Thực hiện nghiêm Luật, truyền hình lấy gì để phát!

Thực hiện nghiêm Luật, truyền hình lấy gì để phát!
TP - Làm sao để việc xã hội hoá truyền hình không còn bị kêu ca là câu cá trên sóng truyền hình, đá bóng kém, thổi còi tồi, thậm chí là “truyền hình bán sóng”? Câu hỏi ấy chưa được trả lời trong hội thảo khoa học “Xã hội hoá sản xuất các chương trình truyền hình”.
Thực hiện nghiêm Luật, truyền hình lấy gì để phát! ảnh 1
Phim “Cô gái xấu xí” do Cty BHD sản xuất

Chương trình do Tạp chí Truyền hình và TVad tổ chức chiều qua, 2/1, tại Hà Nội.

Theo GS.TSKH Phan Xuân Sơn - Phó Viện trưởng Viện Chính trị học (Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh), dùng nhiều chương trình của nước ngoài hoặc mua bản quyền truyền hình nước ngoài sẽ không tiết kiệm chi phí cho nhà đài, lại không sát thực tế, không gần dân.

Xã hội hoá truyền hình sẽ góp phần khắc phục thực tế đó. Tuy nhiên, GS.TS Sơn nói, “hình như chúng ta chỉ coi đài TH là báo hình chứ không phải là truyền thông đa phương tiện”.

Công ty truyền thông ra đời ngày càng nhiều, không hiếm trong số đó chịu chơi, nhanh nhạy và đầu tư không tiếc tiền cho các chương trình giải trí hoặc phim truyền hình.

Họ thu hút đạo diễn giỏi, đội giá cat-sê lên cao, “có lúc cao đến mức khó hiểu” như lời đạo diễn-NSND Khải Hưng. Nhưng đó là thị trường. Cả phương tiện kỹ thuật sản xuất chắp vá, nhặt nhạnh từ nơi này một chút nơi kia một tý cũng từ quy luật của thị trường. Bởi, dù đã được nhà đài chấp thuận về kịch bản, nhưng đầu tư cho phim truyền hình vẫn là việc mạo hiểm của những doanh nghiệp truyền thông đa phương tiện.

Đơn cử, tại TPHCM, 600 công ty truyền thông năm qua đã cho ra đời hàng ngàn giờ phim, trong khi đó HTV chỉ cần 900 giờ phim Việt. Cung đã vượt cầu, đã thế, các doanh nghiệp này lại muốn chiếu phim vào giờ vàng, bởi giờ vàng mới có thể đổi được quảng cáo. Nguy cơ sập tiệm với công ty sản xuất phim là khá cao.

Ngược lại, Luật Điện ảnh quy định, cứ nhập chiếu 2 phim ngoại thì phải chiếu một phim nội, và nếu nghiêm túc thực hiện, các đài truyền hình địa phương sẽ chả biết lấy gì mà phát. Nghịch lý ở đây: phim truyền hình vừa thừa vừa thiếu.

Nhìn từ Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC, đạo diễn Khải Hưng nói: “350 tập phim mỗi năm là VFC hết sức rồi, nên chúng tôi cổ vũ xã hội hoá sản xuất phim truyền hình”.

VFC mất thế độc quyền, mất cả loạt kịch bản, mất 6 đạo diễn, 5 quay phim và các biên tập viên giỏi khi các công ty phim truyền hình ra đời và cùng với họ là những lời mời hấp dẫn: thu nhập cao, trả thù lao cho kịch bản hay cao 150% so với mức VFC chịu trả. Nhưng, xã hội hoá cũng khiến VFC biết thay đổi tư duy và vươn lên cạnh tranh là như thế nào.

Đại diện Cty truyền thông Mesa khẳng định: Chỉ có 2 địa điểm thu hút chúng tôi là VTV và Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Với HTV, chúng tôi đi nhanh hơn, đến dễ hơn, nhưng cũng chính vì thế mà phim phải xếp hàng chờ giờ vàng. Con đường đến giờ vàng gian nan lắm.

Còn ở VTV, cánh cửa xã hội hoá khép hờ, chúng tôi phải chờ đợi, vì chậm trễ như thế nên nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Bà Giám đốc Cty Mesa nói: “3 năm đã trôi qua, liệu đến năm thứ tư, chúng tôi có còn được đi trên con đường xã hội hoá hay không?”.

Theo bà Ngô Bích Hạnh - GĐ Cty BHD, xã hội hoá là dây chuyền công nghiệp chứ không phải là những cá nhân đơn lẻ. “Thanh niên Việt Nam đi xe máy Nhật, dùng dầu gội Mỹ nhưng không được xem phim Việt Nam là một mất mát của dân tộc”.

Thông tin từ BHD, phim Cô gái xấu xí của công ty này làm khá kỳ công, phải dựng trường quay 2.000m2, huy động 100-150 người làm việc trên trường quay mỗi ngày. Bởi theo bà Hạnh, ở lĩnh vực phim truyền hình, không phải cứ tiết kiệm chi phí là thu được lợi nhuận.

Một số công ty sản xuất phim tỏ ý không hài lòng về VTV trong việc tiếp nhận, thưởng phạt các phim truyền hình. Một doanh nghiệp cho biết, VTV sẵn sàng phạt lên đến 50% giá trị hợp đồng, nhưng thưởng thì chỉ 5 triệu đồng cộng với bằng khen!

Trước thông tin một số chương trình của VTV không đảm bảo và bị coi là bán sóng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin- Truyền thông) Hoàng Hữu Lượng nói “sẽ hạ hồi phân giải”.

Ông Lượng cũng khảng khái rằng: “Nếu chúng ta xã hội hoá đến mức người ngoài có thể làm thì Nhà nước cũng sẽ không để cho VTV độc quyền, mà sẽ chuyển sang dạng khác. VTV đang làm cả truyền hình công cộng và truyền hình thương mại”.

Ông Lượng nói, trong Luật Báo chí sửa đổi sau này, sẽ có quy định truyền hình được phép xã hội hoá đến mức nào.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.