'Thực đơn' cho bệnh nhân tiểu đường

TPO - Chế độ dinh dưỡng là một trong những nhân tố quan trọng giúp những bệnh nhân mắc tiểu đường có khả năng phục hồi và duy trì tình trạng sức khỏe tốt. Nếu ăn uống không đúng cách, bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Dưới đây là những lỗi ăn uống cần tránh đối với những người mắc bệnh tiểu đường.

1. Lười ăn món chính

Nhiều người cho rằng, ăn ít món chính sẽ làm giảm “gánh nặng” cho dạ dày, bởi đã hạn chế lượng calo nạp vào quá nhiều. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm.

Bỏ qua những món chính, thay vào đó là các món ăn vặt: bánh kẹo, nước ngọt có ga, mỳ tôm…sẽ gây ra hậu quả sau: do lượng calo không cung cấp đủ cho cơ thể hoạt động, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất, tích lũy mỡ, khó phân giải các chất protein, cơ thể gầy yếu, không săn chắc.

Đồ ăn vặt thường chứa nhiều dầu, đường và chất béo, do đó, những chất này lâu ngày tích lại dần trong cơ thể, làm cho hàm lượng các chất đó đều vượt chuẩn, dễ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, thừa cân, béo phì…

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, tốt nhất nên hạn chế các thực phẩm giàu chất béo và calo. Thức ăn chính: các loại ngũ cốc, rau xanh, củ quả, thịt động vật…chứa rất nhiều carbohydrate phức hợp có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.

2. Cứ không phải đồ ngọt là ăn thỏa mái

Một số người cho rằng, người mắc bệnh tiểu đường chỉ cần kiêng những món ăn ngọt, nhiều đường. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Dù là bánh bao mặn, các loại bánh kẹo mặn cũng không tốt cho người mắc bệnh này. Nguyên nhân là do trong chúng cũng chứa nhiều đường glucozo, nếu ăn nhiều sẽ kích thích lượng đường trong máu tăng cao.

Do đó, chỉ nên ăn với số lượng nhỏ để thay đổi khẩu vị, và nhớ rằng, cần tính toán đến lượng calo đã nạp vào cơ thể.

3. Uống thuốc sau khi ăn no

Nhiều người chọn giải pháp an toàn, uống thuốc sau khi đã ăn no căng với lý do lượng thuốc ấy sẽ nhanh chóng “tiêu diệt” thực phẩm. Cách làm này không những làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng mà còn gây quá tải cho tuyến tụy, gây ra nhiều tác dụng phụ có hại cho cơ thể, dẫn đến khó kiểm soát tình hình bệnh, bệnh tiểu đường lại càng trở lên nghiêm trọng.

4. Không cần hạn chế lượng dầu mỡ

Dù là dầu thực vật (chứa nhiều chất béo không no) hay mỡ động vật đều có hàm lượng calo cao. Nếu không hạn chế, nó sẽ là nguyên nhân gây ra sự khó chịu, đau bụng, ợ chua, tăng lượng đường trong máu, nếu nặng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

5. Chỉ ăn thức ăn thô, không ăn thức ăn tinh

Thức ăn thô chứa nhiều chất xơ có tác dụng làm giảm lượng đường, mỡ, lợi tiểu, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thức ăn thô làm tăng áp lực cho dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây rối loạn về tiêu hóa. Do vậy, cần phải kết hợp hài hòa hai loại thức ăn trên để duy trì sức khỏe người bệnh.

6. Thời gian ăn cơm và uống thuốc bất định

Đây là một thói quen thiếu khoa học. Hễ đói là ăn, ăn xong lúc nào liền uống thuốc lúc ấy, bất kể là thời gian hàng ngày chênh nhau quá lớn. Uống thuốc không chỉ để khống chế lượng đường trong máu, mà còn giúp cơ thể điều chỉnh lại quá trình trao đổi chất. Ăn uống không đúng thời gian quy định rất dễ làm tăng lượng đường trong máu đột ngột, khiến người bệnh khó chịu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

7. Cứ tiêm insullin là ăn uống thoải mái

Mục đích dùng insullin là nhằm giữ lượng đường trong máu ổn định, việc điều trị tiểu đường bằng insullin cũng cần căn cứ chặt chẽ vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Nếu không hạn chế ăn uống những thực phẩm nhiều đường và chất béo sẽ làm lượng đường trong máu bất ổn, nguy cơ phát bệnh đột ngột tăng cao.

Phạm Hằng 
Theo Tân Hoa Xã