi nghe tôi hỏi mua Tử hà sa giá tầm 100.000đ chủ tiệm tỏ vẻ dò xét: “Mua làm gì? Ai chỉ cho mua cái này?”... Nhưng dường như bà ta chỉ hỏi cho có lệ, vì không đợi tôi trả lời, bà đã lấy ra một gói cho xem: “Đây, thấp nhất là 110.000 đồng/gói. Không trả giá”. Đấy là một cái túi nilon trong với hai đầu được ép kín, trên túi in rất nhiều chữ tiếng Trung, trong đó có mười chữ to đùng được in ngay giữa (tôi đồ đó là nhãn hiệu của sản phẩm) và không có phụ nhãn tiếng Việt, bên trong túi là mớ thuốc sấy khô đã bị gãy vụn.

Thấy tôi băn khoăn: “Sao không thấy ghi hạn sử dụng và gốc gác gì vậy?”.

Bà chủ tiệm sẵn giọng: “Nó vậy đó, không mua thì gửi lại. Hàng Tàu nè, thấy hôn?”. Miệng nói, tay bà dí dí chỉ vào mấy chữ tiếng Trung in trên bao bì. Tôi lại chê: “Có loại nào khác nữa không, gói này thuốc nát quá”. Với vẻ mặt không hài lòng bà lầm bầm: “Tiền nào của nấy, giá chừng 100.000đ, thì chất lượng thế thôi, muốn tốt hơn thì tiền cũng phải nhiều hơn”.

Tuy thế bà vẫn quay vào trong lấy ra một gói thuốc khác cho tôi xem. Gói này cũng được chứa trong túi nilon trong in chữ tiếng Trung trên bao bì nhưng khác gói thuốc hồi nãy ở chỗ nó chỉ có năm chữ tiếng Trung được in to, thuốc không nát và có màu sẫm hơn. Bà chủ tiệm nói: “Đây là loại tốt rồi, giá là 350.000đ”.

Với những “kinh nghiệm” chọn Tử hà sa có được tại nhà thuốc Thu Hà, tôi bắt đầu sang có nhà thuốc khác tại khu chợ thuốc Bắc nổi tiếng nhất thành phố này. Vì không có bất cứ dòng chữ hướng dẫn nào bằng tiếng Việt trên bao bì các túi thuốc Tử hà sa, tôi chỉ còn biết dựa vào chi tiết năm hay mười chữ tiếng Trung trên bao bì mà phân biệt về giá cả. Cứ loại có năm chữ tiếng Trung in to đùng thì sẽ luôn mắc hơn loại có mười chữ.

Tôi đi sang nhà thuốc Hưng Nghĩa Đường (44, Hải Thượng Lãn Ông, P.10, Q.5, Tp.HCM) chuyên khám bệnh bắt mạch bốc thuốc. Lương y Trần Văn Hòa, làm việc tại đây cho biết: “Ở đây có hai loại, loại 220.000đ hơi đen nhưng chất lượng tốt và loại 320.000đ tốt hơn. Còn thứ chế biến thành thuốc sẵn với nhiều vị khác nữa thì giá khác”. Nói xong ông mang ra cho tôi xem loại 220.000đ. Loại này có mười chữ tiếng Trung in trên bao bì. Loại 320.000đ thì chỉ có năm chữ tiếng Trung trên bao bì.

Hỏi về xuất xứ, ông Hòa cằn nhằn: “Hàng lấy bên Hồng Kông, Trung Quốc. Mà cô hỏi làm gì? Còn muốn mua nhau sống thì vô bệnh viện hỏi bác sỹ quen người ta đưa cho. Cái đó không lấy cũng bỏ chớ làm gì, muốn bao nhiêu mà không có. Cô thích thì tôi lấy dùm cho”. Tôi hỏi ông Hòa về mối lấy hàng, ông xua tay quầy quậy: “đó là chuyện làm ăn của tôi, hỏi làm gì”.

Tôi nói, lỡ nhau thai nhiễm bệnh thì người dùng cũng sẽ bị nên không thể tin được. Thấy tôi có vẻ không an tâm về chất lượng, hạn dùng ông nói thêm: “Ở bên Trung Quốc, người ta cũng lấy từ bệnh viện ra mà chế biến. Người ta có những cơ sở sản xuất và chế biến riêng. Máy sấy, nhiệt độ tiệt trùng sạch sẽ mới đem bán chứ! Mầm bệnh nào mà còn”.

Vị thuốc “đấu tranh với nghịch cảnh”

Ông Đinh Công Bảy-Chủ tịch Hội Dược liệu Tp.HCM cho rằng, nói về Tử hà sa phải kể đến câu chuyện về Filatov, vị Giáo sư người Anh phát minh ra phương pháp chữa bệnh “Đấu tranh với nghịch cảnh”. Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0 đến 4 độ C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Ông Bảy cho rằng, ngay từ thời kỳ kháng chiến, ta đã biết dùng nhau thai để chữa bệnh. Tác dụng điều trị tuyệt vời của nhau thai gắn liền với nhiều câu chuyện đầy thú vị. Năm 1950, trên đường đi công tác qua tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bị giặc Pháp bắt và chuyển từ nhà giam Cần Thơ lên Sài Gòn, giam tại nhà giam Virgile. Tại đây ông được tiếp cận với nhiều tài liệu y khoa do một người lính Pháp vốn là sinh viên y khoa bị động viên vào đội quân viễn chinh, có cảm tình đặc biệt với những người tù trí thức như ông.

Trong những tài liệu đó, có một bài do tác giả Vachon viết giới thiệu về phương pháp chữa bệnh của giáo sư Filatov. Ở bài viết này, Vachon cho rằng, thuyết “Đấu tranh với nghịch cảnh” của Filatov mới chỉ là một giả thuyết. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm của mình, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành cho rằng, phương pháp này hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế và có ý nghĩa to lớn trong điều kiện chiến trường của ta thời ấy chứ không dừng lại ở một giả thuyết.

Cuối năm 1950, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được trả tự do. Trở lại Khu 9, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã trình bày ngay phương pháp Filatov. Từ những lý thuyết căn bản đã được đọc qua sách báo và vận dụng điều kiện thực tế, tình hình bệnh tật tại Quân y viện Khu 9, bác sĩ Thành đã sáng tạo phương pháp Filatov khi lấy bánh nhau sản phụ để ứng dụng.

Theo nguyên lý, bánh nhau là một tổ chức tế bào sống, nếu bị đặt trong nghịch cảnh, các tế bào nhau sẽ huy động sức tự vệ để chiến đấu, sản xuất ra chất biostimuline. Đem cấy bánh nhau này vào cơ thể hoặc lọc các chất biostimuline để tiêm vào cơ thể sẽ là một phương thuốc tuyệt vời để trị bệnh.

Đề tài này được tập thể Quân y viện Khu 9, đặc biệt là y sĩ Trương Công Trung - Viện trưởng ủng hộ. Ngày 27/11/1951 lá nhau đầu tiên do y sĩ Trương Công Trung tự tay lựa chọn đã được khử trùng cho vào tủ lạnh. Với kết quả thử nghiệm trên 3.000 trường hợp lâm sàng được cấy nhau cho thấy phương pháp Filatov không những góp phần ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn làm giảm hẳn tỷ lệ tử vong của thương bệnh binh.

Những kết quả điều trị cụ thể như: vết mổ ở bụng dễ lành sẹo hơn, chống được sẹo lồi; bệnh eczema ở cẳng chân với những mảng viêm da, xuất tiết, phù nề gây viêm da cấp, sau khi được điều trị bằng Filatov, những mảng eczema sẽ gom lại, hết rỉ nước, khô và gom nhỏ; bệnh viêm khớp với những cơn đau cũng được trị dứt điểm…

Với những tài liệu khoa học đó, ông Đinh Công Bảy nhấn mạnh, nhau thai chỉ có tác dụng điều trị khi nó được lấy từ những bà mẹ sinh con khỏe mạnh, được tiệt trùng và dùng đúng cách. Không nên dùng nhai thai khô được bán tràn lan và không rõ nguồn gốc ở các chợ dược liệu.

Bạn có biết?

Tại khu thuốc Bắc Hải Thượng Lãn Ông , Q.5, Tp.HCM, một thang thuốc ngâm rượu có vị tử hà sa có giá từ 500.000đ/thang đến 3.000.000 đồng/thang. Tùy vào giá tiền mà có thể ngâm với nhiều hay ít rượu.

Ngoài ra, Lương y Trần Văn Hòa cũng cho biết, Tử hà sa không chỉ được dùng để ngâm rượu, người mua có thể nấu uống. Nếu nấu thì chia một miếng tử hà sa làm 7. Mỗi lần nấu một miếng với 650ml nước sao cho nước còn khoảng 325ml thì uống làm 2 lần trong ngày. Thuốc uống trước bữa ăn. Nếu ngâm rượu thì ngâm với 1 lít rượu và uống trước bữa ăn, ngày 2 lần.

* Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

- Nhau thai giúp làm tăng sức đề kháng của cơ thể, có tác dụng phòng chống loét dạ dày trên thực nghiệm.

- Tác dụng đông máu: Thai bàn có thể dùng chữa chứng thiếu máu do thiếu yếu tố XIII.

Dịch chiết Thai bàn có tác dụng kích thích tử cung co bóp, bột Thai bàn có tác dụng chữa bệnh lao thực nghiệm.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG